Thêm cơ hội để 'Bơ Sơn La' chinh phục thị trường

Sản phẩm quả bơ của tỉnh ta vừa được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đây là cơ hội lớn để quả bơ khẳng định chỗ đứng trên thị trường cũng như tạo điều kiện để cá nhân, HTX sản xuất và kinh doanh bơ mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch trong cả nước và hướng đến xuất khẩu.

Quả bơ Sơn La được giới thiệu và bán tại hệ thống siêu thị thực phẩm sạch Happy Mart, Hà Nội.

Quả bơ Sơn La được giới thiệu và bán tại hệ thống siêu thị thực phẩm sạch Happy Mart, Hà Nội.

Cây bơ được đưa vào trồng ở Sơn La từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi đó chủ yếu trồng để tạo bóng mát và phục vụ nhu cầu gia đình. Sau hơn 30 năm, đến nay, cây bơ đã khẳng định hiệu quả kinh tế, từ đó đã hình thành các vùng trồng bơ chuyên canh, chất lượng cao.

Toàn tỉnh hiện có hơn 1.120 ha bơ, sản lượng gần 4.000 tấn/năm, tập trung trên địa bàn các huyện Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Thuận Châu. Quả bơ Sơn La cũng đang dần khẳng định trên thị trường, không chỉ bởi hương vị thơm dẻo, béo ngậy, hàm lượng dinh dưỡng cao, mà còn an toàn với người tiêu dùng khi được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP.

Các giống bơ khá đa dạng, như bơ nếp, bơ sáp, bơ kép, bơ đốm trắng vỏ tím, ruột vàng và các giống mới TA3, TA31, TA5, TA54, TA44... với đặc điểm chung là vỏ mỏng, da căng, thịt béo ngậy, ít xơ, không sượng. Bơ có thể đạt 1-1,2 kg/quả, mỗi cây cho thu hoạch từ 50 đến 200 kg tùy theo độ tuổi của cây, giá bơ trung bình từ 15.000 - 35.000 đồng/kg, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình.

Tiềm năng về giá trị kinh tế, khả năng thích ứng tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của cây bơ đã được khẳng định. Tuy vậy, quả bơ ở Sơn La vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường, đầu ra chưa ổn định.

Để phát triển bền vững chuỗi giá trị bơ và nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thêm giá trị gia tăng và cải thiện thu nhập từ trồng và kinh doanh quả bơ, năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp thực hiện Dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Bơ Sơn La” cho sản phẩm quả bơ. Sau hơn 2 năm triển khai, dự án đã đăng ký thành công nhãn hiệu; xây dựng bộ tiêu chí quản lý nhãn hiệu chứng nhận và chất lượng sản phẩm quả bơ; hoàn thiện công cụ pháp lý của nhãn hiệu chứng nhận. Đây là cơ sở để quảng bá, phát triển, quản lý, khai thác nhãn hiệu chứng nhận “Bơ Sơn La”. Đồng thời, lựa chọn 49 xã, phường thuộc 7 huyện, thành phố đưa vào bản đồ khu vực địa lý tương ứng với nhãn hiệu chứng nhận “Sơn La” cho sản phẩm quả bơ của tỉnh Sơn La.

Ông Phan Ngọc Bắc, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Sở đã phối hợp với các địa phương thực hiện tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật để các HTX, người dân ứng dụng vào sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng, mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng bơ. Định hướng của tỉnh đến năm 2030, sẽ đưa sản lượng quả bơ ước đạt khoảng 20.000 tấn và một trong những giải pháp để mở rộng được thị trường tiêu thụ quả bơ, tăng thu nhập cho người dân. Việc xây dựng thành công nhãn hiệu “Bơ Sơn La” là điều kiện cần và đủ để quả bơ của tỉnh khẳng định thương hiệu trên thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu.

Dự án đã hỗ trợ ban đầu về truy xuất nguồn gốc cho 2 HTX được trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bơ Sơn La” là HTX Anh Trang, huyện Mai Sơn và HTX Phương Nam, huyện Yên Châu. Anh Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam, chia sẻ: Trước đây, quả bơ của HTX chủ yếu bán cho các thương lái, từ khi có tem, nhãn mác thì khách hàng tin tưởng hơn, giá bán cũng cao hơn từ 10-15%. Hiện, đang bắt đầu vào vụ thu hoạch bơ, với 10 ha, dự kiến năm nay HTX sẽ thu khoảng 120-130 tấn bơ, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Hà Nội thông qua hệ thống các siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch.

Tiến sĩ Hoàng Xuân Trường, Chủ nhiệm Dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Bơ Sơn La” cho sản phẩm quả bơ của tỉnh Sơn La, thông tin: Chúng tôi đã tổ chức đào tạo, tập huấn quản lý, kiểm soát và sử dụng nhãn hiệu, tập huấn marketing và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; xây dựng công cụ quảng bá và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu và kết nối thị trường tiêu thụ quả bơ của tỉnh Sơn La. Từ chỗ chỉ bán buôn cho các thương lái tại chợ đầu mối, các HTX, người dân sản xuất và kinh doanh bơ đã thiết lập được kênh tiêu thụ sản phẩm thông qua các hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Việc được cấp nhãn hiệu chứng nhận “Bơ Sơn La” tiếp thêm động lực để các HTX, người trồng bơ tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp thu mua, chế biến và liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước khẳng định thương hiệu và giá trị “Bơ Sơn La”.

Duy Tùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/them-co-hoi-de-bo-son-la-chinh-phuc-thi-truong-51439