Thêm mùa mía ngọt

Niên vụ 2023-2024, Công ty cổ phần mía đường Sơn La tiếp tục ổn định vùng nguyên liệu 9.144 ha mía, sản lượng năm nay ước đạt 650.000 tấn. Từ đầu tháng 12/2023 đến nay, trên khắp những đồng mía của các huyện Yên Châu, Mai Sơn, Bắc Yên và Thành phố, hàng nghìn hộ nông dân hối hả vào mùa thu hoạch. Mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng với các chính sách hỗ trợ kịp thời và nâng giá thu mua lên hơn 1.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người trồng mía vẫn thu về từ 50-60 triệu đồng/ha.

Nông dân xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu thu hoạch mía nguyên liệu.

Nông dân xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu thu hoạch mía nguyên liệu.

Vượt tuyến đường đất vừa mới được máy xúc san gạt và mở rộng, anh Lò Văn Sốm, cán bộ khuyến nông Công ty cổ phần mía đường Sơn La đưa chúng tôi lên nương mía của gia đình anh Hà Văn Cường, bản Thàn, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu. Hơn hai chục người trong tổ đổi công người chặt, người bó, người chuyển mía xuống đường để xe tải vào chở về nhà máy. Dừng tay chặt mía, anh Cường chia sẻ: Gia đình có 1,5 ha đất nương, từ năm 2020 trở về trước trồng một loại cây không hiệu quả, sau đó cùng với các hộ trong bản, gia đình đã quyết định ký hợp đồng trồng mía nguyên liệu với Công ty cổ phần mía đường Sơn La, sau 3 vụ mía, trung bình mỗi năm trừ chi phí 1,5 ha cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Để bảo đảm thu mua hết mía nguyên liệu và đáp ứng công suất 5.000 tấn/ngày, Công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng bảo dưỡng, thay thế, nâng cấp thiết bị, dây chuyền sản xuất và hệ thống xử lý nước thải. Năm 2023, Công ty đã đầu tư mới hệ thống vớt tro, nhằm bảo đảm thu hồi tối đa lượng tro phát sinh và tái sử dụng. Đồng thời, lắp camera giám sát tại các hồ chứa nước thải và truyền trực tiếp về sở Tài nguyên và Môi trường để cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát. Đồng thời, tiếp tục thực hiện phương châm “bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người trồng mía”, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nông dân phát triển vùng nguyên liệu; xây dựng mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân trồng mía.

Nông dân bản Thàn, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu thu hoạch mía nguyên liệu.

Nông dân bản Thàn, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu thu hoạch mía nguyên liệu.

Đáp ứng nguyên liệu phục vụ dây chuyền sản xuất 5.000 tấn mía cây/ngày, Công ty đã tạo điều kiện cho con em nông dân trồng mía tham gia dịch vụ vận chuyển mía. Trong đó, nhiều hộ dân có diện tích và sản lượng mía lớn đã đầu tư mua xe vận chuyển mía, vừa tăng thu nhập vừa giải quyết được việc làm, mía được thu mua đúng thời vụ, bảo đảm chất lượng. Anh Lò Văn Châu, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, thông tin: Gia đình có hơn 2 ha mía, mấy năm trước, gia đình đã đầu tư mua xe tải và ký hợp đồng vận chuyển mía với Công ty và cam kết chấp hành quy định về an toàn giao thông, không chở quá tải trọng, có bạt phủ che chắn, không để mía rơi vãi trên đường.

Bên cạnh đó, để giữ vững vùng nguyên liệu, Công ty thường xuyên tổ chức hội thảo, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật thâm canh, phòng chống sâu bệnh. Phối hợp với chính quyền các xã, ban quản lý các bản vận động người trồng mía áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất, thành lập tổ đổi công để tiết kiệm chi phí thuê nhân công, giảm giá thành sản xuất, tăng thêm thu nhập.

Mía được đưa vào dây chuyền sản xuất tại Nhà máy mía đường Sơn La.

Mía được đưa vào dây chuyền sản xuất tại Nhà máy mía đường Sơn La.

Đối với các vùng nguyên liệu ở xa, như Chiềng Sại, Hua Nhàn, huyện Bắc Yên; vùng cao Pá Hốc, huyện Yên Châu; Phiêng Pằn, Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn, ngoài chính sách ứng trước vật tư, tiền vốn cho nông dân, Công ty đã cử cán bộ kỹ thuật xuống từng bản hướng dẫn hộ nông dân kỹ thuật sản xuất, vận động bà con trồng các giống mía có năng suất và chất lượng cao.

Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần mía đường Sơn La, cho biết: Mỗi năm Công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng hỗ trợ nông dân trồng mía công làm đất, làm đường, phân bón. Cây mía đã trở thành cây chủ lực trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 10.000 hộ nông dân trên địa bàn huyện Mai Sơn, Yên Châu, Bắc Yên và Thành phố.

Hiện nay, 100% số hộ tham gia liên kết trồng mía với Công ty cổ phần mía đường Sơn La đã thoát nghèo, nhiều hộ giàu lên từ cây mía. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, tham gia các hoạt động xã hội, nhằm giúp cho cộng đồng trong vùng quy hoạch đều được hưởng lợi, giữ vững mối liên kết giữa doanh nghiệp và người trồng mía.

Bài, ảnh: Ngọc Thuấn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/them-mua-mia-ngot-kuluiH5Ig.html