Thêm những mùa 'quả ngọt'
PTĐT - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Người từng căn dặn: 'Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị.
PTĐT - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Người từng căn dặn: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức... Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con. Trách nhiệm đó rất là vẻ vang, quan trọng”. Thấm nhuần lời dạy của Người, những năm qua, đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành giáo dục và đào tạo Phú Thọ luôn thực hiện tốt các phong trào thi đua, đổi mới, sáng tạo trong cách dạy và học, góp phần tạo nên những mùa “quả ngọt”.
Thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động như “Dạy tốt, học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”… những năm qua, đội ngũ cán bộ, giáo viên trong tỉnh luôn tìm tòi, sáng tạo, đổi mới trong công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học…Qua đó, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục của tỉnh phát triển vượt bậc cả về mũi nhọn và đại trà, nhiều năm liền đứng đầu các tỉnh khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và trong tốp 15 tỉnh, thành dẫn đầu toàn quốc, góp phần đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh và cả nước, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh hiện có 748 trường học đạt chuẩn Quốc gia đạt 81%; chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đứng thứ 3 toàn quốc. Trong 5 năm, Phú Thọ có 2 học sinh đạt Huy chương Quốc tế (1 HCĐ Olympic Hóa Học, 1 HCĐ Olympic Sinh học), 284 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi (HSG) Quốc gia, 30 dự án đạt giải trong cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT cấp Quốc gia; 186 học sinh có điểm thi THPT quốc gia dùng để xét tuyển vào các trường đại học đạt từ 27 điểm trở lên, hai năm liên tiếp (năm 2018, 2019) Phú Thọ có học sinh thủ khoa cả nước trong kỳ thi THPT Quốc gia. Đặc biệt Phú Thọ vinh dự có 1 giáo viên người dân tộc Mường được tổ chức giáo dục Varkey Foundation bình chọn và vinh danh là 1 trong 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu năm 2020…Để có được những mùa “quả ngọt”, giáo viên các trường học, bậc học trong tỉnh đã mạnh dạn đổi mới, sáng tạo trong dạy và học. Nhiều giáo viên đã có những sáng kiến, sáng tạo đột phá trong dạy và học như cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy, Nguyễn Thu Hằng - giáo viên Trường THPT Chuyên Hùng Vương; Hà Ánh Phượng, Đinh Thị Thanh Tuyền - giáo viên Trường THPT Hương Cần; Nguyễn Thị Thúy Hồng - giáo viên Trường Tiểu học Văn Khúc (Cẩm Khê); Bùi Quốc Tuấn - giáo viên Trường THPT Cẩm Khê… Ông Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Thực hiện phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 35 đơn vị được Bộ GD&ĐT tặng Cờ thi đua, 94 tập thể và 474 cá nhân được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen. Sở GD&ĐT nhiều năm được Bộ GD&ĐT tặng Cờ đơn vị tiêu biểu xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. Điển hình trong phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy và học phải kể đến cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên Tiếng Anh Trường THPT Hương Cần huyện Thanh Sơn. Với mong muốn học sinh miền núi, vùng khó khăn được tiếp cận với ngoại ngữ dễ dàng, tự tin hơn, cô Phượng luôn tìm tòi, sáng tạo và thử nghiệm để nâng cao chất lượng dạy học theo phương thức mới, mang lại hiệu quả cao. Từ năm 2018, trong các tiết học Tiếng Anh của mình, cô Phượng đã đưa học trò đi du lịch các quốc gia ở khắp các châu lục trên thế giới mà không cần làm thủ tục xin cấp visa. Với phương pháp học đơn giản, chỉ cần một chiếc laptop, một tài khoản skype, tham gia diễn đàn giáo viên toàn cầu và một đường truyền internet ổn định là có thể kết nối với nhiều giáo viên, học sinh trên toàn thế giới. Việc áp dụng hình thức học trực tuyến thông qua diễn đàn giáo viên quốc tế mà cô giáo Phượng xây dựng nên đã khiến học sinh trong trường mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp bằng Tiếng Anh và tiếng Việt. Cô Phượng cho biết: Việc học sinh được học tập mô hình “lớp học xuyên biên giới” đã giúp có thêm kỹ năng nghe, nói và đặc biệt có thể chủ động trong việc sử dụng các ứng dụng dạy học hiện đại để tiếp cận tri thức. Khả năng thuyết trình, khả năng làm việc nhóm, làm việc độc lập, kỹ năng giải quyết vấn đề, phát triển tư duy phê phán…Không chỉ dừng lại ở mô hình “lớp học xuyên biên giới”, cô Phượng còn cùng các học trò của mình kết hợp kiến thức liên môn để chế tạo máy cắt STEM, làm ra những chiếc ống hút bằng tre, nứa, phát miễn phí tới các thầy cô và học sinh, cũng như những quán nước gần trường. Thông qua mô hình “lớp học xuyên biên giới”, học sinh Trường THPT Hương Cần còn tuyên truyền tới nhiều học sinh trên thế giới việc sản xuất và sử dụng những chiếc ống hút bằng tre, nứa để bảo vệ môi trường sống… Với sự đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, cô giáo Hà Ánh Phượng trở thành giáo viên đầu tiên của Việt Nam lọt Top 10 giáo viên xuất sắc của Giải thưởng giáo viên toàn cầu do Varkey Foundation bình chọn.
Không sáng tạo ra “lớp học xuyên biên giới” như cô giáo Hà Ánh Phượng song thầy giáo Bùi Quốc Tuấn - giáo viên Trường THPT Cẩm Khê lại trở thành giáo viên cốt cán môn Hóa học của Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT.Để học sinh tiếp cận được kiến thức nhanh nhất, thầy Tuấn tư duy phương pháp dạy học theo chiều dọc với quan điểm “học ít nhưng hiệu quả nhiều”. Thầy Tuấn tâm sự: “Khi học sinh mới học lớp 10, các em là học trò của mình, giáo viên đóng vai trò chủ đạo truyền đạt kiến thức, nhưng khi học sinh lên lớp 11, 12, giáo viên sẽ thiên về tương tác, trao đổi, định hướng”. Trong quá trình truyền giảng kiến thức, thầy Tuấn thường phân loại đối tượng học sinh, đối với học sinh học lực trung bình, yếu, thầy chú trọng dạy các em tiếp cận lý thuyết từng phần, các dạng bài tập tương tự rồi tương đương để học sinh dần lấy lại kiến thức. Để khích lệ học sinh, trong các bài tập gửi cho các em tự luyện, thầy thường trích đăng những câu danh ngôn bên trên để các em có thêm hứng thú học. 15 năm gắn bó với bảng đen phấn trắng, 52 học trò do thầy dạy đội tuyển Hóa đã đạt HSG cấp tỉnh, nhiều em đạt điểm tuyệt đối môn hóa học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Không chỉ tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”, thầy Tuấn còn cùng với những đồng nghiệp tham gia viết và xuất bản được 3 cuốn sách về các chủ đề dạy môn Hóa học THCS, THPT. Ngoài ra thầy và nhóm tác giả còn thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành về một số chuyên đề hóa hữu cơ, được nghiệm thu, đánh giá xếp loại xuất sắc. Với những sáng kiến đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, thầy Bùi Quốc Tuấn được tặng nhiều Bằng khen, giấy khen của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT.Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT phát động. Thành quả đạt được từ các phong trào, thi đua tạo động lực nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần không nhỏ làm nên những mùa “quả ngọt”, tạo đà cho ngành giáo dục Phú Thọ tiếp nối truyền thống, bề dày thành tích để tiếp tục đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202011/them-nhung-mua-qua-ngot-174026