Thêm cơ hội cho xuất, nhập khẩu phục hồi
6 tháng năm 2024, xuất, nhập khẩu cả nước tăng trưởng ở mức 2 con số, trong đó xuất khẩu tăng cao và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng chính.
Tuy có nhiều cơ hội cho xuất, nhập khẩu phục hồi và có thể vượt mục tiêu tăng trưởng 6% như kế hoạch, song những thách thức vẫn tiềm ẩn, đòi hỏi phải tiếp tục nắm chắc tình hình và có giải pháp sát sao, toàn diện.
Phóng viên Báo Hànôịmới đã trao đổi với Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải về vấn đề này.
Tín hiệu khả quan
- Xin ông cho biết về tình hình xuất, nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024?
- Hoạt động xuất, nhập khẩu 6 tháng qua tiếp tục khởi sắc. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó xuất khẩu ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5%; nhập khẩu ước đạt 178,45 tỷ USD, tăng 17%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,63 tỷ USD.
Đáng chú ý, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng: Nông - thủy sản, công nghiệp chủ lực, nhiên liệu - khoáng sản. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nông - thủy sản ước đạt 18,37 tỷ USD, tăng 19,9%; kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 160,3 tỷ USD, chiếm 84,3% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 14,1%… Hàng hóa của Việt Nam tới hầu hết các đối tác thương mại lớn cho thấy sự phục hồi tốt của thị trường. So với các nước trên thế giới, Việt Nam nằm trong nhóm có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá cao.
Về nhập khẩu, có 88% kim ngạch là nhóm hàng cần thiết, gồm máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước… Đây là tín hiệu phục hồi tích cực của sản xuất và xuất khẩu.
- Theo ông xuất, nhập khẩu phục hồi nhờ những yếu tố nào?
- Trước hết, đây là kết quả của chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, đa dạng hóa thị trường thông qua đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Cùng với đó, các giải pháp hỗ trợ toàn diện nền kinh tế phát huy hiệu quả. Kết quả này cũng cho thấy nỗ lực vượt qua khó khăn từ phía các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Về mặt khách quan, vấn đề hàng tồn kho tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta như Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ đang dần được khắc phục. Đối với Hoa Kỳ, các chỉ số tiêu dùng hồi phục đã trở thành yếu tố hỗ trợ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Đa dạng các giải pháp hỗ trợ xuất, nhập khẩu
- Ông nhận định thế nào về những thách thức tác động tới xuất, nhập khẩu từ nay tới cuối năm 2024?
- Các yếu tố như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục giữ quan điểm thận trọng về cắt giảm lãi suất; xung đột ở một số nơi tiếp tục leo thang; lạm phát vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định… khiến kinh tế toàn cầu năm 2024 đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán. Mặt khác, khi nhu cầu tiêu dùng suy giảm, Trung Quốc có thể đẩy mạnh xuất khẩu nguồn hàng dư thừa với giá rẻ sang các quốc gia khác, từ đó gia tăng đáng kể áp lực cạnh tranh.
Vấn đề cước vận tải biển tăng cao, đặc biệt đối với các tuyến từ châu Á đi Hoa Kỳ và EU, do xung đột tại biển Đỏ cũng rất đáng chú ý. Lượng hàng xuất khẩu tại Trung Quốc tăng vọt trong tháng 5 và 6-2024 dẫn tới tình trạng mất cân bằng container giữa các cảng biển châu Á.
Ở trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Quy mô nền kinh tế Việt Nam còn khiêm tốn nhưng độ mở lại lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương đánh giá, năm 2024 có nhiều cơ hội để hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam phục hồi.
- Để hoàn thành mục tiêu xuất, nhập khẩu tăng trưởng 6% trong năm nay, Bộ Công Thương có những giải pháp nào, thưa ông?
- Với vai trò là cơ quan điều hành hoạt động xuất, nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi, tham mưu với Chính phủ các giải pháp ứng phó. Bộ sẽ thông tin kịp thời những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường. Thương vụ Việt Nam tại các khu vực sẽ thường xuyên cập nhật thông tin và khuyến nghị các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam.
Bộ Công Thương đang đẩy nhanh tiến độ và nỗ lực kết thúc sớm đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE); triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền lợi thế, ưu đãi từ các FTA đã thực thi. Mặt khác, hoạt động xúc tiến thương mại tiếp tục đổi mới, tập trung thúc đẩy chuyển đổi số trong kết nối cung cầu.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu; thực hiện kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Đặc biệt, việc xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới theo hình thức chính ngạch tiếp tục được thúc đẩy; điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/them-co-hoi-cho-xuat-nhap-khau-phuc-hoi-671536.html