Thể thao Việt Nam: Nhiều bài học khi ra biển lớn
Bên cạnh một số điểm sáng như bắn súng, karate, cầu mây... thì đa số các đội tuyển của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) đều không đạt kỳ vọng tại ASIAD 19. TTVN sẽ còn rất nhiều việc phải làm, nhiều bài học rút ra để có thể đạt được những thành tích tốt hơn trong những lần tham dự sân chơi tại ASIAD hay Olympic.
Hoàn thành chỉ tiêu
Đoàn TTVN khép lại ASIAD 19 với 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ. HCV thuộc về 3 môn bắn súng, cầu mây và karate, trong đó Phạm Quang Huy là người dành azHCV đầu tiên cho Đoàn TTVN. Các môn bắn súng, thể dục dụng cụ, cờ tướng, karate và cầu mây mang về HCB. HCĐ ở các môn bắn súng, rowing, taekwondo, wushu, bơi, kurash, boxing, cầu mây, cờ tướng, karate và ju-jitsu. Ở ASIAD lần này, đoàn thể thao đặt kỳ vọng HCV ở các môn cầu mây, karate, bắn súng, boxing, cờ tướng. Dù vậy, chỉ có karate và bắn súng đáp ứng được kỳ vọng.
Tại kỳ ASIAD cách đây 5 năm, Đoàn TTVN đứng thứ 16 với 4 HCV, 16 HCB và 18 HCĐ. Ở ASIAD 19, thể thao Việt Nam xếp sau các nước trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore. “Hành trang” của Đoàn TTVN tham dự ASIAD 19 là ngôi đầu SEA Games 32 với 136 HCV.
Tuy nhiên, Á vận hội là một đấu trường có tính cạnh tranh khốc liệt hơn nhiều, và khó khăn là điều được dự báo từ trước ngày lên đường. Đây cũng không phải lần đầu tiên TTVN đứng đầu Đông Nam Á, nhưng đến ASIAD lại rơi ngay xuống vị trí thứ 4 hoặc 5 của khu vực. Tại ASIAD 19, Đoàn TTVN phải chờ tới ngày thi đấu chính thức thứ 5 để giành được tấm HCV đầu tiên nhờ công xạ thủ Phạm Quang Huy (nội dung 10m súng ngắn hơi nam), rồi mất 11 ngày tranh tài để hoàn tất chỉ tiêu 2 HCV, với ngôi vô địch nội dung đội tuyển 4 người nữ môn cầu mây. Chiếc HCV thứ 3 đến từ nội dung Kata đồng đội nữ của ba nữ võ sĩ Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Ngọc Trâm và Lưu Thị Thu Uyên. Chiếc HCV môn bắng súng do xạ thủ Phạm Quang Huy giành được ở nội dung 10m súng ngắn hơi là một thành công ngoài mong đợi. Bởi vốn dĩ, tấm HCV này không nằm trong kế hoạch của đội tuyển bắn súng và Đoàn TTVN. Trong lúc những nội dung được kỳ vọng hầu hết đều không đạt được mục tiêu như mong muốn.
Dù đã hoàn thành chỉ tiêu từ 2 đến 5 HCV, nhưng đây là kỳ ASIAD mà TTVN bộc lộ nhiều hạn chế so với các quốc gia trong châu lục, thậm chí là khu vực, dù chúng ta có hai kỳ SEA Games liên tiếp đứng đầu. “Đoàn TTVN giành được 3 HCV tại ASIAD 2023, trên 50% chỉ tiêu tối đa và đạt chỉ tiêu tối thiểu. Chúng ta so với 2 kỳ SEA Games gần nhất đang là thế lực của Đông Nam Á, nhưng ở ASIAD còn hạn chế so với các nước trong khu vực. Điều này cũng được dự đoán từ trước nên chúng ta chỉ đặt mục tiêu 2-5 HCV, bởi nhiều nội dung yêu cầu cao, cũng như có nhiều vấn đề trong thi đấu", ông Đặng Hà Việt cho biết.
Khoảng cách lớn
Theo đánh giá của giới chuyên môn, với đặc thù về thể hình, thể lực cũng như trình độ chuyên môn và khả năng đầu tư, TTVN khó có “cửa” cạnh tranh HCV ở các môn tập thể nhưng bóng đá và bóng chuyền… Điều này thấy rõ qua việc tuyển Olympic bóng đá nam và tuyển bóng đá nữ đều sớm dừng bước từ vòng bảng. Bóng chuyền nữ dù vào bán kết nhưng ba đối thủ còn lại là Trung Quốc, Nhật Bản hay Thái Lan đều có trình độ vượt trội trong khi bóng chuyền nam thậm chí còn không tham dự. Xét ở các môn Olympic như điền kinh, bơi, bắn súng… TTVN còn không có vị trí số 1 tại Đông Nam Á, nên cơ hội có HCV cũng gần như bằng 0. Nguyễn Thị Oanh “vô đối” tại SEA Games nhưng ngoài tốp huy chương ASIAD ở cả 1500m và 3000m vượt chướng ngại vật. Ở môn bơi, mũi nhọn Nguyễn Huy Hoàng dù không thể bảo vệ được tấm HCB 1500m nhưng 2 tấm HCĐ ở 800m, 400m và tấm vé chính thức tới Olympic Paris (nội dung 800m) của kình ngư sinh năm 2000 là rất đáng khích lệ. Còn tại nội dung 10m súng ngắn hơi nữ, Trịnh Thu Vinh chỉ đứng thứ 6 chung kết, mặc dù trước đó, cô đoạt vé tham dự Olympic Paris 2024 và khoảng cách với các đối thủ châu lục là rất lớn. Hai đội tuyển được kỳ vọng có "vàng" là cờ tướng và boxing đều thất bại chỉ tiêu.
