Thêm dấu ấn của thành phố nghĩa tình
Thương hiệu văn minh, hiện đại, nghĩa tình của TP HCM càng lan tỏa và sâu sắc hơn thông qua những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong đợt chăm lo Tết Giáp Thìn vừa qua
Ngày 20-2, UBND TP HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác tổ chức, chăm lo Tết Giáp Thìn và gặp mặt chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn năm 2024. Hội nghị có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên.
Thêm nhiều người vào diện chăm lo
Báo cáo tổng kết công tác tổ chức, chăm lo Tết Giáp Thìn 2024, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết thành phố chủ động triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng, người nghèo. Dịp Tết Nguyên đán 2024, TP HCM tăng kinh phí và bổ sung nhiều đối tượng chăm lo, góp phần bảo đảm không có hộ nghèo nào không được đón Tết cổ truyền của dân tộc.
Cụ thể, hơn 1,4 triệu người được chăm lo với tổng kinh phí gần 1.300 tỉ đồng, tăng 5,27% so với năm ngoái, kinh phí từ ngân sách và xã hội hóa. Những đối tượng được bổ sung chăm lo Tết Nguyên đán 2024 là trẻ em có cha hoặc mẹ đang bị phạt tù, trẻ ở trường giáo dưỡng, trẻ có cha hoặc mẹ đang hưởng trợ cấp xã hội có hoàn cảnh khó khăn; người cao tuổi không có lương hưu trí, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Bí thư chi bộ khu phố tiêu biểu; cán bộ đoàn thể tiêu biểu ở cơ sở; đơn vị, hội đặc thù, các câu lạc bộ hưu trí; cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật... cũng nằm trong số đối tượng được bổ sung. Theo ông Dương Anh Đức, đây là một trong nhiều điểm mới trong công tác chăm lo Tết năm nay.
Cách làm hay, sáng tạo
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá công tác tổ chức chăm lo Tết Giáp Thìn được triển khai từ sớm, có sự phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương và sự chung tay của toàn xã hội nên mang tới hiệu quả cao.
Năm nay có nhiều cách làm sáng tạo trong hoạt động chăm lo Tết. Điển hình như TP Thủ Đức tổ chức trồng vườn hoa hướng dương, bố trí các góc phố, địa điểm cho bà con chụp ảnh, vui chơi; hoạt động mua lại hoa của tiểu thương không bán kịp trong đêm 30 Tết để về trang trí khiến phố phường đẹp và ý nghĩa hơn.
Bí thư Thành ủy TP HCM cũng nhấn mạnh một điểm sáng nữa là lượng kiều hối của kiều bào gửi về cho thành phố rất cao.
Đáng chú ý, các cơ quan, đơn vị đã có sáng kiến bổ sung thêm nhiều nhóm người chăm lo Tết.
"Các cơ quan tìm mọi cách chăm lo cho người dân nên đã suy nghĩ, tìm thêm đối tượng. Đây là việc làm rất đáng khen, đáng trân trọng" - Bí thư Thành ủy TP HCM ghi nhận.
Đánh giá tổng thể hoạt động chăm lo Tết, Bí thư Thành ủy khẳng định có sức lan tỏa, mang nhiều năng lượng tích cực, đúng với ý nghĩa của Tết cổ truyền. Có được những kết quả trên do nhiều nhân tố; trong đó, nhân tố nội sinh, sự nỗ lực, trách nhiệm, tình cảm, nghĩa cử của mỗi người rất đáng quý.
Bên cạnh những điểm sáng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng lưu ý một số việc chưa được như sức mua chung giảm khiến nhiều hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ hạn chế. Còn xảy ra cháy nổ nên cần kiểm điểm nghiêm khắc, rút kinh nghiệm và tìm giải pháp.
Đề cập đến việc phát triển kinh tế - xã hội TP HCM trong năm 2024, Bí thư Thành ủy cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 là 7,5%-8%, các cơ quan, đơn vị của thành phố cần khởi động tốt ngay trong quý I để tạo nền tảng cho thời gian còn lại.
Thể hiện rõ hơn bản sắc
Thay mặt Thường trực UBND TP HCM, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cảm ơn toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đã chung tay tổ chức chăm lo Tết Giáp Thìn cho nhân dân. Ông bày tỏ sự trân trọng các lực lượng không tiếc thời gian, công sức trực tiếp phục vụ Tết, giúp TP HCM có Tết vui tươi, đầm ấm, an toàn với mọi người, mọi nhà.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đề nghị từng ngành, từng địa bàn rút kinh nghiệm những việc chưa làm được để có thể chăm lo Tết tốt hơn những năm sau. Trước mắt là tổ chức Tết 2025 tốt, thể hiện rõ hơn truyền thống và bản sắc của TP HCM.
Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị các cơ quan, đơn vị khẩn trương trở lại nhịp công việc bình thường, tập trung giải quyết tồn đọng trước, trong và sau Tết, đồng thời triển khai ngay nhiệm vụ của quý I và cả năm 2024.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM, thành phố đề ra 194 nhiệm vụ trong năm 2024, trong đó có 63 nhiệm vụ của quý I. 63 nhiệm vụ này cần triển khai đến từng người với khối lượng công việc cùng tiến độ cụ thể. "Chúng ta phải tạo ra kết quả ngay từ quý I để không bị động, không để đầu năm thong thả mà cuối năm hối hả" - Chủ tịch UBND thành phố lưu ý.
Ông Phan Văn Mãi thông tin kết quả phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến nay tương đối khá so với quý I/2023. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì chưa đạt, điển hình là công tác giải ngân đầu tư công mới đạt 1,6% trong khi quý I/2024 đặt ra mục tiêu 10%-12%. Do đó, các đơn vị phải tập trung giải pháp thúc đẩy tăng trưởng về đầu tư công, đầu tư tư nhân, kích cầu tiêu dùng, du lịch… Cùng với đó là triển khai hiệu quả chủ đề năm về chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội; tập trung triển khai 10 công trình, dự án trọng điểm và 5 đề án đã được Ban Chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm thành phố đề ra.
"Làm sao năm 2024 và năm 2025 phải thực sự là những năm thi đua đặc biệt với những công việc, công trình, dự án cụ thể, thiết thực lập chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" - Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.
Dịp này, Chủ tịch UBND thành phố tặng bằng khen cho 302 tập thể có thành tích xuất sắc trong tổ chức, chăm lo Tết Giáp Thìn 2024; 53 cá nhân là Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn có thành tích xuất sắc tiêu biểu năm 2023.
Tết ấm áp, đủ đầy
Thông tin về tình hình dư luận dịp Tết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM Lâm Đình Thắng cho biết sự chăm lo chu đáo của chính quyền và các đoàn thể đã tạo khí thế rất tốt cho các hoạt động ngay sau Tết.
Sự phấn khởi còn thể hiện qua hoạt động hỗ trợ kịp thời của các ban ngành, đoàn thể tới công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn, để từ đó không ai bị bỏ lại phía sau và đón một cái Tết ấm áp, đủ đầy.
Về tình hình giao thông, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm cho biết trong 15 ngày cao điểm Tết có khoảng 3,6 triệu lượt hành khách đến TP HCM, tăng 5% so với năm ngoái. Lượng khách tăng nhưng giao thông thông thoáng, thuận lợi, không xảy ra ùn tắc những khu vực trọng điểm. Các vấn đề về chèn ép, "chặt chém"... được nhận diện và có kế hoạch ngăn chặn từ xa, từ sớm.
Nhiều hiến kế cho phát triển
Tại hội nghị, chủ tịch các xã, phường, thị trấn gửi đến lãnh đạo TP HCM nhiều giải pháp cho kinh tế - xã hội.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền cơ sở có thêm nhân sự, giải quyết hồ sơ kịp thời, nhanh chóng cho người dân cũng như hạn chế tình trạng quá tải công việc của một số bộ phận, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) Nguyễn Ngọc Tuấn đề xuất nhanh chóng bổ sung biên chế công chức và số lượng người hoạt động không chuyên trách theo Nghị quyết 98.
Trong khi đó, ông Trương Hoài Bảo - Chủ tịch UBND phường 7, quận 8 - đề nghị xem xét thí điểm thành lập đơn vị nghiệp vụ chuyên trách như Đồn Công an quản lý chợ Bình Điền. Theo ông Bảo, trong năm 2023, phường xảy ra 86 vụ phạm pháp hình sự, chiếm 23,6% tổng số vụ toàn quận 8. Đáng nói là đa phần vụ việc xảy ra trong chợ Bình Điền - chợ đầu mối lớn nhất nước, ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ tiêu kéo giảm phạm pháp hình sự trên địa bàn quận...
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/them-dau-an-cua-thanh-pho-nghia-tinh-196240220215541125.htm