Thêm nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho giao dịch ngân hàng
Theo quy định tại Thông tư 18/2024/TT-NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng và Công văn 1099/NHNN-TT ngày 19/02/2025 của NHNN, kể từ ngày 1/7/2025, toàn bộ thẻ ATM sử dụng công nghệ từ sẽ bị ngừng chấp nhận giao dịch trên toàn hệ thống ngân hàng.
Chính thức “khai tử” thẻ từ
Quy định này áp dụng với tất cả các loại thẻ có dải từ, bao gồm cả thẻ chỉ có dải từ và thẻ kết hợp chip với từ. Đại diện một số ngân hàng chia sẻ, thẻ từ là thẻ có chứa dải băng từ với nhiệm vụ lưu trữ thông tin đã được mã hóa của khách hàng. Dữ liệu trên thẻ từ được lưu trữ cố định trên dải từ (mặt sau thẻ) và chỉ được mã hóa một lần, vì vậy dễ dẫn đến rủi ro đánh cắp thông tin thẻ. Trong khi đó, với thẻ chip, thông tin của chủ thẻ đã được mã hóa dưới dạng dãy ký hiệu kiểu hệ nhị phân của máy tính. Chip thông minh được gắn trên bề mặt thẻ, mọi dữ liệu khách hàng và mật mã được thay đổi theo mỗi giao dịch, độ bảo mật cao, từ đó ngăn chặn sao chép, đánh cắp thông tin và gian lận. Thẻ chip cũng có tính năng chuyển mạch thẻ quốc tế cho phép khách hàng sử dụng thẻ nội địa thực hiện giao dịch xuyên quốc gia tại Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Lào...
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, sau khi đánh giá, NHNN nhận thấy nhiều tổ chức tội phạm vẫn đang lợi dụng việc sử dụng thẻ từ để thực hiện hành vi đánh cắp dữ liệu qua hình thức skimming tại các máy ATM. Trên cơ sở đó, NHNN quyết định chấm dứt hoàn toàn việc chấp nhận thẻ từ trong giao dịch từ ngày 1/7/2025. “Với công nghệ của thẻ chip, kẻ gian sẽ không thể lấy cắp được thông tin khách hàng giao dịch qua các máy tự động, POS. Điều này góp phần tạo sự yên tâm, an ninh và an toàn cho khách hàng khi thanh toán”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo thống kê của NHNN, tính đến cuối tháng 5, toàn hệ thống còn khoảng 8 triệu thẻ từ (bao gồm thẻ ATM, thẻ tín dụng...). Tuy nhiên, trong số đó chỉ có khoảng 14% thẻ phát sinh giao dịch, còn lại là thẻ “ngủ đông” không hoạt động. Do đó, thực tế, chỉ còn khoảng 1 triệu thẻ sử dụng công nghệ từ đang hoạt động, tương đương 1% cần chuyển đổi.
Việc số thẻ từ giảm mạnh trước giờ G có đóng góp quan trọng từ công tác truyền thông tới khách hàng của ngân hàng. Trong thời gian qua, các nhà băng đã liên tục ra thông báo khuyến khích khách hàng chuyển đổi thẻ từ hiện có sang thẻ chip hoặc thẻ chip không tiếp xúc (contactless) để không gián đoạn giao dịch.
Việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip được các ngân hàng triển khai miễn phí theo 3 hình thức chính gồm: đổi trực tiếp tại chi nhánh/phòng giao dịch, khách hàng chỉ cần mang theo CCCD đến điểm giao dịch gần nhất để được hỗ trợ làm thủ tục. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng hiện đã tích hợp tính năng đăng ký đổi thẻ online trong app ngân hàng trên điện thoại, cho phép chuyển đổi online và được nhận thẻ tại nhà hoặc lấy tại quầy. Ngoài ra, khách hàng có thể gọi đến tổng đài chăm sóc khách hàng của ngân hàng để được tư vấn và hướng dẫn đổi thẻ…

Ngành Ngân hàng triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn cho giao dịch của khách hàng
Yêu cầu doanh nghiệp xác thực sinh trắc học để ngăn chặn lừa đảo
Một trong những quy định cũng có hiệu lực từ 1/7 đó là các tổ chức, doanh nghiệp và hộ kinh doanh bắt buộc phải hoàn tất xác thực sinh trắc học người đại diện hoặc người được ủy quyền để thực hiện các giao dịch chuyển tiền, rút tiền hay thanh toán điện tử. Quy định này được đánh giá là biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn lừa đảo qua tài khoản doanh nghiệp.
