Thể thao thành tích cao: Tạo nguồn từ các giải phong trào

Được đánh giá là tỉnh có phong trào thể thao phát triển mạnh, thời gian qua, chính quyền, ngành chức năng của tỉnh luôn quan tâm, có cơ chế, chính sách hấp dẫn, tổ chức nhiều giải đấu nhằm tạo nguồn, tuyển chọn vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao.

Phát hiện nhiều gương mặt xuất sắc

Hiện nay, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao (TDTT) tỉnh đào tạo, tập huấn khoảng 250 VĐV của 15 bộ môn, trong đó có nhiều môn thể thao thế mạnh như: Cờ vua, điền kinh, cầu lông, vật, võ thuật, đá cầu... Nguồn VĐV này được tuyển chọn chủ yếu từ các giải phong trào. Ngoài ra, những lớp năng khiếu của các huyện, thị xã, TP cũng cung cấp nhiều VĐV cho đội tuyển của tỉnh. Theo ông Nguyễn Văn Oánh, Trưởng Phòng Quản lý TDTT, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), trung bình mỗi năm, Sở VHTTDL tổ chức từ 18-20 giải thể thao cấp tỉnh; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị tổ chức từ 25-30 giải.

 Võ sĩ môn wushu Nguyễn Thị Thu Thủy (bên phải) từng giành nhiều HCV ở các giải trong nước, quốc tế. Cô được tuyển chọn vào đội tuyển võ thuật của tỉnh thông qua lớp năng khiếu và các giải phong trào.

Võ sĩ môn wushu Nguyễn Thị Thu Thủy (bên phải) từng giành nhiều HCV ở các giải trong nước, quốc tế. Cô được tuyển chọn vào đội tuyển võ thuật của tỉnh thông qua lớp năng khiếu và các giải phong trào.

Trong số 10 huyện, thị xã, TP, Tân Yên được đánh giá là đơn vị nổi trội, đóng góp nhiều VĐV thể thao thành tích cao cho đội tuyển của tỉnh thông qua các giải phong trào. Các môn thể thao thế mạnh luôn được huyện quan tâm đầu tư thi đấu ở các giải cấp tỉnh là võ thuật, điền kinh, đá cầu, vật... Ông Nguyễn Văn Thiềm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Tân Yên cho biết, hằng năm, đơn vị thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức từ 13-15 giải thể thao cấp huyện. Dịp hè, Trung tâm duy trì hoạt động của gần 20 lớp năng khiếu thể thao; phối hợp lựa chọn đội ngũ huấn luyện viên (HLV) giỏi, có kinh nghiệm bồi dưỡng chuyên môn cho các VĐV. VĐV giành thành tích cao được biểu dương, khen thưởng kịp thời.

Hiện nay, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao (TDTT) tỉnh đào tạo, tập huấn khoảng 250 VĐV của 15 bộ môn, trong đó có nhiều môn thể thao thế mạnh. Nguồn VĐV này được tuyển chọn chủ yếu từ các giải phong trào.

Ngoài huyện Tân Yên, nhiều địa phương khác cũng quan tâm đầu tư cho các môn thể thao thế mạnh như: Lạng Giang (cầu lông, điền kinh), Hiệp Hòa (vật, võ thuật), Yên Dũng (bơi, bóng bàn), Sơn Động (đẩy gậy, kéo co), TP Bắc Giang (cầu lông, cờ vua, đá cầu, bóng đá)... Những năm qua, các địa phương đã cung cấp hàng trăm VĐV cho các lớp năng khiếu, đội tuyển trẻ tuyến tỉnh. Trong số đó, không ít VĐV giành nhiều huy chương danh giá ở các đấu trường trong nước, quốc tế. Có thể kể đến một số VĐV tiêu biểu như: Nguyễn Thị Oanh, Phạm Tiến Sản (điền kinh); Nguyễn Thị Thu Thủy (wushu); Trần Thị Phương Thúy, Phạm Văn Hải, Thân Vân Anh (cầu lông), Đoàn Thị Vân Anh, Lương Hoàng Tú Linh (cờ vua), Phùng Mạnh Tú (đá cầu), Phùng Bảo Quyên (cờ tướng), Nguyễn Ngọc Trường Sơn (vật)...

