Thêm 6 thành viên của Saigon Co.op bị khởi tố
Ngày 19.7, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM cho biết, đã phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can của Cơ quan An ninh điều tra thuộc Công an TP.HCM đối với 6 người.
Theo đó, 6 người bị khởi tố gồm: Hồ Mỹ Hòa, Giám đốc tài chính, Ủy viên HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. HCM Saigon Co.op; Nguyễn Thành Nhân, nguyên Tổng Giám đốc, thành viên HĐQT Saigon Co.op; Trần Trung Liệt, nguyên Kế toán trưởng Saigon Co.op; Hàng Thanh Dân, nguyên Trưởng Ban Kiểm soát Saigon Co.op (từ 2015-7.2019), hiện là Ủy viên HĐQT Saigon Co.op; Phạm Thị Minh Ngọc, Phó Ban Kiểm soát Saigon Co.op (từ 9.2017 đến nay), Trưởng Ban Kiểm toán nội bộ Saigon Co.op (từ 8.2016 đến nay; và Nguyễn Thị Thùy Trang, Ủy viên Ban Kiểm soát Saigon Co.op (nhiệm kỳ 2014-2019), Trưởng Ban Kiểm soát Saigon Co.op (từ 7.2019 đến nay).
Sáu bị can trên bị khởi tố để điều tra về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Đây là kết quả mở rộng điều tra vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” do ông Diệp Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op thực hiện xảy ra tại Saigon Co.op.
Ngày 18.7, Cơ quan An ninh điều tra thuộc Công an TP.HCM đã phối hợp Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố tiến hành tống đạt các lệnh, quyết định và tiến hành khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với 6 bị can trên.
Ngày 15.12.2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt Diệp Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op để điều tra về tội "Lạm quyền trong khi thi hành công vụ".
Vụ án này thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Trước đó, Thanh tra TP. HCM đã ban hành Kết luận số 11/KL-TTTP-P5 về việc chấp hành các quy định pháp luật tại Saigon Co.op, kết luận có dấu hiệu huy động vốn trái pháp luật và thâu tóm, chiếm đoạt tài sản tại Saigon Co.op.
Sai phạm lớn nhất tại Saigon Co.op liên quan việc tăng vốn điều lệ năm 2020 lên gần 6.800 tỷ đồng, bị cho là có dấu hiệu huy động góp vốn trái pháp luật và thâu tóm.
Cụ thể, các hợp tác xã thành viên của Saigon Co.op đạt lợi nhuận 5-6 tỉ đồng nhưng không góp vốn, trong khi nhiều hợp tác xã chỉ đạt lợi nhuận sau thuế 24-500 triệu đồng/năm lại góp hàng trăm tỉ đồng. Thậm chí có đơn vị kinh doanh thua lỗ vẫn góp 247 tỉ.
Các hợp tác xã lợi nhuận ít nhưng góp vốn lớn cho biết đã huy động vốn từ các thành viên bên ngoài và có trường hợp ký hợp đồng hợp tác với các cá nhân ngoài hợp tác xã.
Theo Thanh tra, điều này cho thấy đã có các cá nhân, tổ chức thông qua hợp tác xã thành viên để tham gia đầu tư vốn vào Saigon Co.op. Nếu không làm rõ được nguồn vốn tăng lên, Saigon Co.op sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động. Các sai phạm tại Saigon Co.op thuộc về HĐQT, Thành viên liên hiệp, Ban Tổng giám đốc, các phòng ban chức năng và cá nhân có liên quan tại Saigon Co.op qua các thời kỳ.
Saigon Co.op thành lập năm 1989 theo quyết định của UBND TP.HCM, sau đổi tên thành Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM với 20 hợp tác xã thành viên. Doanh nghiệp nhà nước này đã có 34 lần thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, 14 lần điều chỉnh, bổ sung điều lệ và 8 lần bổ sung tăng vốn điều lệ. Hiện, Saigon Co.op có hơn 100 siêu thị (Co.opmart) trên cả nước.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/them-6-thanh-vien-cua-saigon-co-op-bi-khoi-to-184521.html