Thêm một người thân

Hơn hai mươi năm thân nhau, chưa một lần cãi cọ, thương nhau như ruột thịt. Tôi và Diệu đã có tình bạn như thế. Đến tận bây giờ, khi một đứa trụ lại thành phố, đứa về quê, cả hai đều bận bịu gia đình riêng, chúng tôi vẫn giữ mối liên lạc thân tình, bền chặt như thuở còn son.

Năm đó, tôi mười tám tuổi, ngơ ngác bước vào dây chuyền sản xuất của một nhà máy Nhật Bản. Tôi được xếp gần một người mới như mình, tóc quăn, dáng người nhỏ xíu, nét quê mùa lộ ra từ cái móng tay đến sợi thun cột tóc. Vì là người mới như nhau nên chúng tôi nhanh chóng trở nên thân thiết. Hai đứa đứng gần nhau từ đầu chuyền đến cuối chuyền, chờ nhau đi chung những ngày làm ca ba, cùng ngồi bệt xuống sàn, dựa vào vai nhau ngủ sau bữa cơm trưa vội vã.

Một hôm đang kiểm hàng, Diệu ngẩng đầu lên nói với tôi muốn thi đại học. Như thần giao cách cảm, tôi cũng tính rủ Diệu đi học lại. Vậy là hai đứa bắt đầu một hành trình mới cùng nhau. Diệu đăng ký thi y dược, còn tôi thi kinh tế. Chúng tôi chia nhau từng ổ bánh mì, gói xôi mặn để tan lớp kịp vào ca, chia nhau cả nỗi mặc cảm của hai cô công nhân mặc đồng phục trong lớp luyện thi.

Kỳ thi năm đó tôi đậu, còn Diệu thì không.

Nhà tôi nghèo, mà sinh viên đi học đâu chỉ có học phí và tiền ăn. Diệu như biết được nỗi lo của tôi nên dặn hết tiền cứ nói, bạn sẽ cho mượn. Vậy là suốt bốn năm đại học, tiền mua máy vi tính, tiền học tiếng Anh của tôi, tất cả từ chỗ Diệu mà ra. Tôi ngại vì bạn làm công nhân tiền lương không cao lại vất vả, nhưng Diệu gạt đi, như dồn ước mơ của bạn vào tôi…

Tôi ra trường đi làm, có dịp đều về thăm Diệu. Tình bạn của chúng tôi không vì khoảng cách địa lý mà xa nhau. Rồi chúng tôi lần lượt lấy chồng và thỉnh thoảng vẫn sang nhà nhau chơi. Diệu vẫn làm công nhân, mãi không lên tổ trưởng. Bạn bè thắc mắc, tôi với Diệu khác nhau, khoảng cách ngày càng xa như vậy có chuyện gì để nói. Nhưng họ thật sự không biết, chúng tôi từ lâu đã vượt qua ranh giới bạn bè. Tôi và Diệu như chị em ruột thịt, gắn bó có nhau.

Khi Diệu có bầu đứa con đầu lòng, biết tin tôi rất mừng. Tôi xung phong chở bạn đi khắp nơi từ khám thai, sắm đồ em bé và cả đi sinh. Rồi khi bé bị bệnh, biết bạn kinh tế khó khăn, tôi sắp xếp công việc đến chở hai mẹ con đi khám bệnh, rồi âm thầm đóng viện phí... Diệu nói, cảm ơn tôi thật nhiều, nhưng ơn của Diệu với tôi còn lớn hơn thế rất nhiều.

Sau dịch Covid-19, vợ chồng Diệu bị làn sóng thất nghiệp đánh dạt về quê. Những ngày đầu khó khăn khi về quê lập nghiệp Diệu gọi cho tôi tâm sự; lúc gầy dựng được cái này cái kia, có chút thành quả Diệu cũng gọi cho tôi. Chúng tôi cứ thế cùng nhau chia sẻ khó khăn về vật chất lẫn tinh thần, động viên nhau tiến lên phía trước. Chúng tôi tin tưởng, tôn trọng, khắng khít với nhau như có thêm một người thân trong gia đình mình vậy.

Vĩ Nguyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/160875/them-mot-nguoi-than