Thêm động lực để hộ nghèo, gia đình chính sách vươn lên

Với quyết tâm xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách trong năm 2025, bên cạnh triển khai nhiều giải pháp tạo sinh kế giúp người dân thoát nghèo bền vững, tỉnh Hòa Bình đã tăng cường nguồn lực để sửa chữa, xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo, gia đình chính sách. Qua đó, tiếp thêm động lực để các hộ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết

Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, những năm qua, tỉnh Hòa Bình luôn quan tâm chăm lo, tạo điều kiện tốt nhất để mọi người, mọi nhà được tiếp cận, thụ hưởng tối đa chính sách an sinh xã hội, nhất là về hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở. Cùng với một số địa phương khác, huyện Đà Bắc được tỉnh ưu tiên tập trung nguồn lực với tổng nguồn vốn 77,18 tỷ đồng để xóa nhà tạm, dột nát cho 2.157 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn một số xã vùng sâu, vùng xa, như: Đồng Chum, Mường Chiềng, Trung Thành, Đồng Ruộng, Nánh Nghê… Nhờ đó, những căn nhà tạm dần được thay thế bằng ngôi nhà tường gạch, mái bằng khang trang, vững chãi, đời sống người dân từng bước được nâng lên.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và lãnh đạo tỉnh Hòa Bình dự khởi công xây nhà tại hộ gia đình ông Xa Văn Đế (xã Tú Lý, huyện Đà Bắc). Ảnh: Thùy An

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và lãnh đạo tỉnh Hòa Bình dự khởi công xây nhà tại hộ gia đình ông Xa Văn Đế (xã Tú Lý, huyện Đà Bắc). Ảnh: Thùy An

Đơn cử như gia đình ông Xa Thanh Xuân (xóm Mới, xã Đồng Chum, Đà Bắc), nhờ sự giúp đỡ của người dân về ngày công, vật liệu, gia đình ông còn được hỗ trợ 40 triệu đồng từ Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát của địa phương và xây dựng được ngôi nhà cấp 4 kiên cố. Ông Xuân xúc động chia sẻ, do không thể đi lại bình thường nên nguồn mưu sinh duy nhất của ông là từ mảnh vườn nhỏ và khoản tiền trợ cấp xã hội ít ỏi hàng tháng. Nếu không có sự hỗ trợ từ chính quyền các cấp, bà con trong xóm thì không biết bao giờ ông mới có nhà để ở và có động lực vươn lên trong cuộc sống.

Cuộc sống vốn rất khó khăn, căn nhà sàn ọp ẹp của gia đình hộ nghèo Hà Văn Quý (xóm Bản Hạ, xã Mường Chiềng, Đà Bắc) lại gặp sự cố sạt lở, có thể sập xuống bất cứ lúc nào. Do vậy, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, từ Đề án xóa nhà tạm, anh đã xây được căn nhà mới khang trang với tổng kinh phí trên 80 triệu đồng. Giải quyết được nỗi lo an cư, gia đình anh tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi để nâng cao thu nhập, phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Những căn nhà đại đoàn kết nghĩa tình ấm áp cho các hộ nghèo là món quà ý nghĩa của Đảng, Nhà nước và sự chung sức của cả cộng đồng dành cho hộ khó khăn về nhà ở. Đó còn là nguồn động viên lớn, mang lại niềm vui giúp hộ nghèo an tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên trong cuộc sống. Việc tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát cũng duy trì và nâng cao tiêu chí về nhà ở trong bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, cụ thể hóa giấc mơ an cư cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Từ đó, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hướng tới mọi người dân đều có nhà ở ổn định

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bùi Văn Luyến, hiện toàn tỉnh Hòa Bình còn gần 3.466 hộ nghèo khó khăn về nhà ở cần sửa chữa, xây mới. Đa số đều là những căn lều, nhà tạm xập xệ, thậm chí nhiều nơi vẫn là nền đất, tường và mái chắp vá bằng những vật liệu không bảo đảm. Trong khi đó, các hộ này chủ yếu sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp, người già neo đơn, ốm đau, không có tư liệu sản xuất nên không có đủ năng lực để xây, sửa nhà cửa.

Do vậy, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua cả nước chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong cả nước ngày 13.4.2024, tỉnh đã xây dựng phương án hỗ trợ cho 1.000 hộ đang ở trong những căn nhà tạm, nhà dột nát; đồng thời tiếp tục rà soát, nắm chắc số hộ nghèo, hộ cần sự hỗ trợ về nhà ở, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên cấp thiết kèm theo các hồ sơ theo quy định. Đặc biệt là đơn của các chủ hộ thể hiện sự quyết tâm của các hộ được thụ hưởng chương trình này. Đến nay, đã có 490 nhà tạm được thẩm định, đủ điều kiện hỗ trợ. Thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đợt 2 để triển khai cho 510 hộ được sửa chữa, xây mới nhà ở.

Bên cạnh các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Hòa Bình đang phối hợp, huy động nguồn lực từ các chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ nguồn này, dự kiến trong năm 2024, sẽ tiếp tục xóa thêm 1.000 căn nhà, còn lại khoảng 1.400 căn nhà tạm, nhà dột nát sẽ phấn đấu xóa hết đến năm 2025. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã xây dựng kế hoạch, báo cáo với Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy về kế hoạch tổ chức Lễ phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát cấp tỉnh.

Nhằm tạo chuyển biến căn bản về chất lượng nhà ở, hướng tới mục tiêu mọi người dân đều có nhà ở ổn định, có điều kiện nâng cao mức sống, thoát nghèo bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh khẳng định, Hòa Bình quyết tâm xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách trong năm 2025. Trong đó, tập trung nguồn lực xóa nhà tạm cho các huyện còn khó khăn như: Đà Bắc, Mai Châu, Lạc Sơn…

Đối với các địa phương có thể huy động nguồn xã hội hóa lớn, số nhà tạm chỉ còn vài chục căn như: thành phố Hòa Bình, các huyện Lương Sơn, Lạc Thủy, Cao Phong, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, cần tự chủ động bố trí kinh phí, sớm hoàn thành việc xóa nhà tạm trên địa bàn. Bên cạnh đó, các ban ngành, đoàn thể, các địa phương tiếp tục rà soát để lên phương án, huy động nguồn lực, bảo đảm các quy định, cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả để thực hiện chương trình; bảo đảm chất lượng công trình và đúng đối tượng thụ hưởng.

TRẦN TÂM

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/them-dong-luc-de-ho-ngheo-gia-dinh-chinh-sach-vuon-len-i385453/