Thêm mô hình hỗ trợ phòng dịch Covid-19

Mặc dù đã hơn hai tháng TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách, bước vào giai đoạn bình thường mới, tuy nhiên, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn tìm tòi, nghiên cứu để tạo ra các mô hình hỗ trợ tích cực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 đang còn gặp rất nhiều khó khăn.

Hoạt động nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Hoạt động nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP Hồ Chí Minh mới đây đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm (Research Center for Infectious Diseases - RCID) và giao quyền quản lý, vận hành cho Trường đại học Quốc tế (ĐHQT). Sự ra đời của trung tâm này trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh mở ra nhiều hy vọng cho các giải pháp hỗ trợ chuyên môn trong giai đoạn tới.

Trong giai đoạn đầu, RCID chủ yếu tập trung giải quyết vấn đề nổi cộm hiện nay là dịch Covid-19 với việc thu thập mẫu vật, giải trình tự và phân tích các biến thể SARS-CoV-2 tại Việt Nam. Thời điểm này, trung tâm tập trung nghiên cứu đặc điểm sinh bệnh học, di truyền và kháng thuốc của các vi khuẩn gây nhiễm trùng cơ hội làm trầm trọng thêm triệu chứng của các bệnh nhân Covid-19 với mục đích cung cấp thông tin rõ hơn về dịch tễ và đặc điểm của các vi khuẩn này tại Việt Nam; đồng thời, kiến nghị các biện pháp đối phó phù hợp.

Phát triển các kit xét nghiệm-chẩn đoán cũng là một trong những định hướng nghiên cứu ưu tiên hàng đầu của RCID để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế của xã hội trong quá trình ứng phó dịch bệnh. Bước tiếp theo là đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu nắm bắt công nghệ hiện đại trong phát triển vắc-xin ngay từ năm đầu tiên.

RCID sẽ sử dụng công nghệ vắc-xin tiểu phần sẵn có để phát triển vắc-xin đa giá kháng cúm và SARS-CoV-2, tiến tới hoàn thiện công nghệ vắc-xin sau tạo kháng nguyên bao gồm đánh giá công thức, liều lượng, độ an toàn, hiệu quả của vắc-xin trên động vật thử nghiệm trong bốn năm tiếp theo. Song song với phát triển vắc-xin, trung tâm ưu tiên nghiên cứu tạo ra các sản phẩm phòng và chống tác nhân gây bệnh có thể thương mại hóa được bao gồm các sản phẩm kem bôi, xịt có hoạt tính kháng khuẩn, kháng vi-rút hay thực phẩm chức năng tăng cường sức đề kháng của cơ thể. RCID sẽ sử dụng các kinh nghiệm nghiên cứu sẵn có từ trước về chiết xuất dầu dừa để tạo chế phẩm bảo vệ phòng Covid-19; đồng thời, nghiên cứu các chiết xuất nấm nhầy, thảo dược, xạ khuẩn để phát triển các chế phẩm kháng khuẩn, kháng vi-rút trong các năm tới.

Trước đó, nhóm nghiên cứu thuộc Trường ĐHQT thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có một công trình thiết thực nhằm tìm ra các giải pháp hỗ trợ tích cực cho sinh viên chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo PGS, TS Nguyễn Phương Thảo, Trưởng nhóm nghiên cứu, dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tâm thần của các bạn sinh viên. Khảo sát của nhóm nghiên cứu được tiến hành trên nền tảng trực tuyến với sáu nội dung: Việc giảng dạy và đánh giá sinh viên trực tuyến; Tâm thần và sức khỏe của sinh viên trong giai đoạn Covid-19; Covid-19 và quan điểm của sinh viên về nghề nghiệp; Covid-19 và tài chính cá nhân, gia đình; Ý kiến về các chính sách hỗ trợ người học; Thông tin cá nhân. Kết quả khảo sát từ 37.150 sinh viên cho thấy, học tập trực tuyến tạo ra áp lực lớn nhất cho họ (chiếm tỷ lệ 65,1%).

Có gần 57% sinh viên khi được hỏi cho biết họ thiếu tập trung hoặc không có hứng thú trong học tập, sinh hoạt trong giai đoạn dịch bệnh kéo dài. Nỗi lo học phí chiếm tới 59% trong số các áp lực mà sinh viên đang gặp phải. Ngại giao tiếp, dễ cáu gắt, trí nhớ giảm sút cũng là những ảnh hưởng không mong muốn mà nhiều sinh viên gặp phải trong mùa dịch. Từ những trở ngại mà sinh viên gặp phải trong mùa dịch, nhóm nghiên cứu đã đề xuất bốn biện pháp giúp tăng cường sức khỏe tinh thần cho nhóm đối tượng này. Các thành viên trong nhóm cho rằng, điều các cơ sở giáo dục đại học cần làm bây giờ là tìm cách khai thác tốt những dịch vụ chăm sóc đời sống tâm thần cho sinh viên để khắc phục những hậu quả về phi vật chất do Covid-19 gây ra. Đồng thời, cần triển khai nhanh, trên diện rộng những chính sách hỗ trợ tài chính, gia hạn và tặng học bổng nhằm tạo điều kiện cho sinh viên gặp khó khăn vì Covid-19 yên tâm học tập vì tỷ lệ này khá cao.

Thấu hiểu khó khăn này, thời gian gần đây, nhiều trường đại học, cao đẳng tại TP Hồ Chí Minh đã thiết kế hàng loạt chương trình tư vấn tâm lý, sân chơi, mô hình giao lưu trực tuyến nhằm giảm bớt áp lực cho người học. Không chỉ trao tặng nhiều học bổng toàn phần, bán phần, giảm học phí cho sinh viên chịu ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19, nhiều trường còn hỗ trợ phục hồi sức khỏe tâm thần cho các trường hợp đặc biệt.

Ông Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Quốc tế TP Hồ Chí Minh cho biết: Nhà trường tập trung nhiều giải pháp thiết thực nhất để hỗ trợ sinh viên trước, trong và sau giai đoạn giãn cách. Học bổng Covid, chương trình hỗ trợ F0, các phần quà nhu yếu phẩm của trường vẫn được duy trì dù TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu giai đoạn bình thường mới. Chúng tôi còn yêu cầu giảng viên thay đổi cách dạy, cách đánh giá nhằm giảm tối đa áp lực học trực tuyến cho sinh viên, học sinh.

Bài và ảnh: GIA MỸ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/them-mo-hinh-ho-tro-phong-dich-covid-19-678569/