Thêm một năm học nhiều khó khăn, thách thức
Năm học 2020-2021 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước. Dịch bệnh đã gây ra muôn vàn khó khăn, vất vả cho giáo viên, học sinh cũng như công tác tổ chức, quản lý hoạt động dạy và học.
Tại Gia Lai, mặc dù tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt 97,98% nhưng điều đó không phản ánh toàn diện chất lượng giáo dục. Trên thực tế, hoạt động dạy và học thời gian qua bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những thời điểm tạm dừng đến trường để phòng-chống dịch bệnh; rồi hàng loạt hoạt động ngoại khóa, bồi dưỡng kỹ năng mềm, vui chơi giải trí dành cho học sinh bị cắt giảm do dịch bệnh... Đặc biệt, dịch bệnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, tình cảm của không ít học sinh.
Theo dự báo, năm học 2021-2022 cũng sẽ tiếp tục đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 mang lại. Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 do UBND tỉnh ban hành, thời gian tựu trường của học sinh là ngày 1-9, riêng đối với lớp 1 vào ngày 23-8. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, năm nay, lễ khai giảng sẽ được tổ chức vào ngày 5-9 với hình thức không tập trung; các cơ sở giáo dục sẽ bắt đầu tổ chức dạy và học từ ngày 6-9.
Để ứng phó với tình hình dịch bệnh, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chủ động xây dựng các kịch bản phù hợp với tình hình thực tế. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, Sở GD-ĐT đã đưa ra 2 hình thức tổ chức dạy và học cho năm học mới. Theo đó, ở những nơi dịch Covid-19 được kiểm soát thì tổ chức dạy học tập trung nhưng phải đảm bảo tuyệt đối các yêu cầu về phòng dịch. Cụ thể là tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh phải khai báo y tế trung thực trước khi đến trường; đeo khẩu trang trong lớp học, đảm bảo nguyên tắc 5K+vắc xin. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục phải đánh giá mức độ an toàn phòng dịch Covid-19 trong trường học. Ở những nơi chưa kiểm soát được dịch bệnh thì sẽ tổ chức dạy học trực tuyến phù hợp với đặc thù của từng cấp học và điều kiện của địa phương. Với những cơ sở không đủ điều kiện triển khai dạy học trực tuyến thì áp dụng kết hợp các biện pháp để truyền tải nội dung kiến thức đến từng học sinh.
Về lý thuyết, việc sử dụng 2 hình thức tổ chức dạy-học này là phù hợp với tình hình hiện nay. Ngoài 2 hình thức này thì cũng không còn phương thức nào khả dĩ hơn! Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức. Trước hết, với điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn như Gia Lai thì không phải cơ sở giáo dục nào cũng có thể tổ chức dạy-học trực tuyến, đặc biệt là những trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Giả sử các trường học đảm bảo tổ chức dạy trực tuyến thì chưa chắc học sinh có đủ trang-thiết bị để tham gia hoạt động này. Bên cạnh đó, một câu hỏi đặt ra là: Liệu học sinh cấp Tiểu học có phù hợp với hình thức dạy-học trực tuyến? Rồi việc tổ chức nuôi dạy ở bậc học Mầm non sẽ như thế nào? Thực tế công tác tổ chức dạy-học trực tuyến trong thời gian qua ở các đô thị lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... cũng đã gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, việc áp dụng kết hợp các biện pháp để truyền tải nội dung kiến thức đến từng học sinh là “bài toán” rất khó đối với giáo viên hiện nay!
Dự báo những khó khăn, thách thức trong năm học mới không có nghĩa là thoái chí, là đầu hàng dịch bệnh. Với phương châm vừa chống dịch, vừa tổ chức dạy-học hiệu quả, ngành GD-ĐT buộc phải tìm ra các giải pháp ưu việt nhất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2021-2022. Muốn làm được điều đó, theo chúng tôi, ngay từ đầu năm học mới, ngành GD-ĐT cần phát động phong trào thi đua sáng tạo nhằm đúc kết những mô hình hay, phương thức tổ chức dạy-học hiệu quả để có thể “sống chung” an toàn với dịch bệnh trong thời gian tới.