Chia sẻ về việc cập nhật sinh trắc học đối với khách hàng doanh nghiệp, đại diện nhiều ngân hàng cho biết, việc xác thực sinh trắc học cho tài khoản doanh nghiệp không phát sinh vướng mắc. Đặc biệt, sau khi ngân hàng phát cảnh báo, tỷ lệ cập nhật sinh trắc học đã tăng mạnh. Số liệu thống kê từ NHNN cho thấy, đến cuối tháng 5/2025, cả ngành Ngân hàng đã có hơn 113 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân và 711 nghìn hồ sơ khách hàng tổ chức được đối chiếu sinh trắc học qua CCCD gắn chip hoặc VneID. Thực tế, từ khi các ngân hàng đồng loạt áp dụng xác thực sinh trắc cho các giao dịch giá trị cao, tỷ lệ lừa đảo “mạo danh người thật” đã giảm rõ rệt - nhiều tổ chức tín dụng ghi nhận số vụ gian lận danh tính giảm hơn 40% chỉ sau 6 tháng triển khai.
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, NHNN nhận thức được tình trạng lừa đảo trên không gian mạng ngày càng gia tăng với những hoạt động khó lường. Vì thế, NHNN luôn quán triệt nhiệm vụ phải làm sạch dữ liệu, xác minh, đối chiếu thông tin sinh trắc học của khách hàng với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư. Các chuyên gia bảo mật cũng khẳng định, phương thức xác thực sinh trắc học mạnh mẽ hơn so với các biện pháp truyền thống như mật khẩu hay mã OTP. Theo quy định trước đây, khách hàng chỉ cần xác thực bằng SMS OTP, hoặc thẻ ma trận OTP, hay token OTP loại cơ bản không có chức năng xác thực người dùng sử dụng token. Vì vậy, nguy cơ cao bị tội phạm lừa đảo, đánh cắp OTP để thực hiện giao dịch gian lận, chiếm đoạt tiền.
Còn việc đối chiếu thông tin khách hàng với dữ liệu CCCD giúp ngân hàng xác minh chính xác chủ thể giao dịch. Trường hợp thông tin không trùng khớp, giao dịch sẽ bị từ chối, qua đó ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo.
Chuyên gia bảo mật Vũ Ngọc Sơn, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia nhận định, đăng ký và chuyển tiền với xác thực sinh trắc học bằng CCCD gắn chip sẽ không có nhiều tài khoản ngân hàng ảo. Hơn nữa, cơ quan chức năng đã có căn cứ để truy vết tội phạm, thu hồi dòng tiền bất hợp pháp bởi những giao dịch lừa đảo chuyển khoản thành công với số tiền lớn.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã xây dựng kho dữ liệu tài khoản nghi ngờ lừa đảo. Hiện kho dữ liệu này thu thập được hơn 350.000 tài khoản nghi ngờ gian lận. Đây là các tài khoản khách hàng được tất cả các ngân hàng đánh giá và gửi về NHNN theo quy định. Khi khách hàng chuyển tiền vào những tài khoản có dấu hiệu nghi ngờ này, ngay lập tức ứng dụng ngân hàng sẽ cảnh báo để khách hàng cân nhắc việc chuyển khoản.
Hiện tại cũng có một số ngân hàng thí điểm triển khai dịch vụ này. Đơn cử, BIDV đã triển khai tính năng phát hiện, cảnh báo tự động các giao dịch nghi ngờ, lừa đảo từ ngày 01/4/2025. Kết quả khá tích cực khi sau 1 tháng ngân hàng khi phát hiện đến 40.000 giao dịch chuyển số tiền 160 tỷ đồng bị cảnh báo nên được ngăn chặn nhờ tính năng này. Sau BIDV, Vietcombank cũng vừa thông báo về việc triển khai thử nghiệm tính năng tự động cảnh báo tài khoản nhận tiền có dấu hiệu nghi ngờ gian lận, lừa đảo. Một số ngân hàng khác cũng cho biết sẽ triển khai tính năng trên trong thời gian tới như MB, Vietinbank, Agribank. Theo lãnh đạo NHNN, sau một thời gian các ngân hàng trên thực hiện, NHNN sẽ đánh giá và rút ra kinh nghiệm, tiếp đó mở rộng cho các ngân hàng khác tham gia.