Thể thao TP HCM cần tăng tốc làm kinh tế
Không chỉ nắm giữ vị thế hàng đầu với nhiều thành tựu rực rỡ, thể thao TP HCM còn tăng tốc làm kinh tế để hướng tới một nền thể thao chuyên nghiệp và bền vững
Bước đầu xây dựng và phát triển nhiều loại hình hoạt động từ thập niên 50 của thế kỷ trước, đến nay, thể thao Sài Gòn - TP HCM tự hào là cái nôi của cả nước với nhiều vận động viên (VĐV) tên tuổi cùng vô số thành tựu rực rỡ.
Quá khứ vẻ vang
Không chỉ tự hào về những trang sử vàng trong quá khứ, thể thao TP HCM còn đặt ra nhiều mục tiêu đầy tham vọng để hướng tới tương lai, cùng thể thao cả nước vươn tầm thành một biểu tượng của sự phát triển và hội nhập quốc tế.
Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, TP HCM với truyền thống thượng võ, yêu thích các hoạt động rèn luyện thể chất đã nhanh chóng trở thành trung tâm thể thao hàng đầu cả nước. Thành phố hội tụ những tài năng xuất sắc, đồng thời là "mảnh đất lành", nơi đi đầu trong việc tổ chức các sự kiện thể thao tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Những tấm HCV taekwondo của Trần Quang Hạ (ASIAD Hiroshima 1994), Hồ Nhất Thống (ASIAD Bangkok 1998) hay ngôi á quân Olympic Sydney 2000 của nữ võ sĩ Trần Hiếu Ngân... được xem là những mốc son của thể thao TP HCM và cả nước trên đấu trường quốc tế. Vai trò tiên phong của thể thao TP HCM nửa thế kỷ qua còn thể hiện ở bề rộng - chân đế của sự phát triển.
Số liệu thống kê ghi nhận TP HCM là nơi phát triển đầu tiên các mô hình xã hội hóa thể thao, với việc hình thành các liên đoàn thể thao địa phương đầu tiên trong cả nước. Các sự kiện thể thao như Giải Bóng bàn quốc tế Cây vợt vàng, Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam, Cúp xe đạp Truyền hình TP HCM… ra đời, mang tầm vóc của những hoạt động quốc gia và được duy trì bền bỉ hàng thập niên qua.
Truyền thống "cung cấp phân nửa quân số các đội tuyển" và "góp sức mang về 1/3 thành tích" tại nhiều giải, sự kiện quốc tế trong thời gian dài là niềm tự hào của thể thao TP HCM. Ở thời kỳ thể thao Việt Nam bước đầu hội nhập quốc tế vào các thập niên 1980 - 1990, hướng phát triển chủ đạo của thể thao TP HCM tập trung vào nhóm môn cơ bản, có khả năng tranh đua huy chương như điền kinh, bơi lội, võ thuật, bóng bàn…
Tuy nhiên, thể thao TP HCM nhiều năm nay đã và đang phải đối mặt không ít thách thức. Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các địa phương khác, cùng với sự chuyên nghiệp hóa thể thao, đòi hỏi thành phố phải đổi mới mạnh mẽ để duy trì vị thế dẫn đầu. Các chuyên gia chỉ ra trong khoảng 10 năm trở lại đây, thể thao TP HCM sa sút thấy rõ ở mảng thành tích cao với nhiều môn thế mạnh mất luôn vai trò tiên phong.

TP HCM tổ chức thành công Giải Vô địch Teqball thế giới 2024, mang lại nhiều giá trị kinh tế. (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)
Thời cơ và thách thức
Sự đóng góp của thể thao TP HCM với nước nhà giảm về tỉ trọng VĐV khi nhân lực có sự phân hóa rõ rệt, chế độ đào tạo và chính sách chăm lo, bồi dưỡng nhân tài không đủ để làm bật dậy cơ hội phát triển. Cơ sở hạ tầng thể thao chưa đáp ứng được nhu cầu của một siêu đô thị; trang thiết bị dành cho thể thao chuyên nghiệp còn hạn chế bên cạnh việc đầu tư vào khoa học thể thao, công nghệ huấn luyện hay y học thể thao cũng chưa được chú trọng đúng mức.
Để duy trì vị thế và phát triển bền vững, TP HCM đang triển khai nhiều chiến lược mới cho thể thao, từ kêu gọi đầu tư vào cơ sở hạ tầng thể thao, xây dựng các trung tâm huấn luyện đạt chuẩn quốc tế cho đến đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác đào tạo và huấn luyện...
Tại hội thảo "Thể thao TP HCM kiến tạo kinh tế thể thao - đón đầu công nghệ - vươn tầm quốc tế" được tổ chức mới đây, các chuyên gia kinh tế cũng như đội ngũ nhà quản lý thể thao đã khẳng định ngành công nghiệp thể thao có sức hút không thua kém ngành công nghiệp văn hóa. Vấn đề là cần phải đầu tư cả về tài chính lẫn chất xám, trao cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư vào thể thao, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
TP HCM hiện là điểm đến đáng chú ý của rất nhiều giải thể thao quốc tế như marathon, golf, futsal, bóng đá, teqball, pickleball… Các sự kiện hàng đầu này không chỉ thu hút VĐV, khán giả từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ mà còn tạo ra những cơ hội lớn cho ngành dịch vụ - hàng hóa thể thao, giúp thu hút các hợp đồng tài trợ, sản phẩm, dịch vụ thể thao, góp phần hình thành tư duy về "kinh tế thể thao" trong cộng đồng và các doanh nghiệp.
Năm 2024, TP HCM tổ chức thành công Giải Vô địch Teqball (bóng bàn bằng chân) thế giới 2024, một sự kiện mang lại nhiều thống kê ấn tượng về kinh tế thể thao: Tiếp cận 470 triệu lượt khách hàng tiềm năng trên toàn cầu - tăng 400% so với giải trước đó; được phát sóng tại 74 quốc gia, một kỷ lục của teqball, mang lại tổng giá trị truyền thông 2,1 triệu USD - tăng hơn 200% so với kỳ tổ chức trước tại Bangkok (Thái Lan).
Teqball là một trong những mô hình thể thao sáng tạo và thể thao giải trí có tiềm năng phát triển lớn tại TP HCM, bên cạnh các môn thể thao mạo hiểm như roller, leo núi, dù lượn, thể thao biển… đang thịnh hành trong giới trẻ. TP HCM có thể tận dụng cơ hội này để tạo ra một thị trường thể thao mới đầy tiềm năng và đa dạng.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/the-thao-tp-hcm-can-tang-toc-lam-kinh-te-196250504220403859.htm