Thêm động lực để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên

Những năm qua, huyện Sông Mã tập trung chỉ đạo lồng ghép các nguồn lực từ các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới để đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên chuyển đổi sản xuất, tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đường về bản Lọng Lót, xã Mường Sai được Nhà nước đầu tư bê tông hóa kiên cố.

Đường về bản Lọng Lót, xã Mường Sai được Nhà nước đầu tư bê tông hóa kiên cố.

Bản Lọng Lót, xã Mường Sai có 21 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Tháng 8/2019, do mưa lớn liên tục kéo dài, khu đồi cao tại bản Lọng Lót xuất hiện những vết nứt kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đấ, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân. Huyện Sông Mã đã lập dự án sắp xếp dân cư bị sạt lở đất tại bản Lọng Lót. Từ đầu năm 2020, toàn bộ 21 hộ dân ở đây đã được di chuyển đến địa điểm mới, tại khu đất Co Sản của bản Kỳ Nình.

Anh Giàng A Dia, Trưởng bản Lọng Lót, chia sẻ: Được tỉnh, huyện, xã quan tâm, tạo điều kiện cho bà con trong bản chuyển sang nơi ở mới an toàn, lại còn được hỗ trợ hỗ trợ san nền nhà, làm đường bê tông lên bản, kéo điện lưới, công trình nước sinh hoạt, xây mới nhà văn hóa, bà con trong bản phấn khởi và yên tâm làm ăn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lò Văn Loan, Chủ tịch UBND xã Mường Sai, thông tin: Đến nay, người dân bản Lọng Lót đã ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất. Hỗ trợ người dân thay đổi tư duy sản xuất, năm 2022 xã còn phối hợp với Công ty cổ phần xuất khẩu thực phẩm Đồng Giao triển khai mô hình trồng dứa Queen, với quy mô 5 ha tại bản Lọng Lót. Hiện, người dân đang tiến hành làm đất và chuẩn bị xuống giống. Ngoài ra, xã đang nghiên cứu, lựa chọn thêm một số loại cây ăn quả phù hợp để hỗ trợ bà con bản Lọng Lót trồng trên đất đồi dốc, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân.

Quan tâm, hỗ trợ sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2021, huyện Sông Mã đã thực hiện các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gồm: Mô hình dứa Queen tại bản Huổi Mo, xã Chiềng Khương, quy mô 50 ha, có 35 hộ dân tham gia với kinh phí thực hiện 1,35 tỷ đồng; mô hình lúa hữu cơ tại 4 xã Nậm Mằn, Chiềng Sơ, Huổi Một, Mường Hung, diện tích 93 ha, với kinh phí thực hiện 2,225 tỷ đồng và mô hình phục tráng lúa tẻ I1 tại bản Nà Cần, Chiềng Sơ. Qua đánh giá ban đầu, các mô hình triển khai mang lại kết quả tích cực, tạo động lực để đồng bào dân tộc thay đổi tư duy sản xuất, tiếp cận với các loại cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tham gia mô hình trồng dứa Queen đầu tiên tại bản Huổi Mo, xã Chiềng Khương, đến nay 3 ha dứa Queen của gia đình anh Lò Văn Ngoan phát triển tốt, đã ra hoa và đậu quả, dự kiến đến giữa năm nay sẽ cho thu hoạch. Anh Ngoan chia sẻ: Được cán bộ huyện, xã tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả kinh tế từ cây dứa Queen, gia đình tôi đã chuyển đổi 3 ha đất đồi để trồng dứa. Ngoài việc được hỗ trợ 50% tiền giống, gia đình còn được hỗ trợ một phần kinh phí phân bón, được Hội Nông dân huyện cho các hộ gia đình vay vốn từ Quỹ "Hỗ trợ nông dân" để đầu tư trồng dứa với định mức vay 20 triệu/ha.

Đồng chí Trần Thị Kim Xuân, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Sông Mã, cho biết: Sông Mã là huyện vùng cao biên giới, có 411 bản, tổ dân phố; trong đó, có 270 bản đặc biệt khó khăn; trên 86% dân số toàn huyện là đồng bào dân tộc thiểu số. Chăm lo, ổn định đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, UBND huyện đã huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư theo hướng tập trung, trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên đầu tư các xã, bản đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã xây dựng 389 công trình cơ sở hạ tầng, với tổng số vốn đầu tư trên 839 tỷ đồng, giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn giao. Các dự án được đầu tư đồng bộ, đảm bảo đúng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020. Đời sống các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đang tốt lên từng ngày, hệ thống đường giao thông được cứng hóa đến từng thôn, bản; 390/441 bản đã được sử dụng điện lưới quốc gia an toàn thường xuyên đạt 95%, số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia an toàn 32.443/ 33.620 hộ đạt 96,5%.

Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với sự đoàn kết, nỗ lực sản xuất, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sông Mã ngày một nâng cao, người dân yên tâm lao động sản xuất, giữ vững an ninh trật tự, góp phần xây dựng quê hương ngày càng ấm no, phát triển.

Duy Tùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/them-dong-luc-de-dong-bao-dan-toc-thieu-so-vuon-len-49153