Thêm động lực cho công chức cấp xã
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách (KCT) ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (sau đây gọi tắt là Nghị định 33) với nhiều điểm mới.
Sở Nội vụ cũng đang xây dựng nghị quyết nhằm cụ thể hóa Nghị định 33 trên địa bàn tỉnh báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại kỳ họp cuối năm tới đây. Giám đốc Sở Nội vụ Trần Quang Tú thông tin thêm với Báo Đồng Nai một số nội dung liên quan đến nghị định này.
Nhiều quy định mới
Thưa ông, hiện nay chức danh và mức phụ cấp cho người hoạt động KCT ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện theo quy định nào?
- Hiện nay, chức danh và mức phụ cấp cho người hoạt động KCT ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đang thực hiện theo Nghị quyết số 01/2020/NQ-HĐND ngày 10-7-2020 của HĐND tỉnh quy định số lượng, chức danh, chế độ, chính sách đối với người hoạt động KCT cấp xã, ấp (khu phố) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 33 quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động KCT ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Nghị định 33 có những điểm mới cơ bản nào thưa ông?
- Nghị định 33 của Chính phủ đã quy định một số điểm mới, cụ thể:
+ Đối với cán bộ, công chức cấp xã:
Về chức danh, hiện công chức xã còn 6 chức danh gồm: chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự; văn phòng - thống kê; địa chính - xây dựng; tài chính - kế toán; tư pháp - hộ tịch và văn hóa - xã hội (không còn quy định trưởng công an là công chức cấp xã).
Về số lượng, ngoài số lượng quy định theo loại phường như: đối với phường loại I là 23 người, loại II là 21 người, loại III là 19; đối với xã, thị trấn loại I là 22 người, loại II là 20 người, loại III là 18 người.
Quy định mới còn bổ sung thêm quy định được bố trí số lượng công chức ở cấp xã, phường tăng thêm theo quy mô dân số, diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính (ĐVHC). Cụ thể, phường thuộc quận cứ tăng thêm đủ 1/3 mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 1 công chức. Các ĐVHC cấp xã còn lại cứ tăng thêm đủ 1/2 mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 1 công chức. Ngoài việc tăng thêm công chức theo quy mô dân số quy định tại điểm a khoản này thì ĐVHC cấp xã cứ tăng thêm đủ 100% mức quy định về diện tích tự nhiên được tăng thêm 1 công chức.
+ Đối với người hoạt động KCT cấp xã:
Về số lượng, ngoài số lượng người hoạt động KCT cấp xã được tính theo loại ĐVHC cấp xã như: loại I là 14 người; loại II là 12 người; loại III là 10 người, quy định mới được bố trí số lượng người hoạt động KCT ở cấp xã tăng thêm theo quy mô dân số, diện tích tự nhiên của ĐVHC cấp xã.
Cụ thể, phường thuộc quận cứ tăng thêm đủ 1/3 mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 1 người hoạt động KCT. Các ĐVHC cấp xã còn lại cứ tăng thêm đủ 1/2 mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 1 người hoạt động KCT. Ngoài việc tăng thêm người hoạt động KCT theo quy mô dân số quy định tại điểm a khoản này thì ĐVHC cấp xã cứ tăng thêm đủ 100% mức quy định về diện tích tự nhiên được tăng thêm 1 người hoạt động KCT.
+ Về mức khoán tăng thêm:
Đối với ĐVHC cấp xã loại I được khoán quỹ phụ cấp bằng 21 lần mức lương cơ sở (trước đây là 16 lần). ĐVHC cấp xã loại II được khoản quỹ phụ cấp bằng 18 lần mức lương cơ sở (trước đây là 13,7 lần). ĐVHC cấp xã loại III được khoán quỹ phụ cấp bằng 15 lần mức lương cơ sở (trước đây là 11,4 lần). Nghị định cũng quy định mức phụ cấp hỗ trợ cho người hoạt động KCT cấp xã theo trình độ đào tạo nhằm khuyến khích người hoạt động KCT học tập nâng cao trình độ chuyên môn.
