Thêm nhóm phiến quân ở Mali tuyên bố 'hạ' hàng chục lính Wagner
Hàng chục lính đánh thuê Wagner và binh sĩ Mali thiệt mạng trong cuộc phục kích ở khu vực Kidal (phía bắc Mali), nhóm vũ trang có liên kết với Tuareg tuyên bố.
Lực lượng JNIM ở Tây Phi (ảnh: CNN)
Hôm 30/7, nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan Jama'a Nusrat ul-Islam wa al-Muslimin (JNIM) – chi nhánh của al Qaeda hoạt động ở Mali – tuyên bố, tuyên bố đã hạ 50 chiến binh Wagner và 10 binh sĩ Mali ở thị trấn Tinzaouaten, vùng Kidal, gần biên giới với Algeria.
Vụ tấn công xảy ra vào ngày 27/7, khi “một đoàn xe của quân đội Mali và lính đánh thuê Wagner lọt ổ phục kích được sắp đặt sẵn” ở phía nam thị trấn Tinzaouaten, JNIM cho hay.
Cùng ngày 27/7, phiến quân Tuareg cũng thực hiện vụ tấn công khiến “hàng chục” lính Wagner và binh sĩ Mali thiệt mạng ở thị trấn biên giới Tinzaouaten.
Hai nguồn tin an ninh nói với Reuters rằng, JNIM và Tuareg đã phối hợp tấn công lính Wagner và binh sĩ Mali ở thị trấn Tinzaouaten. Nhưng chưa rõ mức độ liên kết của 2 lực lượng này. Cũng không rõ số lính Wagner thiệt mạng do JNIM thông báo có phải chính là số mà Tuareg tuyên bố đã hạ hay không.
Chính quyền quân sự Mali trước đó đã nhiều lần cáo buộc JNIM và phiến quân Tuareg liên kết với nhau.
Wagner chưa bình luận về tuyên bố của JNIM.
Hôm 29/7, trong một thông báo trên Telegram, Wagner cho biết lực lượng của họ đã sát cánh với quân đội Mali trong cuộc chiến kéo dài 6 ngày với phiến quân Tuareg (từ ngày 22 đến ngày 27/7).
Bị áp đảo về lực lượng và hỏa lực, đơn vị Wagner do Sergei Shevchenko (biệt danh Pond) chỉ huy tổn thất nặng. Shevchenko cũng thiệt mạng trong trận chiến.
Một chỉ huy của Tuareg cho hay, 54 chiến binh Wagner đã bị hạ cùng với 7 binh sĩ Mali trong trận chiến ở thị trấn Tinzaouaten.
Rusich Group, lực lượng bán quân sự của Nga có liên hệ với Wagner, cho rằng hơn 80 lính đánh thuê Nga thiệt mạng và hơn 15 người khác bị phiến quân Tuareg bắt làm tù binh.
Đây được cho là “đòn giáng mạnh” đối với lực lượng Wagner ở Mali, theo Reuters.
Năm 2022, Wagner tới Mali tham chiến và hỗ trợ chính quyền quân sự ở Mali đào tạo các tân binh.
Sau các cuộc đảo chính năm 2020 và năm 2021, chính quyền quân sự đang nắm quyền ở Mali. Họ phải đối phó với một số lực lượng Hồi giáo chống đối, trong đó, phiến quân Tuareg được cho là nguy hiểm nhất.
Năm 2012, Tuareg từng phát động một cuộc bạo loạn ở Mali nhưng thất bại. Phiến quân sau đó bị đẩy lùi về các vùng đất khô cằn ở phía bắc Mali, giáp biên giới với Algeria. Một số nhóm chiến binh Hồi giáo ở Tây Phi cũng hoạt động ở khu vực này.