Thể thao Việt Nam: Vươn mình từ đầu tư trọng điểm
20 năm tới, thể thao thành tích cao Việt Nam phấn đấu đạt nhiều đích đến quan trọng.
![Đội tuyển bơi tiếp sức 4x200m tự do nam Việt Nam giành tấm Huy chương Vàng SEA Games 32. Ảnh: INT](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_181_51424962/2e6d6f795637bf69e626.jpg)
Đội tuyển bơi tiếp sức 4x200m tự do nam Việt Nam giành tấm Huy chương Vàng SEA Games 32. Ảnh: INT
Trong đó, khát vọng vươn tầm ASIAD, Olympic được cụ thể hóa với quyết định đầu tư cho 17 môn thể thao trọng điểm từ năm 2025.
Tháo gỡ rào cản cơ chế
Ngày 15/10/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1189 phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược).
Chiến lược đưa ra 9 nhiệm vụ, giải pháp ở các mảng: Thể dục, thể thao cho mọi người; Thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp; Hợp tác quốc tế; Thông tin, truyền thông; Thể chế, pháp luật; Khoa học công nghệ, y học thể thao; Nguồn lực phát triển; Kinh tế thể thao và Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Đặc biệt, Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu cụ thể cho thể thao Việt Nam ở đấu trường quốc tế. Từ nay đến năm 2030, thể thao thành tích cao duy trì trong top 3 các kỳ SEA Games và trong top 20 tại các kỳ ASIAD; trong đó phấn đấu đạt từ 5 - 7 Huy chương Vàng tại các kỳ ASIAD, có huy chương tại các kỳ Olympic và Paralympic, bóng đá nam trong top 10 châu Á và bóng đá nữ trong top 8 châu Á.
Phần lớn hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đào tạo vận động viên và tổ chức thi đấu thể thao ở cấp quốc gia được nâng cấp, từng bước hiện đại hóa... Tạo bước chuyển biến cơ bản trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, y học thể thao; hầu hết hoạt động quản lý, điều hành thể dục, thể thao được chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại.
Hoạt động kinh tế thể thao có bước phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô các cơ sở sản xuất, kinh doanh thể dục, thể thao và phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ thể dục, thể thao.
Ngoài ra, Chiến lược đặt ra mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội thể thao quốc gia, đạt trên 50 tổ chức với hiệu quả hoạt động được nâng lên rõ rệt. Đáng chú ý, tầm nhìn đến năm 2045, phát triển thị trường thể thao, đạt mức tăng trưởng hàng năm cao và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế đất nước.
Chia sẻ với báo chí, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt cho biết, năm 2025 là năm bản lề quan trọng của ngành thể thao. Đây là thời điểm chúng ta bắt tay vào thực hiện nhiều kế hoạch, từ đó chuẩn bị cho các mục tiêu dài hơi hơn kế tiếp là ASIAD 2026 và Olympic năm 2028.
Một trong những mục tiêu hàng đầu của thể thao Việt Nam trong năm 2025 là đầu tư trọng điểm cho các môn, các vận động viên để có thể nâng tầm vị thế thể thao nước nhà thông qua thành tích quốc tế trong tương lai gần.
Cục Thể dục thể thao cũng thống nhất chọn 17 môn thể thao đầu tư trọng điểm từ năm 2025, bao gồm: Bơi, bắn súng, bắn cung, boxing, cầu lông, cử tạ, điền kinh, đua thuyền, đấu kiếm, thể dục dụng cụ, taekwondo, xe đạp, judo, vật (nhóm môn Olympic) và wushu, cầu mây, karate (nhóm môn ASIAD).
Như vậy, có thể thấy, Chiến lược đã đưa ra lộ trình phát triển cụ thể, dài hạn và bài bản cho cả thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Từ đó, các cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương, tổ chức thể thao, doanh nghiệp và người dân có cơ sở để phối hợp, triển khai một cách thống nhất, đồng thời giúp thể thao Việt Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế.
Với thể thao thành tích cao, Chiến lược tập trung phát triển các môn thể thao thế mạnh như điền kinh, bơi lội, võ thuật… giúp Việt Nam từng bước cạnh tranh sòng phẳng sân chơi lớn như ASIAD, Olympic. Đặc biệt, khuyến khích ứng dụng công nghệ, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong huấn luyện, phân tích thi đấu. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, hồi phục chấn thương và dinh dưỡng thể thao cho vận động viên.
Bên cạnh đó, Chiến lược tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư, huy động nguồn lực xã hội cho phát triển thể thao. Xây dựng chính sách đãi ngộ hợp lý cho vận động viên, huấn luyện viên, chuyên gia thể thao, giúp họ yên tâm cống hiến lâu dài.
Về cơ sở hạ tầng, Chiến lược đặt mục tiêu xây dựng và nâng cấp các trung tâm huấn luyện thể thao trọng điểm tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… đạt tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời phát triển hệ thống sân bãi, nhà thi đấu, phòng tập luyện hiện đại, đáp ứng yêu cầu của các môn thể thao thành tích cao.
