'Thế Uẩn Thư Trai' - thư viện lớn của PSG.TS Nguyễn Ngọc Thiện

Tôi đến thăm tư dinh - thư viện - bảo tàng văn học nghệ thuật (VHNT) của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện đúng dịp ông đang gấp rút lên kế hoạch tổ chức hội thảo nhân kỷ niệm '70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ' (1954-2024). Trước khi ông dẫn tôi đi xem công trình đồ sộ ấy, tôi có hỏi ông một câu:

- Thời gian gần đây có phong trào đi bán sách ở các hiệu cho thuê sách cũ, kể cả đem bán ở những bà mua sách dạng “đồng nát”. Người đem sách đi bán, một số là những nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ lão thành. Có lẽ họ giải quyết sớm để khi “ra đi” khỏi luyến tiếc? Bao nhiêu là sách hay, sách đẹp khi mua vào thì đắt, nhưng bán đi có được bao nhiêu tiền đâu. Chủ nhân của cái thư viện - bảo tàng VHNT mang tên “Thế Uẩn Thư Trai” Nguyễn Ngọc Thiện, tuổi cũng đã xấp xỉ “bát thập”, liệu ông có nằm trong cái trào lưu ấy không?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện.

- Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bán sách lẻ cả, bởi con gái tôi, TS.Vân Trang cũng đang theo đuổi nghiệp bố. Nó sẽ là người sử dụng cái “kho tàng trí tuệ” do tôi dày công xây dựng và để lại một cách hữu ích, cho cả một thế hệ bạn đồng nghiệp của cháu rất cần đến đây để sưu tầm, tra cứu.

Mặc dù đang bận nhưng ông vẫn dành thời gian hướng dẫn tôi đi xem bộ sưu tập sách tận tình và chu đáo.

Căn nhà của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện tọa lạc trong ngõ 31, số nhà 22 phố Trần Quốc Hoàn thuộc quận Cầu Giấy, TP Hà Nội có bốn tầng với tổng diện tích hơn 200m2 được đưa vào sử dụng từ tháng 5/2000. Ở ông có sự tụ hội của “bốn nhà”: nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà nghiên cứu lí luận phê bình VHNT. Cả “bốn nhà” này đã có tới trên 150 bài viết giới thiệu, đánh giá cao sự nghiệp của ông qua những cây bút bậc thầy, các nhà nghiên cứu khoa học đàn anh, các đồng nghiệp, bạn bè và môn sinh, bạn đọc mà ông từng được làm việc, gặp gỡ gắn bó và trao đổi.

Chỉ còn một “nhà” mà ít ai đề cập tới đó là “Thế Uẩn Thư Trai”, một thư viện cá nhân khổng lồ tới hàng vạn cuốn sách trong và ngoài nước đã giúp ông làm nên tên tuổi của “bốn nhà” trên. Ngôi nhà có 8 phòng chính thì ông dành 4 phòng để lưu trữ sách, bài viết và các tài liệu, hiện vật có liên quan đến công việc của mình là nghiên cứu lý luận, phê bình văn học nghệ thuật. Tầng hai và tầng ba (mỗi tầng một phòng) ông dành chỗ làm việc tại nhà và lưu trữ báo, tạp chí và kho ảnh tư liệu.

Ông làm việc tại cơ quan Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, ban đầu từ Thư ký tòa soạn, Phó tổng biên tập phụ trách tòa soạn, rồi Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, suốt 20 năm, từ kiêm nhiệm đến chuyên trách. Ông là người duy nhất còn lưu giữ đủ 327 số Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, từ số đầu tiên (số 1/11/1991) đến số 327 (tháng 2/2022) cho đóng thành từng tập theo trình tự hàng năm kế tục nhau. Ông đã có công nâng tầm Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam lên thành một cơ quan ngôn luận tầm cỡ quốc gia, chuyên nghiệp, đáp ứng các tiêu chí chuẩn mực của một tờ tạp chí nghiên cứu khoa học về Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Toàn bộ số tạp chí quý báu nói trên được Trung tâm lưu trữ quốc gia III trân trọng tiếp nhận lưu trữ, phục vụ cho công tác nghiên cứu của bạn đọc.

Nguyễn Ngọc Thiện là người chụp ảnh không chuyên nhưng ông quan tâm đến việc chụp ảnh các sự kiện xã hội và trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình, chân dung người thân, bạn bè, đồng nghiệp, môn sinh và bạn đọc. Kho lưu trữ ảnh của ông sở hữu hàng vạn tấm ảnh in giấy đen trắng và màu, kích cỡ to nhỏ khác nhau, phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học và duy trì các mối quan hệ xã hội, quan hệ gia đình, ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời trải dài hơn 7 thập kỷ của ông, trong đó không ít ảnh ông chụp được in sách hoặc minh họa theo bài viết trong sự nghiệp làm báo của ông.

Tầng bốn, ông dành cả hai phòng cho khối tài sản đồ sộ với hơn 10 nghìn đầu sách, báo, tạp chí, công trình khoa học của ông và bạn bè. Đó là thành quả của mối quan hệ của ông với các bậc thầy, các nhà nghiên cứu khoa học đàn anh, các đồng nghiệp, bạn bè và môn sinh, bạn đọc mà ông từng được cùng làm việc, gặp gỡ, gắn bó. Với số lượng “khủng” này trong thư viện gia đình ở Việt Nam ít ai có được, giữ được và sử dụng nó một cách hữu ích trong cuộc sống, trong đời sống văn hóa đương đại và tương lai.

