Thêm động lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

TP Hồ Chí Minh là địa phương tiên phong đầu tư, hỗ trợ thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ÐMST). Dù kết quả mang lại chưa được như kỳ vọng, nhưng đây là một trong những yếu tố quan trọng để thành phố xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST bền vững thời gian tới…

Gian trưng bày sản phẩm công nghệ cao tại tòa nhà Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao thuộc SHTP.

Gian trưng bày sản phẩm công nghệ cao tại tòa nhà Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao thuộc SHTP.

TP Hồ Chí Minh là địa phương tiên phong đầu tư, hỗ trợ thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ÐMST). Dù kết quả mang lại chưa được như kỳ vọng, nhưng đây là một trong những yếu tố quan trọng để thành phố xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST bền vững thời gian tới…

Trong những năm tới, TP Hồ Chí Minh tiếp tục xác định chọn khoa học, công nghệ (KH-CN) cao là một trong những "bệ phóng" để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Trong đó, khởi nghiệp ÐMST được xem là tiền đề quan trọng để thành phố thực hiện mục tiêu này.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở KH-CN TP Hồ Chí Minh, thành phố hiện có khoảng 1.920 doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực công nghệ thông tin (chiếm 70%), còn lại là nông nghiệp công nghệ cao và các lĩnh vực khác. Hiện, Sở KH-CN thành phố có bốn gói hỗ trợ khởi nghiệp: Hỗ trợ tư vấn, đào tạo với kinh phí hỗ trợ 30% nhưng không quá 200 triệu đồng/dự án; tổ chức sự kiện kết nối khởi nghiệp; ươm tạo dự án khởi nghiệp với kinh phí hỗ trợ 50% nhưng không quá 500 triệu đồng/dự án; hỗ trợ tăng tốc dự án khởi nghiệp (hỗ trợ DN khởi nghiệp kêu gọi đầu tư vốn nước ngoài để mở rộng dự án và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ).

Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào khởi nghiệp ÐMST tại TP Hồ Chí Minh giúp số lượng DN khởi nghiệp của cả nước tăng gần 10 lần, từ 400 DN năm 2012 lên hơn 3.800 DN vào đầu năm 2020, trong đó, thành phố chiếm khoảng 50% số DN khởi nghiệp. Vốn đầu tư cho các DN khởi nghiệp cũng tăng nhanh chóng, từ 140 triệu USD năm 2015 lên 900 triệu USD vào năm 2018. Từ đầu năm 2019 đến nay, DN khởi nghiệp đã gọi vốn thành công với tổng giá trị hơn 670 triệu USD cho 50 dự án khởi nghiệp, trong đó thành phố chiếm gần 23 dự án với tổng vốn hơn 300 triệu USD. Thành phố hiện có 34 cơ sở ươm tạo, 10 không gian làm việc và không gian đổi mới sáng tạo…

Giám đốc Sở KH-CN TP Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng cho biết thêm, hiện vẫn còn những khó khăn nhất định trong việc phát triển phong trào khởi nghiệp ÐMST. Cụ thể, một số quy định chưa rõ ràng, nhất là các văn bản chưa theo kịp thực tiễn, tốc độ phát triển của DN khởi nghiệp. Hơn 97% số DN trên địa bàn thành phố có quy mô nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ cho nên yếu về tài chính, tiềm lực con người. Việc đầu tư nguồn lực cho đào tạo, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm còn hạn chế, liên kết giữa các trường, viện, DN… chưa chặt chẽ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh các dự án khởi nghiệp đã thu hút mạnh các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư tư nhân tham gia, vẫn còn nhiều dự án khởi nghiệp mang tính phong trào, chưa gắn với yêu cầu của thị trường, chưa mang tính đột phá để tạo sự khác biệt ứng dụng vào thực tiễn. Thành phố hiện có hơn 438 nghìn DN đăng ký thành lập, chiếm 32% cả nước; đóng góp 54% quy mô nền kinh tế và 67% tổng vốn đầu tư toàn xã hội… nhưng sự kết nối giữa các DN vẫn chưa chặt chẽ, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp, sức sáng tạo trong DN.

Ðể thúc đẩy phong trào khởi nghiệp ÐMST, thành phố cần có thêm cơ chế tài chính để thu hút vốn giúp DN khởi nghiệp phát triển. Các chính sách hỗ trợ, nhất là vốn cho DN khởi nghiệp cần thông thoáng, hiệu quả hơn. Thành phố cần tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, kết nối thị trường, đầu tư, công nghệ mới để tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST phát triển…

Sở KH-CN TP Hồ Chí Minh đang hoàn thiện đề án "Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST thành phố giai đoạn 2021 - 2025" với mục tiêu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST của thành phố phát triển ngang tầm khu vực. Ðây cũng là nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động ÐMST, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN nhằm phát triển các sản phẩm chủ lực của thành phố.

Mới đây, thành phố đã đầu tư 323 tỷ đồng xây dựng Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP Hồ Chí Minh, dự kiến đưa vào hoạt động trong quý II-2022. Trung tâm này được xác định là công trình đầu não và là nền tảng cho các hoạt động khởi nghiệp ÐMST trong thời đại công nghệ 4.0. Ðây không chỉ là địa điểm tổ chức các hoạt động về khởi nghiệp và nghệ thuật mà còn là nơi ươm mầm và cung cấp không gian làm việc và sáng tạo cho các dự án khởi nghiệp của thành phố và cả nước.

Khu Công nghệ cao thành phố (SHTP) cũng vừa đưa vào vận hành Trung tâm Ươm tạo chuyên về AI Innovation Hub. PGS, TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý SHTP cho rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là một trong những công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là xu thế phát triển tất yếu của các quốc gia trên thế giới. Trung tâm là nơi kiến tạo những giải pháp đột phá, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khởi nghiệp ÐMST, nhất là trong lĩnh vực công nghệ 4.0. SHTP cũng được xem là chiếc nôi cho nhiều dự án khởi nghiệp công nghệ mang thương hiệu Việt Nam và đã khẳng định được sứ mệnh thông qua việc kết nối mạnh mẽ các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST mang tính công nghệ cao. Sự ra đời của trung tâm chính là hướng đến sự đột phá, đáp ứng nhu cầu phát triển tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của thành phố…

Ngày 18-12-2020, UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình kết nối các ngân hàng, tổ chức tín dụng và Nhà nước để hỗ trợ vốn cho DN khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, thành phố đặt ra mục tiêu tạo điều kiện cho DN khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn phát triển sản xuất, kinh doanh trên tinh thần tập trung tháo gỡ rào cản vướng mắc, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bài và ảnh: Khánh Trình

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/them-dong-luc-cho-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-629850/