Thêm nhiều công trình giao thông phục vụ dân sinh

Trong những ngày vừa qua, nhiều công trình cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ ở TPHCM đã và đang chạy nước rút về đích. Nhiều công trình được đưa vào khai thác phục vụ dân sinh.

Đường Tô Ký, huyện Hóc Môn đã được nâng cấp, mở rộng. Ảnh: CAO THĂNG

Đường Tô Ký, huyện Hóc Môn đã được nâng cấp, mở rộng. Ảnh: CAO THĂNG

Nút giao thông 3 tầng An Sương

Với việc thông xe nhánh hầm N2 thuộc dự án xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương vào ngày 15-7, ngã tư An Sương chính thức trở thành nút giao thông 3 tầng hoàn thiện tại cửa ngõ Tây Bắc TPHCM.

Nhánh hầm N2 dài 385m, hướng từ huyện Củ Chi đi vào trung tâm thành phố. Cũng như nhánh hầm N1, nhánh hầm N2 rộng 9m đáp ứng 2 làn xe lưu thông. Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, chủ đầu tư dự án, việc hoàn thành nhánh hầm N2 sau 5 tháng thi công đòi hỏi cố gắng lớn, vì công trình cùng lúc triển khai thi công nhiều gói thầu trong khu vực có mật độ giao thông dày đặc. Phải vừa thi công, vừa đảm bảo an toàn giao thông, trong khi bản thân gói thầu xây dựng hầm chui có quy mô và tính chất phức tạp, đòi hỏi phải có các loại thiết bị đặc thù, kích thước lớn. “Vượt qua những khó khăn đó, nhánh hầm N2 đã hoàn thành, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, mỹ quan”, ông Phúc nói.

Trước đó, nhánh hầm N2 dài 445m, hướng từ trung tâm thành phố đi huyện Củ Chi được khởi công hồi tháng 3-2017 và hoàn thành, thông xe vào tháng 3-2018.

Trong 3 tầng của nút giao thông An Sương, tầng hầm dành cho xe lưu thông theo hướng từ đường Trường Chinh qua quốc lộ 22 và ngược lại; tầng giữa trên mặt bằng nút giao có đảo tròn trung tâm kết hợp hệ thống đèn tín hiệu giao thông, dành cho xe đi vào vòng xuyến rẽ trái, rẽ phải về các hướng; tầng trên cùng là cầu vượt dành cho xe đi thẳng theo hướng quốc lộ 1. Nhờ nút giao thông 3 tầng, giảm thiểu giao cắt giữa các luồng xe, nên kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông ở trọng điểm giao thông này.

Nâng cấp, mở rộng đường Tô Ký

Sáng 3-10, các cơ quan chức năng đã khánh thành công trình nâng cấp, mở rộng đường Tô Ký, đoạn từ đường Đặng Thúc Vịnh đến ngã ba Bầu (huyện Hóc Môn). Đây là một trong các dự án giao thông trọng điểm của thành phố với mục đích cải thiện tình hình giao thông; giải quyết tình trạng ngập nước cho khu vực đường Tô Ký và một phần đường Đặng Thúc Vịnh. Đồng thời, triển khai ngầm hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật, thực hiện chỉnh trang đô thị và cải tạo mỹ quan khu vực, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông phù hợp với định hướng phát triển theo quy hoạch chung của thành phố.

Trước khi được nâng cấp, mở rộng, tuyến đường Tô Ký có lộ giới khoảng 7m, đủ khả năng đáp ứng các xe cơ giới nhỏ và xe 2 bánh lưu thông hai chiều. Nhu cầu nâng cấp, cải tạo, mở rộng tuyến đường là bức bách. Chính quyền TPHCM đã bật đèn xanh thực hiện dự án. Theo đó, dự án đảm trách nâng cấp, mở rộng đoạn đường hiện hữu theo tiêu chuẩn đường đô thị với tổng chiều dài 2,4km, có mặt cắt ngang 25m, tương đương 4 làn xe lưu thông và vỉa hè hai bên. Dự án cũng bao gồm xây dựng hệ thống thoát nước, nạo vét rạch Hóc Môn để đảm bảo khả năng tiêu thoát nước cho khu vực; hoàn thiện hệ thống báo hiệu đường bộ, hệ thống chiếu sáng, cây xanh dọc tuyến.

Tạm biệt phà An Phú Đông

Chỉ ít ngày nữa, bến phà An Phú Đông nối liền quận Gò Vấp và quận 12 sẽ hoàn tất vai trò lịch sử, hình ảnh người xe rồng rắn xếp hàng chờ qua phà An Phú Đông sẽ đi vào quá khứ, khi cây cầu tạm kết cấu thép An Phú Đông được đưa vào sử dụng.

