Thêm một kênh để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
Thành phố Hà Nội đang triển khai Đề án thí điểm thi tuyển 86 chức danh tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân (UBND) quận, huyện, thị xã và đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố Hà Nội. Đây là việc làm cần thiết, khẳng định quyết tâm của thành phố nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong tình hình mới.
Theo Quyết định số 494/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, sẽ có 86 chức danh thí điểm thi tuyển tại sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố trong năm 2022, gồm chức danh trưởng phòng, chi cục trưởng, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố.
49 đơn vị tham dự Đề án thí điểm đợt này sẽ tổ chức thi tuyển, lựa chọn nhiều vị trí quan trọng. Khối sở, ban, ngành có: Trưởng phòng Ngân sách cấp huyện, xã (Sở Tài chính); Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trưởng phòng Quản lý Xây dựng công trình (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn); Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Sở Xây dựng); Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ); Giám đốc Ban Quản lý đồ án Quy hoạch kiến trúc (Sở Quy hoạch kiến trúc)…
Khối các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố có các chức danh sẽ thi tuyển: Trưởng phòng Bảo quản trưng bày (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long); Chánh Văn phòng (Viện Quy hoạch xây dựng); Trưởng phòng Kỹ thuật-Thẩm định, Trưởng phòng Kế hoạch và chuẩn bị đầu tư (Ban Quản lý Đường sắt đô thị); chức danh Chánh Văn phòng, Trưởng phòng Giám sát 3 tại Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Công trình giao thông thành phố…
Tại khối quận, huyện, chức danh được lựa chọn để thi tuyển đợt này phần lớn tập trung vào khối giáo dục gồm Hiệu trưởng các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn. Đến thời điểm này, các bước, quy trình thi tuyển đã được phân cấp về lãnh đạo các sở, ban, ngành. Tùy theo thực tế đơn vị, lãnh đạo các sở, ban, ngành sẽ tổ chức thời điểm thi tuyển, chịu trách nhiệm về kết quả.
Đại diện UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết: Qua rà soát, trong năm 2022, quận đã đăng ký thi tuyển hai chức danh gồm Trưởng phòng Y tế và Hiệu trưởng Trường tiểu học Cổ Nhuế. Bám sát các hướng dẫn của thành phố và Sở Nội vụ, quận đang tiến hành Hội đồng thi tuyển và bộ phận giúp việc Hội đồng để tổ chức thi tuyển. Tương tự, tại Thạch Thất công tác chuẩn bị để thi tuyển hai chức danh: Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị và Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đang được tiến hành triển khai kỹ lưỡng.
Theo bà Vũ Thu Hà, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, để bảo đảm sự khách quan, minh bạch, việc tổ chức thực hiện thí điểm thi tuyển sẽ tuân thủ năm nguyên tắc. Trong đó cấp ủy thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo về mọi mặt của việc thực hiện thí điểm và quyết định lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, chức danh thực hiện thí điểm đổi mới phương thức tuyển chọn thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý. Chỉ thực hiện việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý đối với trường hợp bổ nhiệm lần đầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Khi tổ chức thi tuyển phải có từ hai người trở lên tham gia dự tuyển vào một chức danh tuyển chọn.
Hai nhóm đối tượng có thể tham gia dự tuyển gồm đối tượng đăng ký tham gia dự tuyển và đối tượng được đề cử tham gia dự tuyển. Trước tiên, người dự tuyển sẽ thực hiện phần thi viết, những ai đạt 50 điểm trở lên mới được tiếp tục tham gia phần thi thứ hai là trình bày đề án. Đáng lưu ý, ở phần thi thứ hai, ngoài những kiến thức chung về nội dung tham gia thi tuyển, người dự tuyển sẽ phải thể hiện kỹ năng trình bày, giao tiếp, ứng xử, giải quyết tình huống quản lý, phong cách lãnh đạo.
Đồng thời trả lời các câu hỏi chất vấn của hội đồng thi tuyển. Người có số điểm thi trình bày đề án cao nhất sẽ được người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh xem xét, tuyển chọn. Sau một năm thực hiện thí điểm, các đơn vị sẽ báo cáo kết quả gửi về UBND thành phố để rút kinh nghiệm triển khai trong các năm tiếp theo.
Việc thành phố Hà Nội tổ chức thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý trong thời điểm hiện nay là cần thiết, phù hợp với xu hướng hiện nay để nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ. Bởi qua thi tuyển sẽ tạo ra sự cọ xát, khẳng định một cách khách quan về năng lực cán bộ. Hình thức thi tuyển cũng góp phần tạo động lực cho cán bộ, viên chức phấn đấu để có cơ hội tham gia công tác lãnh đạo, quản lý. Tránh được tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm vị trí lãnh đạo.
Tuy nhiên, để việc thí điểm thi tuyển các chức danh đạt hiệu quả cao, ngoài việc làm rõ các tiêu chí về phẩm chất, quản lý, chuyên môn của người dự thi cần bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức. Quan trọng hơn, sau khi các ứng viên trúng tuyển và được bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo, các cơ quan chủ quản cần tiếp tục có đánh giá năng lực trong quá trình thực thi nhiệm vụ để tìm ra được những cán bộ có năng lực thật sự, ‘‘nói đi đôi với làm’’. Thiết nghĩ, thành phố nên xây dựng chế tài phù hợp đối với những trường hợp dù đã qua thi tuyển nhưng không đáp ứng được yêu cầu khi thực thi nhiệm vụ.