Tương tự, cử tạ trắng tay sau nhiều kỳ ASIAD đều đặn góp huy chương, trong khi bắn cung chưa thể có huy chương đầu tiên tại ASIAD, dù được đầu tư cho sân chơi này lẫn Olympic.
“Tại ASIAD 19, một vài niềm hy vọng của Đoàn TTVN đã hụt HCV rất đáng tiếc, trong đó đáng chú ý là VĐV xe đạp Nguyễn Thị Thật về thứ 4, kém người giành HCV chưa đầy 1 giây. Tiếc nuối thứ 2 của tôi là ở môn boxing, khi nhiều tuyển thủ vì lý do khác nhau đã chưa thể hiện hết khả năng, như Nguyễn Thị Tâm do chấn thương đã không thi đấu như mong đợi. Tiếp theo là môn cờ tướng ở nội dung đồng đội hỗn hợp, ở trận chung kết chúng ta đã chơi không đúng phong độ nên chỉ giành được HCB…”, Trưởng đoàn Đặng Hà Việt đánh giá.
Điền kinh Việt Nam được kỳ vọng có huy chương, thậm chí HCV nhưng các VĐV đều không thể giành huy chương. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên sau 13 năm, Việt Nam trắng tay môn điền kinh ASIAD. Lực bất tòng tâm có lẽ là cảm giác của các tuyển thủ điền kinh ở ASIAD 19 và nó lý giải cho việc điền kinh Việt Nam trắng tay, dù đã từng sở hữu 2 tấm HCV ở kỳ đại hội gần nhất. “Nguyên nhân sâu xa vẫn là điền kinh Việt Nam không có lứa kế cận. Lâu nay, hầu như không xuất hiện gương mặt trẻ nào thực sự sáng giá, có tiềm năng cạnh tranh ở châu lục”, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam lý giải nguyên nhân khiến các tuyển thủ trắng tay tại kỳ Á vận hội này.
Trong bối cảnh, sự tiến bộ của đối thủ đã ở mức "không tưởng" về thời gian lẫn chất lượng thành tích, còn điền kinh Việt Nam cứ mai một dần các niềm hy vọng vì thiếu nguồn kế cận, chắc chắn, sẽ còn rất lâu, hy vọng có được tấm HCV ở một kỳ ASIAD mới lại thành hiện thực. “Sau ASIAD, những người làm chuyên môn sẽ đánh giá, phân tích và sàng lọc lại lực lượng đội tuyển theo hướng chọn lựa ra trọng tâm để đầu tư và ưu tiên cho VĐV trẻ, thay thế VĐV lớn tuổi. Nếu có kinh phí và làm quyết liệt, trong vòng 5-6 năm tới mới có hy vọng tranh chấp HCV châu Á hoặc có VĐV đạt chuẩn Olympic”, ông Hùng chia sẻ. Đa số các nội dung, VĐV thua kết quả tốt nhất của chính mình. Các VĐV mũi nhọn dần tụt phong độ sau thời gian dài cày ải, trong khi tài năng trẻ triển vọng xuất hiện quá ít, đặt ra bài toán cho điền kinh Việt Nam giai đoạn hậu ASIAD 19.
Đây cũng không phải lần đầu tiên TTVN đứng đầu Đông Nam Á, nhưng đến ASIAD lại rơi ngay xuống vị trí thứ 4 hoặc 5 của khu vực… Việc đoàn Việt Nam xếp hạng 6 Đông Nam Á tại ASIAD lần này không phải điều gì quá bất ngờ. Song nó cũng đặt ra nhiều vấn đề về định hướng, chiến lược phát triển của thể thao nước nhà khi liên tiếp xếp nhất hai kỳ SEA Games (2021, 2023) nhưng lại lép vế trước các nước láng giềng tại đấu trường ASIAD. Sự quan tâm về trọng tâm giải đấu một lần nữa là bài toán đặt ra với TTVN.
“Thể thao phải là sự đầu tư liên tục, có chiến lược rõ ràng mới mong gặt hái thành tích. Với cách làm như chúng ta hiện nay là chưa phù hợp. Tôi muốn phân tích, nói những điều tâm huyết với mong muốn các nhà quản lý thể thao Việt Nam tìm hiểu, lắng nghe để có hướng đầu tư đúng đắn. Không nên coi ngôi nhất, nhì SEA Games là niềm vinh quang bất tận mà bỏ quên đấu trường lớn hơn là ASIAD, Olympic. Hãy đặt dấu hỏi vì sao Singapore, Philippines, Indonesia, Malaysia xếp sau chúng ta ở SEA Games nhưng thường đạt thành tích tốt hơn ở ASIAD, Olympic?
Bên cạnh đó, người làm thể thao Việt Nam cũng thấy rõ những khó khăn tồn tại như kinh phí, chưa có sự đầu tư đúng mực cho thể thao học đường, xã hội hóa thể thao… để có nền móng vững chắc… Đây là những vấn đề vĩ mô đòi hỏi sự chung tay của nhiều đơn vị để TTVN đi lên bền vững”, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh nhận định.
TTVN sau ASIAD 19 cần tập trung cao độ hơn nữa cho các môn Olympic và ASIAD, cần có sự đầu tư thực sự đặc biệt cho các VĐV xuất sắc tại những môn "mũi nhọn" có thể tranh chấp ở tầm cỡ châu lục và thế giới. Phải đi theo con đường đó, TTVN mới không phải thấp thỏm và "khó phán đoán" về những gương mặt có thể cạnh tranh HCV một cách sòng phẳng, tự tin ở cấp độ cao nhất.