Thêm nhiều nước công bố chính sách đối phó 'bão thuế quan' của Mỹ

Sức ép thuế quan từ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến cổ phiếu châu Âu lao dốc, các chỉ số chứng khoán ở châu Á tiếp tục giảm, và nhiều quốc gia cũng bắt đầu đưa ra chính sách đàm phán thay vì đáp trả Washington.

Reuters ngày 7/4 đưa tin, cổ phiếu châu Âu giảm xuống mức thấp nhất trong 16 tháng qua các nhà đầu tư phải vật lộn với khả năng suy thoái sau đợt áp thuế quan sâu rộng do Mỹ công bố vào tuần trước. Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 5,8% vào sáng 7/4 (giờ địa phương).

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei trung bình giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm rưỡi, với chỉ số cổ phiếu ngân hàng Nhật Bản có thời điểm giảm hơn 17%. Chỉ số Nikkei giảm tới 8,8% xuống mức 30.792 điểm - lần đầu tiên kể từ tháng 10/2023.

Trong một tuyên bố hôm 7/4, Thủ tướng dự kiến của Đức Friedrich Merz đã cảnh báo rằng thị trường chứng khoán và trái phiếu quốc tế có thể sẽ xấu đi hơn nữa sau thông báo về chính sách thuế quan đối ứng của ông Trump.

"Do đó, Đức cần phải khôi phục khả năng cạnh tranh quốc tế của mình càng nhanh càng tốt. Vấn đề này hiện phải là trọng tâm của các cuộc đàm phán liên minh", ông Merz cho biết trong một tuyên bố.

Các quốc gia đang đưa ra những biện pháp khác nhau nhằm đối phó với chính sách thuế quan mới của chính quyền Mỹ. Ảnh: Reuters

Các quốc gia đang đưa ra những biện pháp khác nhau nhằm đối phó với chính sách thuế quan mới của chính quyền Mỹ. Ảnh: Reuters

Cùng ngày, chính phủ Anh đã nới lỏng yêu cầu đối với các nhà sản xuất ô tô chuyển sang sản xuất xe điện, nhằm giảm bớt áp lực cho ngành công nghiệp đang phải chịu ảnh hưởng từ thuế quan của Mỹ, vốn đang chịu mức thuế mới lên tới 25%.

Trong khi đó, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto sáng 7/4 tuyên bố Indonesia sẽ theo đuổi biện pháp ngoại giao để đàm phán mức thuế quan 32% do chính quyền Trump áp đặt.

"Chúng tôi sẽ nói rằng chúng tôi muốn một mối quan hệ tốt đẹp. Chúng tôi muốn một mối quan hệ công bằng. Chúng tôi muốn một mối quan hệ bình đẳng", ông Prabowo nói.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim thì cho rằng, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần cùng nhau thiết lập một thỏa thuận chung để đối phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ. Điều này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho các cuộc đàm phán và thảo luận sắp tới.

Mặc dù không đồng tình với cách thức áp thuế của Mỹ nhưng Thủ tướng Anwar khẳng định Chính phủ Malaysia sẽ chọn cách tiếp cận ôn hòa vì nhận thấy vẫn còn khả năng thảo luận và đàm phán, và có những trường hợp ngoại lệ cần được xác định chi tiết.

Cùng ngày, ở một diễn biến khác, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba tuyên bố sẵn sàng sang Mỹ đàm phán sớm nhất có thể về chính sách thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump, vốn sẽ gây những tác động nặng nề đối với nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Nhật Bản.

Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng nói rõ chính phủ của ông sẽ yêu cầu Tổng thống Trump hạ thuế đối với Nhật Bản, cho dù chưa thể đạt được ngay kết quả.

Trong khi đó, khi được hỏi về tình trạng thị trường lao dốc,Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, đôi khi cần phải “uống thuốc để chữa bệnh”.

“Tôi không muốn bất cứ điều gì đi xuống, nhưng đôi khi bạn phải uống thuốc để sửa chữa lành cái gì đó", hãng tin Reuters dẫn lời ông Trump nói với các phóng viên trên chuyên cơ Không lực Một, khi được hỏi về tác động kinh tế từ loạt chính sách thuế quan sâu rộng mới được ban hành.

Bên cạnh đó, ông Trump cũng có phát biểu ám chỉ Mỹ đã bị các quốc gia khác “đối xử tệ bạc” và từng có một ban lãnh đạo không thực sự tốt vì đã để xảy ra những điều này.

An Nhiên

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/them-nhieu-nuoc-cong-bo-chinh-sach-doi-pho-bao-thue-quan-cua-my-i764355/