Thể thao là lĩnh vực cốt yếu thúc đẩy bình đẳng giới
Bình đẳng giới trong thể thao chuyên nghiệp là yếu tố cốt yếu trong công cuộc thúc đẩy bình đẳng giới toàn diện. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần phải giải quyết bài toán 'làm thế nào nữ vận động viên sống được với nghề'.
Lớn lên với niềm đam mê với trái bóng tròn, chị Huỳnh Như đã từng trở thành cầu thủ nữ duy nhất, là đội trưởng của đội bóng của xóm cũng như “vua phá lưới” của mùa giải đó. Số tiền thưởng vỏn vẹn 20 ngàn đồng nhưng là cả một gia tài với nữ cầu thủ nhí.
Đến năm học lớp 12, chị Như rời Trà Vinh, lên TP.HCM để theo đuổi con đường bóng đá chuyên nghiệp. Nhiều lúc khó khăn, vất vả tưởng chừng như muốn bỏ cuộc, chị lại được tiếp thêm động lực khi nhớ lại hình ảnh chiếc xe đạp mà bố chị đã đạp từ bến xe Miền Tây lên TP.HCM để đưa cho chị dùng làm phương tiện đi lại.
Vinh quang đã đến với chị Như khi trở thành đội trưởng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam và cùng những người đồng đội của mình giành lấy tấm vé tham dự Cúp Thế giới (World Cup 2023). Một chiến thắng ngọt ngào, mở ra hành trình mới cho những cô gái vàng của bóng đá Việt.
Thành công là vậy nhưng chị Như không khỏi chạnh lòng khi nhớ đến những người đồng đội ở Câu lạc bộ bóng đá nữ TP.HCM. Cũng theo đuổi bóng đá nữ chuyên nghiệp, cũng “làm nghề cầu thủ” nhưng họ phải đi dạy thêm, bán hàng online để trang trải chi phí sinh hoạt.
Chị Như cho biết, có một nghề tay trái để trang trải thu nhập là điều “hiển nhiên” đối với các cầu thủ nữ. Chuyện còn éo le hơn khi giải nghệ, nhiều vận động viên chuyên nghiệp phải bán bánh mì, bán nước mía vì không có việc làm.
Từng có 30 năm kinh nghiệm viết bào thể thao, nhà báo Cao Huy Thọ, Phó giám đốc trung tâm truyền thông báo Tuổi trẻ cho biết, xét về mặt thành tích, những tấm huy chương, những danh hiệu đầu tiên của thể thao Việt Nam như huy chương vàng Olympic, huy chương vàng Seagame đều thuộc về những vận động viên nữ.
Rõ ràng, không chỉ bóng đá mà trong nhiều môn thể thao khác, thành tích của đội tuyển nữ đều vượt trội và rất đáng để tự hào. Tuy nhiên, vấn đề về thu nhập của nữ vận động viên cũng vẫn luôn tồn tại như một điều tưởng chừng rất đỗi bình thường trong cuộc sống.
Kiến tạo các giá trị về bình đẳng giới tại nơi làm việc
Bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó tổng cục trưởng Tổng Cục thể thao, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cho biết, về cơ bản, chính sách về lương thưởng, đãi ngộ đối với vận động viên nam và vận động viên nữ là như nhau. Mức chênh lệch về thu nhập đến từ việc thể thao nam được nhiều khán giả yêu thích hơn, được truyền thông quan tâm hơn nên số tiền tài trợ hay đầu tư xã hội hóa dành cho thể thao nam cao hơn nhiều so với nữ.
Đội tuyển bóng đá nữ giành được vé vào World Cup đã tạo được tiếng vang lớn, nhờ vậy đã thu hút được số tiền tài trợ tương đối cao, khoảng 70 tỷ đồng. Cùng với việc được vinh danh, được biết đến nhiều hơn, đây là những trái ngọt mà đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam xứng đáng nhận được sau biết bao nhiêu bền bỉ, nỗ lực trong thầm lặng.
Tuy nhiên, một điều mà bà Yến, ông Thọ hay nhiều người yêu mến thể thao nữ khác vẫn trăn trở rằng liệu sự chú ý, sự tài trợ này có bền vững hay chỉ mang tính phong trào? Liệu một thời gian nữa, có ai đến sân xem những đội nữ thi đấu, có doanh nghiệp nào tiếp tục tài trợ?
