Thêm 4 dịch vụ công trực tuyến giúp tiết kiệm chi phí xã hội 1.376 tỷ đồng/năm
Chiều 30-12, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị sơ kết một năm vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia và công bố 4 dịch vụ công trực tuyến, nâng tổng số thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến lên 2.700. Việc vận hành 4 dịch vụ công trực tuyến này sẽ giúp xã hội tiết kiệm chi phí khoảng 1.376 tỷ đồng mỗi năm.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết: 4 dịch vụ công trực tuyến mới được công bố trên Cổng dịch vụ công quốc gia là thanh toán nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân; cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng; cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ; kê khai, nộp lệ phí trước bạ và cấp đăng ký, biển số xe nhập khẩu.
Theo tính toán, dịch vụ thanh toán nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân giúp tiết kiệm ít nhất 1 ngày công với 4 lần đi lại. Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 4 triệu trường hợp thực hiện thủ tục hành chính về đất đai. Nếu chỉ 50% trường hợp thực hiện thanh toán trực tuyến sẽ giúp tiết kiệm ít nhất 682 tỷ đồng/năm. Dịch vụ này đã thực hiện tại 4 tỉnh và sẽ mở rộng triển khai trên toàn quốc trong quý 1 năm 2021.
Hàng năm có hàng triệu người có nhu cầu cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng để phục vụ nhiều mục đích khác nhau, như xây dựng công trình, mua bán, thế chấp đất đai… Với quy trình từ nộp hồ sơ đến tiếp nhận, xử lý, trả kết quả giải quyết hoàn toàn thực hiện trên môi trường mạng sẽ giúp tiết kiệm khoảng 281 tỷ đồng mỗi năm. Dịch vụ này đã thực hiện tại 22 tỉnh và sẽ mở rộng triển khai trên toàn quốc trong năm 2021.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trung bình mỗi năm có 111.000 công trình nhà ở riêng lẻ được cấp giấy phép xây dựng trên cả nước. Với việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 giúp tiết kiệm được ít nhất 3 ngày công, với 4 lần đi lại và thời gian, chi phí chuẩn bị hồ sơ. Nếu khoảng 50% người dân lựa chọn thực hiện trực tuyến thì số tiền tiết kiệm được hằng năm ít nhất là 54,6 tỷ đồng/năm. Dịch vụ này đã thực hiện tại 22 tỉnh và sẽ mở rộng triển khai trên toàn quốc trong năm 2021.
Số liệu tổng hợp của Cảnh sát giao thông cho thấy, trung bình cả nước mỗi năm có khoảng 4,8 triệu trường hợp đăng ký xe, trong đó xe sản xuất lắp ráp trong nước khoảng 4,2 triệu (ô tô 500.000, xe máy 3,7 triệu) và xe nhập khẩu khoảng 600.000 xe. Theo đó, với việc mở rộng đối tượng, phạm vi thực hiện, chi phí tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công này ước tính tối thiểu khoảng 558,5 tỷ đồng/năm.
Như vậy, việc tích hợp, cung cấp 4 dịch vụ công này có thể giúp tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 1.376 tỷ đồng/năm, nâng tổng chi phí tiết kiệm khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia từ khi khai trương đến nay là khoảng 8.000 tỷ đồng/năm.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ, nhấn mạnh, việc tích hợp dịch vụ công trực tuyến của các cấp, các ngành không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân, mà còn giúp Chính phủ minh bạch hóa, công khai hóa hoạt động trước nhân dân, đồng thời tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân để xây dựng Chính phủ phục vụ.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, nếu thực hiện dịch vụ công trực tuyến tốt, tránh tiếp xúc trực tiếp cũng sẽ tạo cơ hội được thụ hưởng dịch vụ bình đẳng giữa tất cả doanh nghiệp và người dân, qua đó hạn chế được điều kiện phát sinh tham nhũng. Đồng thời, đây cũng là chỉ số rất quan trọng để cộng đồng quốc tế đánh giá về năng lực cạnh tranh quốc gia, trực tiếp nhất là môi trường kinh doanh và là trụ cột rất quan trọng trong việc đánh giá xếp hạng Chính phủ điện tử.