Thêm một cuốn sách nghiên cứu có giá trị về lịch sử Khánh Hòa

Đó là công trình “Đấu tranh quân sự ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)” của Tiến sĩ Hồ Hải Hưng được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản thành sách và phát hành vào cuối năm 2024.

" hideclass src="http://www.baokhanhhoa.vn/file/e7837c02857c8ca30185a8c39b582c03/022025/dau_tranh_20250202155507.jpg">

Sách gồm 4 chương. Cùng với nội dung mang tính giới thuyết, giúp cho bạn đọc có cái nhìn tổng quan trên lĩnh vực nghiên cứu về đấu tranh quân sự trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) của các nhà nghiên cứu trên phạm vi toàn quốc và tỉnh Khánh Hòa, chương 1 của cuốn sách đã góp phần làm sáng tỏ vai trò của Đảng bộ, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa trong quá trình lãnh đạo quần chúng nhân dân cùng các lực lượng vũ trang tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp, trong đó nổi bật lên những hoạt động đấu tranh quân sự.

Ở chương 2, bên cạnh việc đề cập đến vị trí địa lý có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng của tỉnh, tác giả lần lượt giới thiệu những chiến công oanh liệt của quân và dân Khánh Hòa kể từ khi quân Pháp thực hiện các hành động đánh chiếm Nha Trang - Khánh Hòa trong những ngày đầu kháng chiến cho đến cuối năm 1946.

Tiếp đó, ở chương 3, sách đề cập đến cuộc đấu tranh quân sự ở tỉnh Khánh Hòa từ năm 1947 đến năm 1954. Ở giai đoạn này, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thử thách khi phải đối phó với những âm mưu và thủ đoạn hết sức tinh vi và xảo quyệt của thực dân Pháp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Liên khu ủy và Tỉnh ủy, quân và dân Khánh Hòa đã đẩy mạnh chiến tranh du kích, từng bước làm thất bại chính sách “bình định”, đồng thời qua đó tập trung xây dựng lực lượng vũ trang ngày càng vững mạnh, tạo bước phát triển mới, chủ động tấn công địch, góp phần cùng cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược.

Ở chương 4, cũng là chương cuối của cuốn sách, tác giả đã nêu lên những đặc điểm, vai trò và một số kinh nghiệm trên lĩnh vực đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống thực dân Pháp ở Khánh Hòa. Đó là nghệ thuật chiến tranh toàn dân “lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh” mà lực lượng nòng cốt là bộ đội địa phương và dân quân du kích với trang bị vũ khí thô sơ, chưa dày dạn kinh nghiệm trận mạc nhưng luôn linh hoạt. Từ thực tiễn, nhiều bài học kinh nghiệm quý giá đã được đúc kết. Trong đó có bài học về phát huy tinh thần chủ động, tự lực, tự cường, bám sát tình hình, kịp thời chuyển hóa thế trận kháng chiến; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân phù hợp với điều kiện của chiến trường địa phương làm nòng cốt cho đấu tranh quân sự; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị và binh vận để nâng cao hiệu quả của đấu tranh quân sự…

“Đấu tranh quân sự ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)” của Tiến sĩ Hồ Hải Hưng không chỉ là một công trình nghiên cứu lịch sử chuyên sâu, cung cấp những tư liệu quý báu, góp phần làm rõ vai trò của Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Pháp, mà còn giới thiệu những bài học kinh nghiệm mang tính thực tiễn đáp ứng công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước trong thời kỳ mới.

LÂM TƯỜNG VY

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202502/them-mot-cuon-sach-nghien-cuu-co-gia-tri-ve-lich-su-khanh-hoa-d88381d/