Chưa kể đến khu vực dành riêng do ông làm ra với 10 đầu sách nghiên cứu lý luận phê bình văn học, 40 đầu sách do ông chủ biên, 180 số Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam do ông làm Tổng biên tập trong 15 năm liền (2006-2022). Ông được xếp vào hàng “trước tác đẳng thần”, có nghĩa là sách viết và biên soạn được xếp cao bằng đầu người, được chia thành các loại: Sách công cụ (các từ điển, sách tra cứu, các tổng tập, tuyển tập) về khoa học xã hội và nhân văn nói chung. Các sách nghiên cứu, khảo cứu phê bình VHNT Việt Nam, văn học nước ngoài, về bộ môn lý luận phê bình. Các tác phẩm kinh điển trong kho tàng lý luận văn học, mỹ học của các học giả nổi tiếng trong và ngoài nước, xưa và nay. Các sáng tác VHNT của các tác giả nổi tiếng, các văn hào, thi hào trong nước và thế giới. Các luận văn tiến sĩ, thạc sĩ do ông hướng dẫn hoặc là thành viên hội đồng chấm hoặc phản biện.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện (phải) giới thiệu “Thế Uẩn Thư Trai” với tác giả bài viết.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện (phải) giới thiệu “Thế Uẩn Thư Trai” với tác giả bài viết.

Chưa hết, đến thăm “Thế Uẩn Thư Trai” tôi còn “bị” hấp dẫn và thán phục chủ nhân bởi ông còn là nhà sưu tầm có hạng các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu trong nước và thế giới với hàng trăm hiện vật đồ gỗ, đồ đồng, đồ sành sứ được trưng bày rải rác tại các phòng cùng với sách phục vụ cho việc giảng dạy, nghiên cứu, khiến căn nhà như một bảo tàng nghệ thuật thu nhỏ. Hàng chục đầu sách, công trình của Nguyễn Ngọc Thiện in riêng và trên 40 đầu sách do ông chủ biên được xuất bản cùng mấy trăm bài báo mà ông không cần đi thư viện quốc gia tra cứu, sưu tầm. Toàn bộ khối tài sản tinh thần đồ sộ này đã được Trung tâm lưu trữ quốc gia III tiếp nhận, chuyển vào kho lưu trữ từ năm 2022.

Tháng 6/2023, ông được Bộ Nội vụ tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn thư lưu trữ” do đã có công lao gìn giữ, bảo quản và hiến tặng tài liệu lưu trữ quốc gia Việt Nam. Hàng chục môn sinh là tiến sĩ, phó tiến sĩ do ông hướng dẫn đến nhà thầy đều kinh ngạc về “kho báu” do thầy dày công xây dựng. Họ viết công khai trên báo chí rằng: “Thầy tôi đã dạy cho tôi không chỉ cách thức, phương pháp một người làm khoa học mà còn dạy tôi về cách sống, lối ứng xử trong đời…Thầy chỉ chăm chỉ vào công việc, không hề bị tác động bởi ánh hào quang của người khác, không bạc tiền chi phối. Thầy tôi điềm nhiên vượt qua mọi khó khăn, vững chãi như tán cây rợp mát bên hiên ngôi nhà trí tuệ của Thầy” (TS Đỗ Phương Thảo).

TS Bùi Như Hải viết: “Thầy Nguyễn Ngọc Thiện được học trò cũng như giới nghiên cứu VHNT kính nể, yêu mến, bởi thầy không chỉ là một trí thức uyên bác, khoa bảng, mà còn là một người có tác phong rất mô phạm, mẫu mực, tận tụy, nhiệt huyết, chăm lo bảo ban môn sinh đến nơi đến chốn, gieo những hạt giống quý cho sự nghiệp từng người… một đời cống hiến cho sự nghiệp văn hóa, văn nghệ, giáo dục của nước nhà”.

Nhà văn Ma Văn Kháng viết: “Có thể nhận ra Nguyễn Ngọc Thiện là nhà phê bình, lý luận hội đủ những phẩm chất quý giá nhất của nghề nghiệp. Anh yêu văn chương như một thiên tính, theo đuổi nó một lòng một dạ say mê như với một tình nhân. Anh có phẩm tính của một nghệ sĩ, ham học và được đào tạo rất cơ bản, là một nhà khoa học cẩn trọng, chỉnh chu, đức độ và khiêm nhường”.

Nguyễn Ngọc Thiện với “Thế Uẩn Thư Trai”, một địa chỉ văn hóa độc đáo của “bốn nhà” mà chưa nhiều người có điều kiện tìm đến.

Khi cuộc xem kết thúc, ông nói thêm câu này:

- Rồi cũng phải đến lúc ra đi, nhưng tôi quyết giữ cái bảo tàng VHNT thu nhỏ mang tên “Thế Uẩn Thư Trai” này sống mãi. Sở dĩ tôi trở thành nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà nghiên cứu lý luận phê bình VHNT như các đồng nghiệp và bạn đọc tôn vinh, một phần cũng từ cái “Thế Uẩn Thư Trai” này đấy!

Hà Nội 6/2024

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/the-uan-thu-trai-thu-vien-lon-cua-psg-ts-nguyen-ngoc-thien-i734937/