Thể thao Kỳ nghỉ bất đắc dĩ
TTH - 'Đây là kỳ nghỉ không mong muốn chút nào của tụi em, cũng như nhiều cầu thủ bóng đá Việt Nam khác. Dù có nghỉ thì tụi em vẫn tập luyện, vẫn lao động và chờ một ngày trở lại với sân cỏ' - hậu vệ CLB Bóng đá Huế Nguyễn Văn Trọng đã nói về kỳ nghỉ dài ngày vì COVID-19 của mình như vậy...
Đi biển
Quê của 2 anh em cầu thủ CLB Bóng đá Huế Nguyễn Văn Sang, Nguyễn Văn Trọng ở làng Mỹ Hòa, xã Điền Lộc, huyện Phong Điền. Làng quê này là một làng chài, nghề chính của người dân là khai thác biển. Nhà có 4 anh em trai, nhưng cậu con trai thứ ba Nguyễn Văn Sang và cậu út Nguyễn Văn Trọng xa gia đình lên TP. Huế học bóng đá từ nhỏ nên chưa bao giờ đi biển để đánh cá cùng cha.
Trở về quê trong kỳ nghỉ không mong muốn vì COVID-19, cả 2 anh em bắt đầu phải học nghề đi biển từ ba mình và những bạn bè cùng trang lứa ở quê. Tiền vệ Nguyễn Văn Sang kể: “Làng Mỹ Hòa của tụi em chủ yếu làm nghề khai thác hải sản gần bờ bằng những chiếc ghe nhỏ. Từ nhỏ, cả hai anh em đều biết bơi và bơi khá giỏi nên cũng nhanh chóng làm quen với nghề đi biển. Buổi sáng thì hai anh em cùng mấy người bạn bơi ra một đoạn để đặt lưới. Buổi tối thì đi kéo lưới bắt mực địu (bạch tuộc nhỏ). Ngày ít thì đủ để làm thức ăn cho cả nhà. Ngày nhiều thì mẹ mang đi chợ bán...”.
Còn theo cậu em Nguyễn Văn Trọng, “Đi biển trước hết là có niềm vui, bởi xa con sóng lâu ngày cũng thấy nhớ. Thứ nữa đi biển cũng là cách rèn luyện thể lực. Nghề đi biển gần bờ cũng dễ, có thể đi ban ngày, ban đêm tùy thích, miễn là khi biển yên sóng lặng. Có đi biển mới thấy được nỗi vất vả của ba mẹ để nuôi 4 con trai thành trang thành lứa”...
Phụ hồ, bốc vác
Nhưng đi biển chủ yếu là kiếm thêm con mực, con cá chứ kiếm tiền từ nghề đi biển gần là rất ít ỏi. Trong hơn 2 tháng nghỉ vì dịch, anh em Văn Sang, Văn Trọng còn phải đi làm thêm để kiếm tiền. Công việc mà họ làm thêm là đi phụ thợ hồ và bốc vác thức ăn cho các hồ nuôi tôm trên cát.
Hậu vệ Nguyễn Văn Trọng kể: “Mùa này ở quê có nhiều công trình xây dựng dân dụng nhà cửa, lăng mộ. Mấy nhà thầu rất cần chân phụ thợ. Như tụi em có sức khỏe lại chịu khó nên mấy người thầu rất thích. Những ngày này, hai anh em đang đi phụ thợ hồ. Tiền công mỗi ngày là 200 nghìn đồng. Làm việc thì vất vả nhưng có thu nhập là được...”.
Cách đây 1 tháng, hai cầu thủ còn có một công việc nữa là đi bốc vác thức ăn cho các khu nuôi tôm ở xã Điền Hương. Theo lời kể của Văn Sang, khu nuôi tôm cách nhà hơn 10km nên ăn sáng xong là 2 anh em đèo nhau bằng xe máy đi bốc đến trưa về nhà ăn cơm rồi lại tiếp tục làm việc đến xế chiều. Thu nhập mỗi ngày của công việc này cũng là 200 nghìn đồng. “Có việc làm trong những ngày dịch giã là vui rồi. Tụi em chỉ sợ nhàn cư vi bất thiện thôi”, Sang nói.
Nghỉ dịch, lương của các cầu thủ CLB Bóng đá Huế như anh em Văn Sang, Văn Trọng là 4 triệu đồng mỗi người/tháng. Không còn cách nào khác, họ phải tìm việc làm để thêm thu nhập phụ gia đình
Duy trì tập luyện
Tiền vệ Văn Sang năm nay 24 tuổi, Văn Trọng nhỏ hơn anh mình 2 tuổi. Cả hai anh em đều là những cầu thủ trẻ nhưng đã khẳng định được vị trí của mình trong màu áo của CLB Bóng đá Huế. Văn Sang từng là cầu thủ xuất sắc của CLB Bóng đá Huế mùa bóng năm 2020, còn cậu em Văn Trọng từng được gọi vào đội dự tuyển U22 quốc gia.
Ý thức được nghề nghiệp của mình, dù có bận rộn với những công việc làm thêm nhưng 2 anh em vẫn duy trì tập luyện đều đặn mỗi ngày. Ngoài những bài tập thể lực ở nhà, thỉnh thoảng 2 anh em rủ thêm mấy người bạn ra bãi biển để chơi bóng.
Hậu vệ Nguyễn Văn Trọng tâm sự: “Xa sân cỏ mới hơn 2 tháng mà thấy thời gian dài quá. Nhớ sân cỏ, nhớ những trận đấu. Tụi em mong chờ được trở lại Huế từng ngày!”
Những ngày nghỉ không mong muốn đối với những cầu thủ như Văn Sang, Văn Trọng nhưng bù lại là họ lại có thời gian ở gần với ba mẹ, với gia đình và quê nhà. Có lẽ, đây sẽ là những kỷ niệm đáng nhớ của những cầu thủ trẻ này, cũng là động lực để họ tiếp tục có những bước tiến trong cuộc đời cầu thủ của mình.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/ky-nghi-bat-dac-di-a105099.html