Thể thao Khó khăn & sẻ chia
TTH - Là đơn vị sự nghiệp có thu, nhưng do nguồn thu giảm sút trầm trọng, thậm chí có thời điểm giảm đến 90% khiến Trung tâm Thể thao tỉnh (Trung tâm) và các đơn vị trực thuộc đang phải gồng mình chống đỡ…
Đoàn kết vượt khó
Ông Trần Thanh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Thể thao tỉnh chia sẻ, ngoài bể bơi ở số 2 Lê Quý Đôn, các đơn vị trực thuộc của trung tâm bao gồm: Nhà thi đấu (Bà Triệu), bể bơi và sân tenis (An Cựu City). Không kể các VĐV thi đấu tại các giải cấp tỉnh, toàn quốc, khu vực và thế giới được tổ chức tại đây, mỗi năm, những cơ sở này thu hút khoảng 100 – 120 ngàn lượt khách.
Với lượng khách đến tham gia tập luyện, thi đấu, sinh hoạt tại các địa điểm trên đã giúp Trung tâm tạo nguồn thu để trả lương cùng một số chi phí cho hơn 40 lao động hợp đồng với mức thu nhập có thể ổn định cuộc sống.
Nhưng đó là thời điểm COVID-19 chưa xuất hiện.
“Giai đoạn từ tháng 10 năm này đến tháng 3 năm sau thường thời tiết của Huế mưa lạnh kéo dài, dẫn đến không có nguồn thu từ khách bơi (nguồn thu chủ yếu của trung tâm). Bên cạnh đó, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng COVID-19, bể bơi và các sân tập không thể đón khách, giảm nguồn thu gần 50%, thậm chí có thời điểm giảm đến 90%. Anh chị em có nhiều tháng chỉ nhận 50% lương, ngoài ra không có thêm khoản thu nhập nào khác. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của anh em đang làm việc tại trung tâm, cũng như có không ít trường hợp xin muốn nghỉ việc”, ông Tuấn chia sẻ.
“Có người nói mùa dịch không có khách, không hoạt động, nên nếu có nhân viên xin nghỉ cũng không ảnh hưởng mấy. Điều này không sai, nhưng dù không phục vụ khách thì vẫn có nhiều việc phải làm, như bảo trì, vệ sinh… và quan trọng, trong số các lao động hợp đồng thì có 6 lao động phụ trách cứu hộ tại bể bơi. Để có được một nhân viên cứu hộ phải mất thời gian đào tạo từ 3 - 4 năm. Nếu như hiệu ứng domino khiến các nhân viên cứu hộ nghỉ việc, sẽ rất lâu mới tuyển dụng được dàn nhân viên cứu hộ như hiện nay”, ông Tuấn nói.
Đứng trước việc phải giải quyết 2 vấn đề nan giải cùng lúc, đó là làm thế nào vừa giữ chân lao động, vừa có thể giúp người lao động ổn định cuộc sống, ông Trần Thanh Tuấn cùng BGĐ Trung tâm và Công đoàn thường xuyên gặp mặt, động viên anh chị em và có một số hỗ trợ nhất định, đồng thời, Công đoàn viên chức tỉnh cũng về tận nơi để khảo sát từng trường hợp cụ thể để từ đó có những phương án góp phần giúp người lao động tại Trung tâm ổn định cuộc sống. “Những lời động viên chân tình, những phần quà mang nặng nghĩa tình khiến chúng tôi rất xúc động và quyết tâm gắn bó cùng trung tâm dù trong chúng tôi có nhiều hoàn cảnh rất khó khăn”, anh Bùi Tuấn Khanh, nhân viên tổ kỹ thuật nói.
“Do thu nhập giảm nên nói thật, tôi và một số anh em cũng định nghỉ việc để tìm nơi khác thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, sau những chia sẻ của BGĐ Trung tâm, chúng tôi động viên nhau ở lại cũng như thống nhất, bắt đầu từ tháng 9 giảm 30% lương so với trước đây. Một mặt chia sẻ khó khăn cùng Trung tâm, mặt khác chúng tôi cũng tin tưởng, khi hoạt động của Trung tâm ổn định trở lại thu nhập sẽ được tăng lên”, Lê Văn Vỹ - Tổ phó tổ cứu hộ tâm sự.
Phương án & đề xuất
Sau khi có được sự đoàn kết, thống nhất và chia sẻ để cùng nhau vượt qua khó khăn của tất cả CB – CNVC và NLĐ, hiện Trung tâm đã làm dự thảo trình lên các cấp để chuẩn bị tổ chức các giải thể thao, như: bi sắt, futsal, cầu lông, bóng bàn, đá cầu… trên cơ sở thực hiện nghiêm quy định “5K”. Và từ thời điểm này đến sang năm, để tăng nguồn thu, Trung tâm sẽ tận dụng từ các hoạt động cho thuê sân bãi, các khóa dạy bơi cho học sinh… nếu như diễn biến của COVID-19 tạm ổn.
Theo ông Tuấn, đây chỉ là phương án tạm thời để có thể giúp Trung tâm cầm cự trong thời gian trước mắt. “Ngoài nhiệm vụ đào tạo, Trung tâm còn khai thác mở các lớp dạy bơi, dịch vụ bơi với mức thu rất thấp. Ở công tác phổ cập bơi phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh các trường thì chỉ thu đủ chi phí điện nước và chế độ giảng viên, do vậy không có tích lũy để tái đầu tư và dự phòng. Vì vậy, về lâu dài, rất mong lãnh đạo các cấp quan tâm bố trí tăng nguồn kinh phí chi thường xuyên hàng năm cho đơn vị; định kỳ bố trí nguồn sửa chữa, bảo dưỡng công trình do đã qua sử dụng trên 20 năm; xem xét miễn giảm các loại thuế và tạo cơ chế cho đơn vị chủ động hợp tác với các tổ chức, cá nhân bên ngoài phát triển các loại hình TDTT, nhằm tăng nguồn thu”, ông Tuấn đề xuất.
Ở góc độ khác, hiện Trung tâm đang đào tạo một dàn VĐV bơi - lặn. Mừng là nhờ sự quan tâm của tỉnh, của ngành nên cơ sở vật chất, chế độ dinh dưỡng, tập luyện… của các em vẫn được đảm bảo. Điều này chính là động lực, là cơ sở để các VĐV nỗ lực hơn trong tập luyện và hướng đến những thành tích cao khi các giải bơi – lặn được tổ chức trở lại.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kho-khan-se-chia-a106200.html