Thêm 25 cơ sở chế biến thủy sản Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường Đài Loan

Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược Đài Loan (TFDA) vừa thông báo có 699 cơ sở chế biến thủy sản của Việt Nam được TFDA cấp phép xuất khẩu sản phẩm thủy sản, tăng 25 doanh nghiệp so với kỳ xét duyệt lần trước.

Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc nhận được công văn Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược Đài Loan (TFDA) thông báo về “Danh sách các cơ sở chế biến thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Đài Loan” (List of Vietnamese fishery processing establishments authorized for export to Taiwan) được cập nhật và có hiệu lực từ ngày 30 tháng 9 năm 2020

Theo thông báo của TFDA, Danh sách doanh nghiệp xuất khẩu cua sống (Live Crabs) hiện không đổi so với kỳ xét duyệt lần trước, trong khi có tới 699 cơ sở chế biến thủy sản của Việt Nam được TFDA cấp phép xuất khẩu sản phẩm thủy sản, tăng 25 doanh nghiệp so với kỳ xét duyệt lần trước. TFDA nhấn mạnh, chỉ có các doanh nghiệp nằm trong Danh sách đã được TFDA xét duyệt mới được phép xuất khẩu thủy sản vào Đài Loan.

Thông báo của TFDA cũng cho biết, Danh sách này có hiệu lực từ ngày 30 tháng 9 năm 2020 (tính từ thời điểm hàng hóa rời cảng xuất). Danh sách này cũng đã được TFDA công bố tại cổng thông tin điện tử của cơ quan này tại địa chỉ: https://www.fda.gov.tw/TC/siteContent.aspx?sid=2549

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang lãnh thổ Đài Loan chiếm 1,4% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Đài Loan là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 8 của Việt Nam, mặt hàng chủ yếu như tôm sú, tôm chân trắng… Đây là thị trường nhiều tiềm năng của tôm Việt Nam với thị hiếu đa dạng, cộng đồng người Việt khá đông đảo.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, Đài Loan là thị trường nhiều tiềm năng cho tôm Việt Nam với thị hiếu đa dạng, cộng đồng người Việt khá đông đảo. Nhu cầu nhập khẩu tôm của Đài Loan cũng có xu hướng tăng những năm gần đây. Người dân tại đây thường ít dự trữ thực phẩm, do đó đóng gói hàng hóa nên nhỏ gọn, thiết kế đẹp mắt, kèm đầy đủ hướng dẫn sử dụng.

Thu nhập ngày càng tăng, người tiêu dùng tại đây hướng tới thử nghiệm những sản phẩm mới, nên khi đưa hàng hóa vào Đài Loan, khâu quảng cáo, cung cấp thông tin rất quan trọng. Người tiêu dùng tại đây ít khi quan tâm đến giá sản phẩm một khi sản phẩm đó được cung cấp đầy đủ thông tin khiến họ tin tưởng. Đó là những yếu tố các doanh nghiệp nên quan tâm khi muốn xuất khẩu vào thị trường này.

Thanh Xuân

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/them-25-co-so-che-bien-thuy-san-viet-nam-duoc-phep-xuat-khau-vao-thi-truong-dai-loan-75248.htm