Thẻ quà tặng trở thành mục tiêu tấn công mới của tội phạm có tổ chức
'Thẻ quà tặng' là một mô hình kinh doanh rất phổ biến tại Mỹ. Tuy nhiên, sự thay đổi trong phương thức thanh toán khiến cho giới tội phạm đã tìm ra một cách mới để có thể ra tay.
1. Với nền văn hóa tiêu dùng đặc trưng của mình, người Mỹ đã tạo nên một thị trường bán lẻ lớn nhất thế giới. Theo ước tính của Liên đoàn Bán lẻ quốc gia (NRF) thì doanh số bán lẻ trong năm 2023 của Mỹ vào khoảng 5,23 nghìn tỷ USD tương đương với 20% tổng sản phẩm nội địa của Mỹ (ước đạt 27 nghìn tỷ USD) và tạo ra khoảng 25% số việc làm của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thống kê bán lẻ của NRF không bao gồm mặt hàng ôtô cũng như việc kinh doanh trạm xăng và nhà hàng. Dẫu vậy, đây vẫn là thị trường bán hàng lớn nhất thế giới và đang tăng trưởng không ngừng. Ước tính năm 2023, thị trường bán lẻ Mỹ tăng trưởng 6% so với năm 2022 và mức tăng trưởng này cao hơn mức tăng trung bình hàng năm trước đại dịch vào năm 2019 là 3,6%.
Một điểm đặc biệt trong văn hóa tiêu dùng Mỹ là thói quen mua sắm trực tiếp khiến cho doanh thu tại chỗ của các cửa hàng, trung tâm thương mại và siêu thị chiếm tới 80% tổng doanh thu toàn thị trường. Thói quen mua sắm ưa thích các hình thức tặng quà và giảm giá trực tiếp đã khiến cho hình thức bán hàng thanh toán trước bằng thẻ quà tặng trở nên phổ biến tại Mỹ. Theo ước tính của NRF, người Mỹ dự kiến sẽ chi hơn 200 tỷ USD cho thẻ quà tặng trong năm 2024. Các nhà bán lẻ yêu thích thẻ quà tặng vì chúng thúc đẩy doanh số bán hàng và lợi nhuận. Người tiêu dùng thường chi tiêu ít hơn giá trị của thẻ khi họ mua sắm và các chuỗi siêu thị lớn như Walmart và Target còn kiếm được lợi nhuận khi khách hàng mua thẻ quà tặng của bên thứ ba, chẳng hạn như thẻ từ Apple hoặc Google.
Trong quá khứ, hình thức thẻ quà tặng nhỏ lẻ thường không được giới tội phạm quan tâm đến vì giá trị không lớn và khó xâm phạm. Trước đây, hình thức lừa đảo phổ biến là làm giả thẻ quà tặng để chiếm đoạt sản phẩm của các doanh nghiệp. Tuy nhiên với việc thanh toán trực tuyến ngày càng nở rộ, các tổ chức tội phạm đã tìm thấy một cách thức mới để có thể chiếm đoạt tài khoản của người tiêu dùng. Đây cũng là loại hình tội phạm đang nở rộ ở Mỹ thời gian gần đây.
Theo báo cáo của Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) vào năm 2023, các khiếu nại liên quan đến lừa đảo thẻ quà tặng đã gia tăng, với gần 65.000 người tiêu dùng nộp đơn. Những vụ lừa đảo này khiến các nạn nhân mất hơn 228 triệu USD mỗi năm. Báo cáo này chắc chắn không đầy đủ vì phần lớn nạn nhân sẽ không báo cáo thiệt hại do giá trị của thẻ thường không quá lớn. Tuy nhiên 60% nhà bán lẻ cho biết họ đã chứng kiến sự gia tăng các vụ lừa đảo thẻ quà tặng từ năm 2022 đến năm 2023.
Chỉ riêng tập đoàn siêu thị Target ước tính có thể tới 300 triệu USD đã bị đánh cắp từ khách hàng do rút thẻ, theo một báo cáo của họ gửi cho văn phòng cảnh sát trưởng Florida vào tháng 6/2023. Dữ liệu từ các nhà bán lẻ và người tiêu dùng cho thấy việc tiêu hao thẻ đã tăng vọt trong những năm gần đây đến mức “rút thẻ” đã trở thành thuật ngữ chỉ một loại hình tội phạm.
2. “Rút thẻ” là thuật ngữ chỉ những gì xảy ra khi bọn tội phạm lấy thẻ quà tặng ở cửa hàng rồi ghi lại số thẻ, mã PIN hoặc thay thế chúng bằng mã vạch mới. Kẻ gian sẽ sửa lại bao bì và đặt các thẻ trở lại kệ hàng. Khi khách hàng vô tình chọn và nạp tiền vào một thẻ giả mạo, tội phạm có thể truy cập vào thẻ trực tuyến và lấy trộm số dư. Cách thức “lấy tiền” này khá dễ dàng do thói quen mua sắm đơn giản của người Mỹ nhưng lại phức tạp hơn do cần có sự phối hợp giữa nhiều tên tội phạm, đó là lý do mà các nhóm tội phạm có tổ chức đang chú ý tới “lãnh địa” này. Các tổ chức này đang phát triển mạnh đến mức Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) mới đây đã thành lập một đội đặc nhiệm mới để chống lại loại hình phạm tội này. Sáng kiến này được mệnh danh là “Dự án Red Hook”.