Mở rộng mô hình học viện thể thao, trường năng khiếu thể thao để phát hiện và đào tạo tài năng trẻ từ sớm. Chú trọng đầu tư vào nghiên cứu dinh dưỡng thể thao, giúp vận động viên có chế độ ăn uống, tập luyện phù hợp để đạt thành tích tốt nhất.
![Xạ thủ Trịnh Thu Vinh tranh tài tại Olympic Paris 2024. Ảnh: INT](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_181_51424962/8bd9d1cde88301dd5892.jpg)
Xạ thủ Trịnh Thu Vinh tranh tài tại Olympic Paris 2024. Ảnh: INT
Hành trình gian nan
Từ lâu, SEA Games được xem như giải đấu “ao làng”, gánh trên vai cả yếu tố đỉnh cao cũng như quần chúng, đồng thời còn có trọng trách quảng bá du lịch, văn hóa cho nước chủ nhà. Nhiều môn Olympic bị gạt bỏ thẳng tay để thay vào đó là những môn có lợi cho nước chủ nhà. Đơn cử, tại SEA Games 31 năm 2019, Philippines giành 149 Huy chương Vàng và dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương.
Hai năm trước đó, trên đất Malaysia, Philippines giành được vỏn vẹn 24 Huy chương Vàng và đứng thứ 6 chung cuộc. Đến SEA Games 31 năm 2022, quốc gia này chỉ giành được 52 Huy chương Vàng, hạng 4 chung cuộc. Mặc dù vậy, thể thao Việt Nam vẫn luôn khẳng định được đẳng cấp và duy trì thứ hạng ổn định.
SEA Games 31, chúng ta giành 98 Huy chương Vàng, chỉ đứng sau chủ nhà Philippines. Hai kỳ đại hội gần đây, thể thao Việt Nam đều nhất toàn đoàn với tổng cộng 341 Huy chương Vàng, bỏ xa đoàn đứng thứ 2 là Thái Lan với tổng cộng 200 Huy chương Vàng.
Vấn đề của thể thao Việt Nam ở SEA Games chính là dấu hiệu sa sút ở nhiều môn Olympic. Đơn cử như điền kinh, tại SEA Games 30, Việt Nam giành 16 Huy chương Vàng và đứng số 1 Đông Nam Á, bỏ xa Thái Lan với 12 Huy chương Vàng. Ở kỳ đại hội trên sân nhà năm 2022, Việt Nam đi vào lịch sử khi giành tổng cộng 44 huy chương, trong đó có 22 Huy chương Vàng, trong khi đội nhì Thái Lan chỉ đoạt 12 Huy chương Vàng.
Nhưng đến SEA Games 32, chúng ta giành được 12 Huy chương Vàng trên tổng số 47 nội dung, mất ngôi vị số 1 vào tay Thái Lan, với 16 Huy chương Vàng. Nguyên nhân có nhiều. Nhưng tựu trung vẫn là yếu tố con người và chiến lược phát triển, trong đó có vấn đề đầu tư dàn trải.
Mặt trái của vị trí đứng đầu 2 kỳ SEA Games liên tiếp, cùng số lượng Huy chương Vàng kỷ lục của thể thao Việt Nam bộc lộ rõ ở 2 giải đấu lớn gần đây. Tại ASIAD 19 năm 2023 (Hàng Châu, Trung Quốc), chúng ta không thành công khi giành 3 Huy chương Vàng, đứng hạng 21, trong khi mục tiêu giành 5 - 7 Huy chương Vàng.
Thành tích này kém hơn hẳn so với ASIAD 18 (năm 2018) với 4 Huy chương Vàng, hạng 16. Rõ ràng, thể thao Việt Nam còn khoảng cách rất lớn về chuyên môn, bản lĩnh thi đấu so với các quốc gia nhóm đầu châu lục như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Uzbekistan.
Đáng chú ý, các đối thủ trong khu vực như Thái Lan (12 Huy chương Vàng), Indonesia (7 Huy chương Vàng), Malaysia (6 Huy chương Vàng) đã vươn lên mạnh mẽ, trong khi Việt Nam chưa có sự đột phá nào thật sự ấn tượng, làm nền tảng cho tương lai.
Kết quả tại ASIAD 19 đã phản ánh rõ nét chiến lược đầu tư của thể thao Việt Nam còn bị phân tán, chưa đủ mạnh, thiếu chiều sâu cho các môn thể thao trọng điểm. Vậy nên, các môn Olympic quan trọng như điền kinh, bơi lội, bắn súng không đạt được thành tích mong đợi, đồng thời chưa có vận động viên đẳng cấp thế giới, trong khi nhiều nước châu Á, kể cả Đông Nam Á ngày càng có nhiều đại diện đạt tầm châu lục và thế giới.
Ngoài ra, các nước hiện đang đầu tư mạnh vào công nghệ thể thao, trong khi Việt Nam vẫn phụ thuộc vào phương pháp huấn luyện truyền thống, đồng thời thiếu kế hoạch tập huấn dài hạn ở nước ngoài cho các vận động viên trọng điểm, chưa có nhiều chuyên gia quốc tế.
