Thế trận chưa ngã ngũ

Cuộc đua bầu cử ở Australia đã khép lại chặng nước rút để bước vào cuộc quyết đấu (ngày 3/5).

Nhiều nhà phân tích và quan sát tại quốc gia châu Đại Dương này cho rằng cuộc bầu cử năm nay là bài thử nghiệm năng lực của hai ứng cử viên, đương kim Thủ tướng Anthony Albanese và nhà lãnh đạo Liên đảng (gồm đảng Tự do và đảng Quốc gia) đối lập Peter Dutton trong việc giải quyết những vấn đề mà cử tri Australia quan tâm nhất, ví dụ như chi phí sinh hoạt tăng cao, cuộc khủng hoảng nhà ở, y tế, giáo dục, chính sách nhập cư, biến đổi khí hậu, vấn đề năng lượng...

Thủ tướng Australia Anthony Albanese (trái) và lãnh đạo liên đảng đối lập Peter Dutton tại cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ 4 ở Sydney tối 27/4/2025. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Thủ tướng Australia Anthony Albanese (trái) và lãnh đạo liên đảng đối lập Peter Dutton tại cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ 4 ở Sydney tối 27/4/2025. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Trong một danh sách dài những cam kết, các đảng lớn đã hứa hẹn về các khoản chi không hề nhỏ cho y tế, nhà ở và trợ cấp phí sinh hoạt... Theo nhận định chung của giới chuyên gia theo dõi sát cuộc bầu cử, những cam kết bầu cử không phải là bức tranh hoàn chỉnh về cách các đảng lớn dự định điều hành đất nước. Phong cách điều hành, mối quan hệ với các cường quốc nước ngoài và phản ứng đối với các vấn đề trong nước và toàn cầu đều là những phần thiết yếu trong việc điều hành đất nước mà không thể dễ dàng nắm bắt được bằng một danh sách những lời hứa. Đó là chưa tính đến những thỏa hiệp có thể phải thực hiện nếu không đảng nào giành thế đa số và phải đàm phán với các đảng khác hoặc các nghị sỹ độc lập để thành lập chính phủ.

Theo truyền thống, Công đảng ở Australia thường ưu tiên các vấn đề xã hội như an sinh xã hội, y tế, giáo dục, trong khi Liên đảng chú trọng đến phát triển kinh tế hơn. Mặc dù trong chiến dịch tranh cử, cả hai ứng cử viên Albanese và Dutton đều đưa ra những cam kết chính sách riêng nhằm xoa dịu cử tri và thu hút phiếu bầu, ví dụ: Công đảng cam kết giảm phí trông trẻ, giảm thuế, giảm tiền điện, đẩy mạnh chương trình chăm sóc y tế, tăng mạnh nguồn cung nhà và tạo điều kiện cho những người mua nhà lần đầu…, còn Liên đảng cam kết giảm một nửa thuế tiêu thụ nhiên liệu, giảm giá điện, khí đốt, hàng hóa tiêu dùng, áp dụng lệnh cấm trong 2 năm đối với người nước ngoài cạnh tranh với những người Australia trẻ tuổi trên thị trường nhà ở, giảm 25% lượng người di cư…, song giới quan sát và chuyên gia cho rằng không có chính sách nào thực sự mang tính đột phá có thể khiến cử tri an tâm và thỏa mãn.

Kết quả cuộc thăm dò dư luận do công ty Newspoll thực hiện mới đây cho thấy mức độ ủng hộ dành cho Công đảng cầm quyền tiếp tục duy trì ở 52%, trong khi tỷ lệ ủng hộ dành cho Liên đảng đối lập là 48%. Đương kim Thủ tướng Albanese cũng tiếp tục nhận được sự ủng hộ nhiều hơn so với nhà lãnh đạo Liên đảng đối lập Duton với tỷ lệ ủng hộ lần lượt là 51% và 35%.