Trong số các giải phong trào cấp tỉnh, Giải Việt dã Báo Bắc Giang là giải thể thao có quy mô lớn, tính chuyên nghiệp cao. Những tên tuổi nổi tiếng trong làng điền kinh như Nguyễn Thị Oanh, Phạm Tiến Sản là những VĐV được phát hiện, tuyển chọn từ giải này khi còn là học sinh.

Theo lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, ngoài một số môn thế mạnh truyền thống vẫn được duy trì, vài năm gần đây, Trung tâm tham mưu thành lập một số bộ môn mới (Jujitsu, cử tạ…) để mở rộng đối tượng tuyển chọn cũng như tham gia thi đấu ở các giải trong nước, quốc tế.

Có cơ chế, chính sách hợp lý

Để giúp các VĐV yên tâm gắn bó, theo đuổi sự nghiệp, bảo đảm mức sinh hoạt, ngoài tiền thưởng, khen thưởng theo quy định, tỉnh Bắc Giang có những cơ chế, chính sách hỗ trợ các VĐV. Theo Nghị quyết số 19 ngày 12/7/2022 của HĐND tỉnh Quy định chế độ, chính sách và hỗ trợ đối với HLV, VĐV, học sinh năng khiếu thể thao tỉnh Bắc Giang, mức chi trong thời gian tập trung tập luyện đối với VĐV của đội tuyển tỉnh là 240 nghìn đồng/người/ngày, trong thời gian tập trung thi đấu là 320 nghìn đồng/người/ngày; đội tuyển trẻ tỉnh trong thời gian tập luyện là 200 nghìn đồng/người/ngày, trong thời gian thi đấu là 240 nghìn đồng/người/ngày. Đặc biệt, chế độ VĐV được triệu tập vào đội tuyển quốc gia được hỗ trợ 5 triệu đồng/người/tháng, đội tuyển trẻ được hỗ trợ 3 triệu đồng/người/tháng, rất ít tỉnh, TP có chính sách này.

Bên cạnh những thuận lợi, hiện nay, việc tạo nguồn VĐV thể thao thành tích cao của tỉnh còn những khó khăn. Nhiều VĐV gắn bó lâu năm với Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh chuyển hướng làm công việc khác hoặc thi đấu cho các tỉnh, TP khác với mong muốn có mức thu nhập tốt hơn. Đối với VĐV đang là học sinh cũng chịu nhiều áp lực về học, thi các môn văn hóa; thời gian dành cho huấn luyện không được nhiều.

Theo Đề án Phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023 - 2030, tỉnh tiếp tục chỉ đạo tập trung đầu tư các môn thể thao thế mạnh. Từ năm 2024-2026, phấn đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X (năm 2026) Bắc Giang xếp hạng từ 15-17 về tổng sắp huy chương, xếp thứ Nhất các tỉnh miền núi; tại SEA Games lần thứ 33 giành từ 5-7 huy chương các loại.

Ông Nguyễn Trọng Bắc, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Năm 2025, đơn vị tham mưu văn bản cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số chính sách đặc thù đãi ngộ đối với HLV, VĐV giành huy chương ở đấu trường Olympic, ASIAD, SEA Games. Đồng thời có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tuyển dụng vào biên chế đối với HLV, VĐV đạt thành tích cao, có nhiều đóng góp cho thể thao tỉnh nhà. Đề xuất các cấp, đơn vị có thẩm quyền xem xét tuyển dụng các VĐV thể thao thành tích cao tiêu biểu, cống hiến nhiều năm cho thể thao tỉnh nhà, đáp ứng một số tiêu chí về bằng cấp, chứng chỉ...

Cùng đó, Sở VHTTDL tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức các giải thể thao quy mô cấp tỉnh nhằm phát hiện, tuyển chọn VĐV có chất lượng để tạo nguồn. Về phía các địa phương, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, huy động các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa, quan tâm đầu tư, xây dựng các thiết chế thể thao ở cơ sở; có chế độ đãi ngộ hợp lý đối với lực lượng HLV, VĐV đạt thành tích cao ở các giải phong trào.

Bài, ảnh: Công Tuấn

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/the-thao-thanh-tich-cao-tao-nguon-tu-cac-giai-phong-trao-103242.bbg