Sau ASIAD 19, Olympic Paris 2024 cũng là tấm gương phản chiếu chính xác cho năng lực và đầu tư của thể thao Việt Nam. Ở giải đấu số 1 hành tinh, các vận động viên Việt Nam tranh tài xét về chất lượng không có gương mặt nào đảm bảo nằm trong nhóm giành huy chương.
![Tuyển thủ điền kinh Nguyễn Thị Oanh thi đấu tại SEA Games 32. Ảnh: INT](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_181_51424962/85eedbfae2b40bea52a5.jpg)
Tuyển thủ điền kinh Nguyễn Thị Oanh thi đấu tại SEA Games 32. Ảnh: INT
Vì thế, việc đoàn Việt Nam trắng tay là điều sớm được dự báo. Nhìn ra khu vực, có 5/11 quốc gia Đông Nam Á giành được huy chương Olympic 2024 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore.
Trong đó, Philippines tuy thất thế ở SEA Games nhưng dẫn đầu khu vực tại Paris với 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Đồng. Indonesia cũng giành 2 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Đồng - thành tích tốt nhất trong 32 năm qua.
Câu chuyện không huy chương của thể thao Việt Nam ở 2 kỳ Olympic liên tiếp, cũng như sự thất thế ở ASIAD 19 cần được nhìn nhận một cách toàn diện, để từ đó rút ra những bài học cấp thiết cho tương lai… rất gần.
Theo Chiến lược, một trong những chỉ tiêu của thể thao Việt Nam là giành 5 - 7 Huy chương Vàng tại các kỳ ASIAD và đại hội thể thao châu lục lần thứ 20 sẽ diễn ra vào năm 2026, tại Aichi - Nagoya, Nhật Bản.
Có nghĩa, chúng ta chỉ có thời gian hơn 1 năm để có thể giành số Huy chương Vàng gấp đôi so với ASIAD 19 năm 2023, đồng thời lọt vào Top 15 châu Á, so với hạng 21 ở kỳ đại hội trước. Những con số tưởng chừng nhỏ bé, song sẽ là thử thách “cực đại” cho ngành thể thao.
Phát biểu với báo chí, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt cho rằng, việc đầu tư trang thiết bị phục vụ tập luyện, hồi phục, dinh dưỡng cho vận động viên tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, nơi phục vụ hầu hết các đội tuyển quốc gia, vẫn là vấn đề nan giải.
Trong 4 trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, chỉ Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TPHCM có hệ thống phòng hồi phục sau tập luyện tương đối ưng ý. Tuy nhiên, khâu vận hành các thiết bị này cũng gặp khó khăn về nhân sự. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để tính lượng dinh dưỡng cho vận động viên ở từng môn cũng chưa thể áp dụng bởi cần có nguồn lực để đầu tư.
Và kể cả khi có nguồn lực đầu tư thì cũng cần đội ngũ nhân lực để vận hành. Đây lại là khâu khó với ngành thể thao bởi các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia hiện nay đều không tự chủ tài chính, trông vào ngân sách.
Theo tính toán của nhà quản lý, tính từ năm 2025 tới năm 2045, thể thao Việt Nam sẽ trải qua 5 kỳ Olympic, 6 kỳ ASIAD và 11 kỳ SEA Games. Mỗi kỳ đều có yêu cầu cao về mục tiêu và đều không dễ thực hiện, với rất nhiều điểm nghẽn đã được nhận diện, cũng như vấn đề phát sinh từ thực tiễn.
Thế nên, vấn đề nằm ở sự đột phá trong tư duy quản lý về hướng đầu tư cho các đội tuyển trọng điểm, các vận động viên trọng điểm. Còn nếu vẫn cứ dàn trải, và căn bệnh thành tích chạy theo số lượng huy chương SEA Games như những năm qua thì thể thao Việt Nam khó có thể “ra biển lớn”.
Chiến lược định hướng đến năm 2045, phong trào thể dục, thể thao phát triển đồng đều, đa dạng trong các đối tượng, địa bàn; hình thành thói quen rèn luyện thể chất thường xuyên trong nhân dân; trên 95% học sinh, sinh viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể; tầm vóc của thanh niên Việt Nam đạt ở mức cao trong khu vực. Thể thao thành tích cao thường xuyên duy trì trong top 2 tại các kỳ SEA Games, trong top 15 tại các kỳ ASIAD và top 50 tại các kỳ Olympic; bóng đá nam trong top 8 châu Á và giành quyền tham dự World Cup; bóng đá nữ trong top 6 châu Á và giành quyền tham dự các kỳ World Cup.
Mạng lưới cơ sở thể thao quốc gia hiện đại, đủ điều kiện đăng cai ASIAD, trong đó ít nhất 50% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đủ 3 công trình thể thao cơ bản đạt tiêu chuẩn tổ chức thi đấu quốc tế; 100% đơn vị hành chính cấp huyện có đủ 3 công trình thể thao cơ bản đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn quy định; 100% đơn vị hành chính cấp xã có công trình thể thao; 100% trường học trong hệ thống giáo dục phổ thông có công trình thể thao.