Thêm một công trình văn hóa ở xứ Trầm

Sáng 9-8, tại tổ 14 Lương Hải, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh đã diễn ra lễ khánh thành công trình đền thờ Trần Đường. Ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và đông đảo người dân đến dự.

Sáng 9-8, tại tổ 14 Lương Hải, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa đã diễn ra lễ khánh thành công trình đền thờ Trần Đường. Ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và đông đảo người dân đến dự.

Kết nối những giá trị lịch sử, văn hóa

Đền thờ Tổng trấn Trần Đường hoàn thành sau khoảng 1 năm thi công. Đền tưởng niệm danh nhân Trần Đường nằm trong khuôn viên chùa Lương Hải và cạnh mộ phần của ông. Công trình có diện tích khoảng 50m2, với kiến trúc dựa theo mẫu của chính điện chùa Lương Hải để phù hợp với cảnh quan xung quanh. Ngôi đền gồm 2 lầu 8 mái, xung quanh hành lang là dãy trụ tròn, mái đền lợp ngói âm dương, khoảng giữa các lầu có hình vẽ mô phỏng câu chuyện liên quan đến danh tướng Trần Đường. Tổng kinh phí xây dựng công trình khoảng 2 tỷ đồng, được sử dụng từ quỹ phát triển sự nghiệp của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh.

 Các đại biểu cắt băng khánh thành Đền thờ Trần Đường.

Các đại biểu cắt băng khánh thành Đền thờ Trần Đường.

Theo ông Nguyễn Đắc Tài, việc xây dựng công trình đền thờ danh nhân Trần Đường có ý nghĩa hết sức đặc biệt, bởi ông là nhân vật lịch sử kiệt xuất của quê hương Khánh Hòa vào cuối thế kỷ XIX. Sự hy sinh của ông là tấm gương oanh liệt và là biểu tượng của người dân Khánh Hòa trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng của các bậc tiền bối, tỉnh có chủ trương tu bổ, tôn tạo các di tích liên quan, trong đó có công trình xây dựng đền thờ danh nhân Trần Đường, kết hợp với việc tôn tạo mộ phần của ông. Việc xây dựng đền thờ đã nhận được sự đồng thuận cao của trụ trì chùa Lương Hải và người dân ở địa phương. Sau khi công trình đi vào hoạt động, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục quản lý di tích theo đúng quy định. Chính quyền huyện Vạn Ninh có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa và Thể thao, trụ trì chùa Lương Hải trong việc tổ chức giáo dục truyền thống đối với nhân dân, cũng như với thế hệ trẻ để làm sao phát huy giá trị di tích một cách hiệu quả.

Thêm một địa chỉ văn hóa

Công trình đền thờ danh nhân Trần Đường được hoàn thành và đi vào hoạt động đã trở thành một địa chỉ văn hóa có ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống, cũng như đáp ứng được nguyện vọng của người dân và con cháu trong dòng tộc. “Hôm nay, tôi rất xúc động khi được chứng kiến công trình đền thờ cụ Trần Đường được khánh thành. Từ bây giờ, con cháu trong dòng tộc đã có chỗ để đến dâng hương, cúng bái cụ vào những ngày lễ tết, giỗ chạp”, ông Trần Dư - cháu đời thứ 5 của danh nhân Trần Đường chia sẻ.

Sư cô Thích Nữ Từ Minh - trụ trì chùa Lương Hải cho rằng, việc xây dựng đền thờ danh nhân Trần Đường là rất cần thiết. Cụ là người sinh ra, lớn lên và có đóng góp cho chính quê hương mình nên việc hậu thế thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ đến cụ cũng là một điều hợp lẽ. Khi được Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đặt vấn đề về việc xây dựng đền thờ cụ trong khuôn viên chùa, nhà chùa rất sẵn lòng hiến một phần diện tích đất có vị trí đẹp để xây dựng đền. Công trình được hoàn thành có sự hài hòa về mặt kiến trúc với quần thể không gian của chùa; đặc biệt còn có sự kết nối những giá trị lịch sử, văn hóa và có giá trị giáo dục truyền thống sâu sắc.

Như vậy từ nay, quần thể di tích lưu niệm danh nhân Trần Đường gồm mộ phần và đền thờ đã được hoàn thiện, Đây là nơi sinh hoạt hội họp, tín ngưỡng của người dân địa phương, đồng thời là điểm tham quan đối với người dân và du khách thập phương.

Giang Đình

Danh nhân Trần Đường sinh năm 1839, người làng Hiền Lương (xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh), nay là tổ dân phố 14 Lương Hải (thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh). Hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, ông đã cùng các danh tướng Trịnh Phong, Nguyễn Khanh và một số sĩ phu yêu nước đứng lên chống thực dân Pháp ở vùng đất Khánh Hòa. Ông được phong làm Tổng trấn chỉ huy quân án ngữ vùng phía bắc Khánh Hòa gồm Ninh Hòa và Vạn Ninh. Dưới sự chỉ huy của ông, lực lượng chống thực dân Pháp đã chiến đấu oanh liệt, gây tổn thất nặng cho địch. Tuy nhiên, do tương quan lực lượng hai bên quá chênh lệch, nên quân Pháp đã đàn áp lực lượng khởi nghĩa cũng như người dân trong vùng. Năm 1886, quân Pháp kéo đến thôn Hiền Lương đốt phá, chém giết dân làng và bắt tất cả người trong họ tộc danh tướng Trần Đường làm con tin. Thương xót trước tính mạng bà con và dân làng, ông đã tự ra nạp mình để thế mạng cứu dân. Quân Pháp đã xử tử ông và bêu đầu 3 ngày mới cho mang thi hài về an táng. Hiện mộ phần của ông nằm trong khuôn viên chùa Lương Hải. Ông cùng với danh tướng Trịnh Phong, Nguyễn Khanh là những nhân vật được xưng tụng “Khánh Hòa tam kiệt”.

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/201908/them-mot-cong-trinh-van-hoa-o-xu-tram-8125198/