Điều này đánh dấu lần đầu tiên chính quyền liên bang tập trung vào vai trò của tội phạm có tổ chức trong gian lận thẻ quà tặng và dành nguồn lực để chống lại nó. DHS bắt đầu quan tâm đến hoạt động gian lận thẻ quà tặng vào cuối năm ngoái để giải quyết hàng loạt khiếu nại và vụ bắt giữ của người tiêu dùng liên quan đến việc rút thẻ.
Theo ông Adam Parks, trợ lý đặc vụ của DHS tại Baton Rouge, người đứng đầu đội đặc nhiệm, cho biết trong 18 tháng qua, các cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ đã bắt giữ khoảng 100 người vì tội rút thẻ. Ông Parks ước tính có khoảng 1.000 người khác có thể liên quan đến việc rút thẻ ở Mỹ, chủ yếu là người chạy trốn cho các băng đảng. Trả lời phỏng vấn tờ ProPublica, ông Parks nhấn mạnh: “Chúng ta đang nói về hàng trăm triệu đôla, có thể là hàng tỷ đôla, đó là một rủi ro đáng kể đối với nền kinh tế của chúng ta cũng như niềm tin của người dân vào môi trường bán lẻ”.
Theo ông Parks, các nhà điều tra liên bang tin rằng nhiều tổ chức tội phạm nước ngoài có liên quan đến việc rút thẻ và đang sử dụng số tiền thu được để tài trợ cho các hoạt động bất hợp pháp khác, từ ma túy đến buôn người. Các quan chức của DHS tiết lộ về sự tham gia của tội phạm có tổ chức của châu Á vào ngành công nghiệp cần sa bất hợp pháp của Mỹ cũng như các hoạt động rửa tiền thu được từ buôn bán cocaine, heroin và fentanyl. Trong khi báo ProPublica cũng đã vạch trần cách Walmart và các nhà bán lẻ khác đã tạo điều kiện cho gian lận thẻ quà tặng lây lan để tăng được doanh số.
Nhóm điều tra của DHS ở Baton Rouge do Adam Parks dẫn đầu đã mở một cuộc điều tra dẫn đến kết án và tuyên án tù cuối năm 2023 đối với một người đàn ông Canada đã đánh cắp hơn 22 triệu đôla bằng cách điều hành một thị trường thẻ quà tặng trực tuyến bất hợp pháp khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ trở thành nạn nhân. Khi các vụ bắt giữ vì tội rút thẻ bắt đầu “nở rộ” trên khắp đất nước, ông Parks và đặc vụ Dariush Vollenweider nhận thấy sự cần thiết phải có phản ứng trên toàn quốc. Đó là khi chính quyền vào cuộc.
3.Trong nỗ lực chống lại sự phổ biến ngày càng tăng của các vụ lừa đảo thẻ quà tặng khiến người tiêu dùng thiệt hại hàng triệu USD, một luật mới đã có hiệu lực ở New York (thị trường bán lẻ lớn nhất của nước Mỹ) vào tháng 6/2023 nhằm bảo vệ các cá nhân. Theo luật này, các cửa hàng bán thẻ quà tặng phải trưng bày các biển cảnh báo nổi bật để thông báo cho người mua hàng về những kẻ lừa đảo tiềm ẩn có thể liên hệ với họ, yêu cầu thanh toán dưới dạng thẻ quà tặng.
Tổng Thư ký bang New York, ông Robert J. Rodriguez nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc các doanh nghiệp tuân thủ luật pháp và nâng cao nhận thức cộng đồng về những trò gian lận này. Ông khuyến khích tất cả doanh nghiệp chưa thực hiện như vậy đăng thông báo cảnh báo ở bất cứ nơi nào thẻ quà tặng được trưng bày hoặc bán, đảm bảo rằng người mua sắm được cung cấp đầy đủ thông tin và có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết.
Tháng 11/2023, DHS đã triệu tập một hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại trụ sở ở thủ đô Washington, với sự tham dự của nhiều nhà bán lẻ và nhà cung cấp thẻ quà tặng hàng đầu, bao gồm cả Walmart, Apple, Target,... Chính quyền Mỹ đã yêu cầu những nhà bán lẻ phải chia sẻ thông tin và giúp ngăn chặn các băng đảng. DHS sau đó đã đưa ra một bản tin vào tháng 12 cảnh báo cơ quan thực thi pháp luật trên toàn quốc về các chiến thuật giả mạo thẻ.
Ông Adam Parks cho biết một nhóm 15 nhân viên của DHS hiện đang dành phần lớn thời gian của họ cho Dự án Red Hook. Đặc vụ Vollenweider nói: “Đây không chỉ là vấn đề của của một cửa hàng, Sở Mật vụ, DHS hay FBI. Đó là một vấn đề của ngành cần được giải quyết.”
Ông Parks cho biết Dự án Red Hook đang đề xuất các biện pháp chống gian lận cho các nhà bán lẻ, chẳng hạn như giám sát chặt chẽ hơn việc trưng bày thẻ quà tặng, đồng thời nâng cao nhận thức về vấn đề này của người bán và cơ quan thực thi pháp luật địa phương. Theo ông Parks, an ninh cửa hàng và cảnh sát địa phương đôi khi coi những người trộm vặt thẻ quà tặng chỉ là những phiền toái nhỏ nhặt và đuổi họ ra khỏi cửa hàng thay vì bắt giữ và truy tố họ. Lực lượng đặc nhiệm hy vọng có thể làm việc với cảnh sát địa phương để xác định vị trí và truy tố những người đã được thả trước đó, từ đó lần ra đầu mối của những kẻ chủ mưu thực sự trong một cuộc chiến với loại tội phạm đã trở nên ngày càng phức tạp hơn.