Thêm cơ sở để xây dựng văn hóa từ chức

Trong Quy định số 144-QĐ/TW ghi rõ: 'Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ uy tín'.

Quy định số 144-QĐ/TW về “chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới” vừa được Bộ Chính trị ban hành nhận được nhiều sự quan tâm và đồng tình của dư luận. Một số ý kiến cho rằng, với 5 chuẩn mực đạo đức đối với cán bộ, đảng viên được ban hành, Quy định là thêm cơ sở để từng bước xây dựng văn hóa từ chức. Trong Quy định cũng ghi rõ: “Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ uy tín”.

 Ảnh minh họa: vov.vn

Ảnh minh họa: vov.vn

Từ chức vốn là điều bình thường đối với cán bộ, công chức ở nước ta từ trước đến nay, ở một số nước khác cũng thế. Dù vậy, chuyện từ chức đang còn nhiều cách nhìn nhận cảm tính, nặng nề tâm lý khiến từ chức chưa thể trở thành văn hóa. Bởi thế, xây dựng văn hóa từ chức là cần thiết để một vấn đề rất bình thường không bị xem là bất thường.

Nội hàm của Quy định số 144-QĐ/TW quy chiếu rõ chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, những người có quyền lợi và bổn phận phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Mọi cán bộ, đảng viên phải tự soi, tự sửa như Bác Hồ đã dạy: “Cán bộ là công bộc của dân”; khi không làm được điều đó thì nên từ chức.

Đối với đảng viên nói riêng, cán bộ, công chức nói chung, trong các văn bản của Đảng, Nhà nước đã có nhiều quy định rõ ràng cũng như khuyến khích cán bộ có sai phạm, không đủ uy tín thì cần và nên từ chức. Thực hiện các quy định đó, đã có một số cán bộ, đảng viên, công chức xin từ chức vì những lý do cụ thể. Tuy vậy, ở phạm vi rộng, việc từ chức trong hệ thống công quyền hiện nay chưa được xem là bình thường.

Nhìn nhận từ nhiều góc độ cho thấy, mỗi khi một cán bộ, công chức từ chức, dư luận luôn săm soi chuyện từ chức của họ. Điều này khiến người có nguyện vọng từ chức chưa mạnh dạn. Chính mỗi cá nhân từ chức luôn phải chịu sức ép dư luận, hoặc ngay trong chính gia đình, họ hàng, người thân của mình. Tâm lý “một người làm quan cả họ được nhờ” và định kiến coi trọng chức tước còn rất nặng nề trong đời sống khiến từ chức không phải là vấn đề cởi mở, dễ dàng.

Một cản trở nữa là khi cán bộ, công chức từ chức, họ gần như không còn cơ hội trở lại hệ thống cơ quan công quyền. Ngoại trừ lý do cán bộ có sai phạm buộc phải từ chức, thì việc rất khó quay lại hệ thống công quyền đang cản trở những người tự nguyện từ chức không vì sai phạm. Trên thực tế, các quy định hiện nay không ngăn cấm người từ chức quay lại hệ thống công quyền nhưng việc thực hiện nó không phổ biến.

Để xây dựng được văn hóa từ chức thì cùng với xây dựng các chuẩn mực phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, uy tín làm tiêu chí để mỗi người tự soi, tự sửa, đồng thời là cơ sở để tổ chức và nhân dân giám sát, thì cũng rất cần khơi dậy lòng tự trọng, tính liêm sỉ của cán bộ, công chức để họ tự nguyện khi thấy mình không đáp ứng được. Xã hội cần từng bước xóa bỏ tư tưởng, tâm lý chạy theo chức tước, xóa bỏ tư tưởng “một người làm quan cả họ được nhờ”.

Cùng với xây dựng văn hóa từ chức, chúng ta cần xây dựng được các quy định thuận tiện, có tính khả thi để cán bộ đã từ chức, nghỉ việc không vì sai phạm có thể quay trở lại làm việc trong hệ thống công quyền theo nguyên tắc có vào, có ra-có ra, có vào.

NGUYỄN TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/them-co-so-de-xay-dung-van-hoa-tu-chuc-779080