+ Đối với người hoạt động KCT ở ấp, khu phố:
Nghị định quy định tăng mức khoản phụ cấp đối với ấp có từ 350 hộ gia đình trở lên; khu phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; ấp, khu phố thuộc ĐVHC cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được khoản quỹ phụ cấp bằng 6 lần mức lương cơ sở (trước đây là 5 lần mức lương cơ sở). Quy định mức hỗ trợ cho người hoạt động KCT ở ấp, khu phố theo trình độ đào tạo. Nghị định số 33/2023/NĐ-CP cũng quy định mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở ấp, khu phố.
Dự kiến tăng thêm 544 công chức cấp xã
Thưa ông, khi áp dụng Nghị định 33, nhiều quy định trước đây sẽ không còn phù hợp với quy định hiện hành?
- Khi Nghị định 33 có hiệu lực, sẽ bãi bỏ Nghị định số 114/2003/NĐ-CP; Nghị định số 112/2011/NĐ-CP; Nghị định số 92/2009/NĐ-CP và Nghị định số 34/2019/NĐ-CP quy định các nội dung về cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn và người hoạt động KCT ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Để cụ thể hóa Nghị định 33 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã, ấp, ở thôn, tổ dân phố, Sở Nội vụ đã xây dựng Nghị quyết quy định chức danh, một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động KCT xã, phường, thị trấn, ở ấp (khu phố) và người trực tiếp tham gia hoạt động ở ấp (khu phố) trên địa bàn tỉnh báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại kỳ họp cuối năm 2023 tới đây.
Qua rà soát quy mô dân số, diện tích tự nhiên theo quy định đối với các ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh, có 122/170 xã, phường, thị trấn có số lượng công chức và người hoạt động KCT cấp xã tăng thêm. Dự kiến tăng thêm 544 công chức và tăng thêm 544 người hoạt động chuyên trách cấp xã.
Khi cán bộ công chức, người hoạt động KCT được tăng lên như tinh thần ở Nghị định 33, theo ông, có cần thiết thực hiện tách phường ở những phường có đông dân nữa hay không?
- Từ số lượng công chức, người hoạt động KCT được tăng lên theo tinh thần nghị quyết, các địa phương sẽ tính toán bố trí phù hợp để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của từng ĐVHC cấp xã. Việc chia tách phường do địa phương nghiên cứu đề xuất theo quy định của Trung ương. Hiện tại, theo đề xuất chỉ có phương án sáp nhập, không có đề xuất chia tách thành lập phường mới.
Xin cảm ơn ông!
Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh ĐÀO ĐỨC TRÌNH:
Cần khảo sát kỹ càng
Cần phải có sự khảo sát kỹ càng để xây dựng nghị quyết mới đảm bảo tính kế thừa của Nghị quyết số 01 của HĐND tỉnh quy định số lượng, chức danh, chế độ, chính sách đối với người hoạt động KCT cấp xã, ấp (khu phố) trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng, nâng cao chế độ cho đội ngũ công chức, người hoạt động KCT cấp xã, đảm bảo nghị quyết sát thực tiễn. Nếu quá trình xây dựng nghị quyết còn chưa đảm bảo trình ở kỳ họp cuối năm 2023 thì nên hoãn lại ở kỳ sau để nghị quyết xây dựng đảm bảo yêu cầu chất lượng.
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bàu Hàm 2 (H.Thống Nhất) ĐẶNG THỊ THU HIỀN:
Có thêm động lực gắn bó với công việc
Tôi làm cán bộ KCT cấp xã đến nay đã hơn 10 năm. Khối lượng công việc thật sự rất nhiều, thời gian dành cho công việc rất lớn, không thua gì cán bộ chuyên trách. Trong khi đó, tiền lương của tôi rất thấp, không thể đảm bảo đủ cuộc sống nên thứ bảy, chủ nhật hàng tuần tôi còn phải tranh thủ đi kiếm việc làm thêm để tăng thu nhập.
Tôi mong muốn tới đây tỉnh quan tâm nâng cao hơn nữa chế độ, chính sách cho đội ngũ người hoạt động KCT để tôi cũng như những người hoạt động KCT nói chung có thêm động lực gắn bó với công việc, đóng góp cho sự phát triển của địa phương.