Bình đẳng giới trong thể thao
Là một người đam mê thể thao, nhà văn Trang Hạ nhận xét, bình đẳng giới trong thể thao đang được cải thiện tích cực, không phải chỉ đối với thi đấu chuyên nghiệp mà còn cả những hoạt động thể thao mang tính dân sinh, phong trào.
Lấy đơn cử như việc chạy bộ. Bà Trang cho biết, năm 2016 bà bắt đầu tập chạy. Lúc ấy, việc nữ giới tham gia thể thao dường như vẫn còn “xa lạ” nên bà bắt gặp rất nhiều ánh nhìn soi mói, lời lẽ trêu chọc hay thậm chí là cả những hành vi mang tính quấy rối.
Những chuyện này xảy ra thường xuyên đến độ bà Trang phải lập ra một tấm “bản đồ an toàn” cho chị em phụ nữ để đánh dấu những nơi có thể tập thể dục, thể thao mà không bị soi xét, quấy rối.
Điều may mắn là sau vài năm, tấm bản đồ ấy trở thành “vô dụng” khi hình ảnh phụ nữ đủ mọi lứa tuổi tập luyện thể dục, thể thao trên đường phố dần trở nên quen thuộc. Nữ nhà văn nhận xét, đây là xu thế chung khi xã hội trở nên văn minh hơn.
Đồng quan điểm với bà Trang, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam đưa ra nhận xét, bình đẳng giới trong thể thao là một trong những yếu tố cốt yếu để tạo ra bình đẳng giới toàn diện.
Tuy nhiên, để thực sự có được sự bình đẳng ấy, vai trò của những người phụ nữ thành công trong thể thao rất quan trọng, để trở thành những hình mẫu, những câu chuyện truyền cảm hứng. Câu chuyện lại quay trở về vấn đề “làm thế nào để nữ vận động viên sống được với nghề”.
Bà Saenz so sánh, vấn đề này như câu chuyện “con gà và quả trứng”. Theo đó, thể thao nữ phải có sự thú vị, hấp dẫn thì khán giả, truyền thông mới dành sự quan tâm nhưng bản thân giới truyền thông, báo chí cũng như khán giả phải dành sự quan tâm nhất định thì mới có thể khai thác được những khía cạnh hấp dẫn từ thể thao nữ.
Như vậy, để giải quyết được nút thắt này, điều đầu tiên phải đến từ sự chủ động từ phía truyền thông, dành đủ thời lượng cho thể thao nữ, đưa những nữ vận động viên đến gần hơn tới người hâm mộ.
Chấp nhận làm người phụ nữ 'không hoàn hảo' để thành công
Cùng với đó, cần tăng cường vai trò và sự hiện diện của nữ giới trong việc điều hành, lãnh đạo hoạt động thể thao. Đây là yếu tố quan trọng để tạo ra tiếng nói đủ mạnh, tạo ra cơ chế, chính sách thích hợp hơn cho nữ tham gia thể thao chuyên nghiệp.
Từ góc độ quản lý nhà nước, bà Yến cho biết, hiện nay bên ngoài chính sách lương thưởng, đãi ngộ bình đẳng, đang có nhiều chính sách khuyến khích truyền thông, khuyến khích đầu tư xã hội hóa để nữ vận động viên có thu nhập tương xứng với sự cống hiến.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp hay các tổ chức xã hội cũng đang vào cuộc với nhiều chương trình tài trợ hay liên kết tạo việc làm cho nữ vận động viên giải nghệ. Tuy nhiên, bà Yến kỳ vọng những chương trình này được thiết kế bài bản, ổn định hơn thay vì chỉ đi theo phong trào.
Chia sẻ quan điểm với bà Yến, ông Thọ cho biết rất ghi nhận và trân trọng sự hỗ trợ từ phía nhiều doanh nghiệp đang tài trợ cho đội tuyển nữ, dù những hiệu ứng về truyền thông, thương hiệu có lẽ chưa bằng được so với thể thao nam.
Còn đối với khán giả, người hâm mộ thể thao, cách tốt nhất để ủng hộ những cô gái đang cống hiến hết mình cho nền thể thao nước nhà, theo ông Thọ là “hãy đến sân xem họ thi đấu”.