Thêm một thủ tướng Nhật Bản không vượt qua 'lời nguyền Olympic'
Trong quá khứ, mỗi khi Olympic được tổ chức ở Nhật Bản, các thủ tướng đều từ chức sau khi giải đấu kết thúc và Thủ tướng Yoshihide Suga là người mới nhất lặp lại lịch sử.
Nhật Bản từng 4 lần đăng cai Olympic vào năm 1964, 1972, 1998 và 2020, nhưng có một điều kỳ lạ là các thủ tướng ở mỗi kỳ Olympic đều từ chức sau khi giải đấu kết thúc.
Đương kim Thủ tướng Yoshihide Suga là người mới nhất không thể vượt qua được cái “dớp” của những người tiền nhiệm.
Nhiệm kỳ chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Thủ tướng Suga sẽ kết thúc vào tháng 9 và ông tuyên bố không tranh cử chức chủ tịch đảng. Người nắm giữ chức vụ chủ tịch đảng cầm quyền sẽ là thủ tướng Nhật Bản.
Sự tín nhiệm ở mức thấp
Thủ tướng Suga từng kỳ vọng Olympic Tokyo sẽ thúc đẩy uy tín của nội các do ông nắm quyền trong cuộc bầu cử Hạ viện vào tháng 10 tới, cũng như cuộc bầu cử chức chủ tịch LDP vào cuối tháng 9.
Tuy nhiên, số ca mắc Covid-19 liên tục tăng, kết hợp với một bộ phận công chúng chỉ trích việc tổ chức Olympic ở thời điểm Tokyo đang trong tình trạng khẩn cấp vì đại dịch Covid-19 đã gây nhiều áp lực cho chính quyền Thủ tướng Suga.
Trong cuộc thăm dò dư luận do truyền thông Nhật Bản thực hiện vào tháng 7, sự tín nhiệm đối với nội các Thủ tướng Suga ở mức thấp nhất từ trước đến nay.
Trong cuộc phỏng vấn trên tạp chí Sports Hochi vào ngày 20/7, Thủ tướng Suga nói: "Tôi muốn tạo ra một giải đấu mà mọi người cuối cùng sẽ nói là một kỳ Olympic thành công".
Nhưng một nguồn tin trong đảng LDP nói trước khi Olympic khai mạc rằng: "Tôi tự hỏi liệu chúng ta có đi đến cuối cùng của giải đấu và số người mắc Covid-19 có ít hơn những gì chúng ta mong đợi. Nếu số ca nhiễm hàng ngày ở Tokyo lên mức 3.000-4.000 người, ông ấy có thể phải từ chức".
Số ca nhiễm hàng ngày ở Tokyo đạt mức 4.058 ca vào ngày 31/7. Đến ngày 4/8, số ca nhiễm thiết lập một kỷ lục mới 4.166 ca. Đến ngày 21/8, số ca mắc mới đạt mức kỷ lục 5.074 ca.
Theo số liệu của Bộ Y tế Nhật Bản, số ca mắc Covid-19 ở Tokyo ngày 2/9 đã giảm xuống còn 3.099 ca.
Năm Olympic luôn "đen tối"
Không chỉ Thủ tướng Suga phải đối mặt với những khó khăn sau khi Olympic kết thúc, trước đó, 3 người tiền nhiệm của ông đã từ chức sau khi giải đấu kết thúc ở Nhật Bản.
Ở Olympic năm 1964 diễn ra tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Hayato Ikeda đã quyết định sử dụng Olympic như một công cụ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ông Ikeda đã thúc đẩy các dự án đường sắt cao tốc Tokaido Shinkansen và hệ thống tàu điện ngầm ở Tokyo.
Olympic 1964 được xem là biểu tượng cho thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao của Nhật Bản. Nhưng chỉ một tháng trước khi Olympic khai mạc, Thủ tướng Ikeda phải nhập viện và được chẩn đoán mắc ung thư.
Thủ tướng Ikeda vẫn đến dự lễ khai mạc với sự cho phép của các bác sĩ. Một ngày sau khi giải đấu kết thúc, Thủ tướng Ikeda tuyên bố từ chức. Ông qua đời một năm sau đó.
Người phải ra đi tiếp theo sau một kỳ Olympic là Thủ tướng Eisaku Sato, người đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình để giành lại quyền kiểm soát quần đảo Okinawa từ Mỹ. Một ngày sau khi cuộc họp Quốc hội Nhật Bản kết thúc vào tháng 6/1972, Thủ tướng Sato tuyên bố từ chức. Tuy nhiên, việc giành lại quyền kiểm soát Okinawa đã trở thành một thành tựu lớn giúp kết thúc nhiệm kỳ kéo dài 7 năm 8 tháng của ông.
Đó cũng là năm Nhật Bản đăng cai Olympic mùa đông ở Sapporo (tháng 2).
Ở Olympic mùa đông năm 1998 diễn ra tại Nagano, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Ryutaro Hashimoto xem giải đấu là một cơ hội để phục hồi nền kinh tế đang có dấu hiệu sa sút của Nhật Bản.
Chính quyền Thủ tướng Hashimoto đã dành nhiều ưu tiên cho các hoạt động tổ chức Olympic. Nhưng đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đã thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Hạ viện vào tháng 5/1998. Thủ tướng Hashimoto đã từ chức để nhận trách nhiệm về những thất bại của LDP.
Ngay cả những năm Olympic được lên kế hoạch tổ chức tại Nhật Bản, nhưng giải đấu không diễn ra, việc từ chức của các thủ tướng vẫn xảy ra. Thủ tướng Shinzo Abe đã từ chức vào tháng 8/2020 với lý do sức khỏe, khi Olympic Tokyo 2020 bị hoãn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Olympic mùa hè và Olympic mùa đông năm 1940 dự kiến tổ chức tại Tokyo và Sapporo đã bị hoãn do Thế chiến II, cũng chứng kiến 2 lần nước Nhật thay đổi thủ tướng.