Thêm hai hãng hàng không Trung Quốc sử dụng máy bay C919

Air China và China Southern Airlines sẽ là các hãng hàng không tiếp theo sử dụng máy bay phản lực chở khách C919 do Trung Quốc sản xuất.

Máy bay C919, máy bay phản lực lớn đầu tiên do Trung Quốc sản xuất. Ảnh: Tân Hoa Xã

Máy bay C919, máy bay phản lực lớn đầu tiên do Trung Quốc sản xuất. Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo Reuters trích dẫn Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, những chiếc máy bay C919 đầu tiên bắt đầu được giao cho các hãng hàng không Air China và China Southern Airlines từ ngày 28/8.

Với động thái này, các hãng hàng không trên trở thành hãng thứ 2 và thứ 3 sử dụng máy bay do Trung Quốc sản xuất, sau China Eastern Airlines - hãng đã đưa 7 chiếc C919 vào hoạt động thương mại trong nước từ tháng 5/2023.

Máy bay C919 là máy bay phản lực cỡ lớn tự phát triển đầu tiên của Trung Quốc do Tập đoàn Hàng không Thương mại Trung Quốc (COMAC) có trụ sở tại Thượng Hải chế tạo. C919 có sức chứa tối đa 192 người và thuộc cùng loại với Boeing 737 MAX và Airbus A320neo.

Dự án C919 được khởi động vào năm 2007 và hoàn thành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 2017. Đến tháng 9/2022, máy bay C919 đã nhận được chứng chỉ từ Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) sau 14 năm nghiên cứu và phát triển. Vào ngày 9/12/2022, China Eastern Airlines đã chính thức nhận chiếc C919 đầu tiên mang số hiệu B-919A từ COMAC.

Tính tới hiện tại, 3 hãng hàng không lớn do nhà nước sở hữu của Trung Quốc bao gồm China Southern Airlines, Air China and China Eastern Airlines đã đặt hàng tổng cộng 100 chiếc C919. Trong khi đó, COMAC cho biết đã nhận được tổng cộng hơn 1.000 đơn đặt hàng.

Chuyến giao hàng C919 đầu tiên cho một hãng hàng không tư nhân dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Suparna Airlines có trụ sở tại Thượng Hải, một công ty con của hãng hàng không lớn thứ 4 của Trung Quốc là Hainan Airlines, hiện đang đặt hàng 60 chiếc C919. Hãng hàng không này cho biết mục tiêu cuối cùng là hướng tới một đội bay chỉ bao gồm máy bay C919.

Hiện COMAC đang cố gắng gia tăng sự hiện diện của mình trong thị trường máy bay phản lực chở khách vốn do các nhà sản xuất phương Tây như Airbus và Boeing thống trị.

Trong năm 2024, công ty cũng đã gia tăng kế hoạch bán hàng và sản xuất, đồng thời tiếp thị C919 ra nước ngoài, đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á và cả thị trường hàng không đang phát triển là UAE. Hồi tháng 2/2024, COMAC đã tham gia Triển lãm Hàng không Singapore cùng với 5 mẫu máy bay do mình phát triển, trong đó có C919.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định COMAC sẽ gặp khó khăn trong việc thâm nhập thị trường quốc tế, đặc biệt là khi không đạt được chứng nhận an toàn từ Mỹ hoặc Liên minh châu u.

Zhongtai Securities tháng 7/2024 đưa ra dự đoán COMAC có thể sản xuất 100 máy bay mỗi năm vào năm 2030, với tổng số máy bay phản lực được sản xuất vượt quá 1.000 chiếc vào năm 2035. Đây là con số tương đối khiêm tốn so với Airbus – nhà sản xuất đã giao 735 máy bay thương mại trong năm 2023.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/them-hai-hang-hang-khong-trung-quoc-su-dung-may-bay-c919-32869.html