Tính đến thời điểm này, sau 4 cuộc tranh luận trực tiếp, Thủ tướng Albanese được đánh giá là có thể làm nên lịch sử, trở thành thủ tướng đầu tiên giành chiến thắng liên tiếp kể từ thời cựu Thủ tướng John Howard năm 2004, trừ khi ứng cử viên Dutton tạo ra được “phép màu” vào phút chót. Nếu “phép màu” xảy ra, ông Dutton sẽ là nhà lãnh đạo phe đối lập đầu tiên hạ bệ một chính phủ ngay sau nhiệm kỳ đầu – điều chưa từng xảy ra kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1929.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng dù Công đảng cầm quyền vẫn tiếp tục chiếm ưu thế trong các cuộc thăm dò dư luận, song sự ủng hộ đang có chưa đủ để đảng này giành quyền thành lập chính phủ của riêng mình. Thủ tướng Albanese và Công đảng vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục được cử tri Australia. Sự thất vọng đối với chính phủ hiện tại và tỷ lệ không muốn Công đảng tiếp tục giành chiến thắng vẫn ở mức cao, lên tới 48%.

Trong khi đó, tỷ lệ cử tri cho rằng ông Dutton và liên đảng đối lập chưa sẵn sàng nắm quyền điều hành chính phủ cũng ở mức cao, với 62%, khiến cho phiếu bầu có khả năng sẽ được phân bổ sang các đảng khác như đảng Xanh hoặc các ứng cử viên độc lập.

Thực tế này cho thấy, khó đảng nào có thể giành chiến thắng thuyết phục để có quyền tự thành lập chính phủ của riêng mình trong cuộc bầu cử quốc hội tại Australia. Nói cách khác, nếu không giành được tối thiểu 76 trong tổng số 150 ghế, Công đảng sẽ phải liên minh với các đảng khác như đảng Xanh, vốn là một đồng minh truyền thống, và các nghị sỹ độc lập, hoặc Australia có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng Quốc hội treo.

Một điểm nhấn nữa trong cuộc bầu cử lần này ở Australia là vai trò của truyền thông xã hội mới như podcast và TikTok. Chuyên gia truyền thông – Tiến sĩ Denis Muller, giảng viên cấp cao tại Trung tâm Báo chí Tiến bộ thuộc Đại học Melbourne, cho biết "phương tiện truyền thông xã hội mới" là cách hiệu quả nhất để thu hút cử tri trẻ tuổi tham gia chính trị. Bên cạnh đó, truyền thông xã hội cũng hấp dẫn các chính trị gia trong việc xây dựng nền tảng cho chính sách của họ vì lượng người theo dõi đông đảo.

Trong khi đó, bà Susan Grantham, giảng viên về truyền thông của Đại học Griffith (Australia) cho rằng mạng xã hội là chiến trường mới của cuộc bầu cử. Trong cuộc bầu cử đầu tiên mà cử tri thế hệ Millennials (sinh trong khoảng 1981-1996) và Gen Z (sinh trong khoảng 1997-2012) đông hơn thế hệ Baby Boomers (sinh trong khoảng 1946-1964), đây là một sự thay đổi tất yếu, cần thiết về mặt chính trị - mặc dù không phải là không có những “cạm bẫy”. Tất cả những điều này đều quan trọng vì thế hệ trẻ không tiếp nhận thông tin chính trị từ báo chí hay bản tin buổi tối trên truyền hình mà họ chuyển sang các nền tảng video ngắn như TikTok và Instagram Reels, nơi chính trị thường được truyền tải bằng sự hài hước, cá tính và cái được cho là tính xác thực.

Bà Grantham cho rằng đây là một “sân chơi” mới trong chiến dịch chính trị, song liệu nó có thực sự tác động tới hành vi và lựa chọn của cử tri hay không, hay chỉ làm tăng thêm sự nhiễu loạn trên mạng vốn đã quá tải, thì vẫn còn phải chờ xem.

Thanh Tú (Pv TTXVN tại Australia )

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/the-tran-chua-nga-ngu-20250502174437985.htm