Thế nào là vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm?

Theo TAND Tối cao, đó là những vụ án về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà hành vi phạm tội được thực hiện tại nhiều địa phương; hoặc vụ án mà việc đánh giá chứng cứ có nhiều ý kiến khác nhau...

TAND Tối cao đang lấy ý kiến dự thảo thông tư liên tịch quy định về thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của TAND cấp tỉnh và phối hợp chuyển vụ án trong giai đoạn xét xử theo quy định của BLTTHS.

 Quang cảnh một phiên tòa. Ảnh: SONG MAI

Quang cảnh một phiên tòa. Ảnh: SONG MAI

Thế nào là vụ án có nhiều tình tiết phức tạp...?

Theo dự thảo, về thẩm quyền, TAND cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự sau đây:

- Vụ án hình sự về các tội phạm không thuộc thẩm quyền của TAND khu vực theo quy định của BLTTHS;

- Vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của TAND khu vực thuộc một trong các trường hợp sau đây: có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; khi xử lý vụ án có ảnh hưởng đến chính trị, đối ngoại; người phạm tội là cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ cấp tỉnh trở lên; người phạm tội là người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín trong dân tộc thiểu số.

Đáng chú ý, Điều 3 dự thảo thông tư liên tịch đã giải thích một số từ ngữ. Theo đó, vụ án hình sự “có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm” là vụ án thuộc các trường hợp sau đây:

- Vụ án về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà hành vi phạm tội được thực hiện tại nhiều địa phương trên phạm vi địa phận tỉnh, TP khác nhau;

- Quy định của pháp luật về những vấn đề cần giải quyết trong vụ án chưa rõ ràng, chưa được hướng dẫn áp dụng thống nhất;

- Việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật có nhiều ý kiến khác nhau;

- Việc giải quyết vụ án liên quan đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm;

- Hành vi phạm tội xảy ra ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau;

- Vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Cạnh đó, vụ án mà khi xử lý có ảnh hưởng đến chính trị, đối ngoại là vụ án mà hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng về chính trị, xã hội, đối ngoại của tỉnh TP, bị các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng tiến hành các hoạt động chống phá.

“Cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ cấp tỉnh trở lên” là người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp phó trở lên của HĐND, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh; bí thư, phó bí thư cấp ủy cấp tỉnh trở lên, thứ trưởng và tương đương thứ trưởng trở lên tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tương đương, các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

“Người có chức sắc trong tôn giáo” là người được phong phẩm hoặc suy cử làm hòa thượng, thượng tọa, ni trưởng, ni sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; mục sư của các tổ chức Tin lành; phối sư trở lên của các Hội thánh Cao đài; giảng sư trở lên của Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam và các phẩm vị tương đương của tổ chức tôn giáo khác.

“Người có uy tín cao trong dân tộc thiểu số” là người gắn bó mật thiết với đồng bào dân tộc thiểu số, có khả năng quy tụ, tập hợp, được đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số tin tưởng, nghe và làm theo.

Quy định về chuyển vụ án

Về chuyển vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của TAND khu vực cho TAND cấp tỉnh, theo dự thảo, sau khi tòa án thụ lý vụ án, xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền của TAND khu vực nhưng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 268 BLTTHS và khoản 2 Điều 3 thông tư liên tịch này, Chánh án TAND khu vực phải báo cáo Chánh án TAND tỉnh để xem xét, quyết định tòa án có thẩm quyền giải quyết, xét xử.

Trường hợp Chánh án TAND cấp tỉnh quyết định TAND khu vực có thẩm quyền giải quyết, xét xử vụ án hình sự thì TAND khu vực tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung.

Trường hợp Chánh án TAND cấp tỉnh quyết định TAND cấp tỉnh giải quyết, xét xử vụ án thì TAND khu vực trả hồ sơ vụ án cho VKS đã truy tố để chuyển đến VKS có thẩm quyền.

Về phối hợp chuyển vụ án hình sự từ TAND cấp tỉnh cho TAND dân khu vực, trường hợp VKSND cấp tỉnh quyết định truy tố và chuyển hồ sơ vụ án cho TAND cấp tỉnh nhưng sau khi thụ lý vụ án, TAND cấp tỉnh xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền của TAND khu vực thì TAND cấp tỉnh trả hồ sơ và thông báo cho VKS đã ra quyết định truy tố để phân công cho VKSND khu vực để thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/the-nao-la-vu-an-co-nhieu-tinh-tiet-phuc-tap-du-luan-xa-hoi-dac-biet-quan-tam-post862309.html