Khởi công ngày 2-2-2020, dự án xây dựng cầu tạm kết cấu thép An Phú Đông có quy mô 8 nhịp Bailey, dài 240m, rộng 12,5m có vị trí ngay tại bến phà An Phú Đông hiện nay. Tổng vốn đầu tư cho dự án là 79,6 tỷ đồng, trong đó, kinh phí xây dựng là 65 tỷ đồng, chi phí khác là 14,6 tỷ đồng.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (đơn vị chủ đầu tư dự án), sau khi thông xe, cầu tạm kết cấu thép An Phú Đông sẽ cho lưu thông 2 chiều đối với các phương tiện giao thông là xe máy và ô tô có tải trọng dưới 5 tấn. Nhờ cầu tạm kết cấu thép An Phú Đông, các phương tiện xe máy và ô tô dưới 5 tấn sẽ rút ngắn được lộ trình lưu thông từ khu vực Đông Bắc quận 12 vào trung tâm TP và ngược lại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực An Phú Đông, quận 12.

Các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông đã hoàn thành

Dự án nâng cấp, mở rộng đường Trần Văn Giàu, đoạn từ giáp tỉnh lộ 10 hiện hữu đến đường Nguyễn Cửu Phú đi qua quận Bình Tân và huyện Bình Chánh. Dự án dài 2,28km với lộ giới 32m-42m tùy đoạn. Dự án nhằm giải quyết nhu cầu giao thông ngày càng tăng cao theo sự phát triển khu vực, cũng như tăng cường năng lực kết nối giao thông từ thành phố đến Long An và các khu vực công nghiệp, khu dân cư ở cửa ngõ phía Tây thành phố. Tổng mức đầu tư cho dự án là 79,6 tỷ đồng, trong đó, kinh phí xây dựng là 62,7 tỷ đồng. Công trình được khởi công ngày 12-4-2020, hoàn tất thi công vào ngày 23-9.

Gói thầu 1 Dự án cải thiện môi trường nước TPHCM giai đoạn 2. Gói thầu có tổng mức đầu tư 617,8 tỷ đồng nhằm lắp đặt bơm chuyển tiếp nước thải từ trạm bơm Đồng Diều về Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 1 và giai đoạn 2). Gói thầu có quy mô: Mở rộng, nâng công suất trạm bơm chuyển tiếp nước thải Đồng Diều hiện hữu từ 192.000m3/ngày lên thành 640.000m3/ngày; lắp đặt bổ sung 3 máy bơm, công suất mỗi máy 122,1m3/phút; xây dựng bổ sung 2 ngăn lắng cát, kích thước 5m x 19,5m x 2m; lắp đặt bổ sung một máy biến áp 2.500kVA và một máy phát điện dự phòng 1.100kVA; xây dựng tuyến cống hộp chuyển tải dài 3,6km. Toàn bộ công tác xây lắp đã được hoàn tất vào ngày 30-9.

Dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ trái sông Sài Gòn, khu vực phường Thảo Điền, quận 2. Dự án nhằm xây dựng kè kiên cố để khắc phục tình trạng sạt lở chung quanh khu vực cũng như thực hiện chỉnh trang đô thị, đồng bộ với tuyến kè đang được đầu tư xây dựng tiếp giáp tại thượng lưu và hạ lưu. Dự án cũng nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông đường thủy đối với các tuyến đường thủy huyết mạch để phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa, góp phần san sẻ áp lực cho giao thông đường bộ vốn đang ngày càng trở nên quá tải. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 51,6 tỷ đồng. Công trình đã thi công hoàn thành vào ngày 25-7-2020.

Dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ tả rạch Ông Lớn. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 25,8 tỷ đồng nhằm xây dựng kè bờ sông kiên cố dài hơn 120m, chống sạt lở bờ sông, bảo vệ cơ sở hạ tầng xây dựng ven sông. Dự án cũng nhằm cải tạo môi trường, tạo cảnh quan khu vực ven sông, xây dựng khu vực neo đậu phương tiện thủy phục vụ công tác của Đội Quản lý thiết bị và phương tiện thủy... Các hạng mục khác của dự án là nạo vét khu vực trước bến neo đậu phương tiện với phạm vi trung bình 10 x 11m, cao độ nạo vét là âm 3,3m. Lắp đặt phao nổi, cầu dẫn để neo đậu phương tiện thủy. Công trình đã hoàn thành thi công vào giữa tháng 8 qua.

TRUNG KHANH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/them-nhieu-cong-trinh-giao-thong-phuc-vu-dan-sinh-692308.html