Thêm quốc gia châu Á đề phòng ứng dụng AI của DeepSeek
Ngày 5/2, Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết họ đã chặn quyền truy cập vào ứng dụng chatbot giá rẻ sử dụng trí tuệ nhân tạo của công ty khởi nghiệp DeepSeek.
Ngày 5/2, Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết họ đã chặn quyền truy cập vào ứng dụng chatbot giá rẻ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của công ty khởi nghiệp DeepSeek tại Trung Quốc vì lo ngại nguy cơ thu thập dữ liệu người dùng.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, quyền truy cập vào chatbot của DeepSeek đã bị hạn chế trên các máy tính của 2 bộ trên kết nối với mạng bên ngoài, do 2 bộ này nằm trong số các cơ quan chính phủ trọng yếu xử lý dữ liệu quan trọng liên quan ngoại giao và thương mại.
Giới phân tích nhận định động thái trên là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc nhằm chủ động giải quyết mối lo ngại rằng dữ liệu quan trọng của chính phủ có thể bị xâm phạm khi các quan chức sử dụng các ứng dụng có tích hợp AI.
Trước đó, ngày 4/2, Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc đã gửi công văn tới các cơ quan chính phủ, chính quyền đô thị và các tỉnh, kêu gọi thận trọng khi sử dụng các dịch vụ AI như DeepSeek và ChatGPT.
Công văn được cho là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không chia sẻ thông tin cá nhân và không tin tưởng hoàn toàn vào kết quả do các dịch vụ này cung cấp.
Trong lĩnh vực kinh doanh, ngày 4/2, Công ty nền tảng Kakao của Hàn Quốc cũng đã cấm sử dụng DeepSeek cho mục đích kinh doanh, trở thành công ty công nghệ lớn đầu tiên của Hàn Quốc thực hiện lệnh này. Sáng 5/2, LG Uplus đã triển khai chính sách tương tự.
Các “ông lớn” công nghệ khác gồm Samsung Electronics, SK Group và LG Electronics cũng đã cấm các chương trình như vậy trên máy tính của công ty mà không xin phép trong bối cảnh tất cả những tập đoàn này đều đang phát triển các dịch vụ AI của riêng họ.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, một số cố vấn Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết bộ này đã yêu cầu nhân viên tránh sử dụng các công cụ Trí tuệ nhân tạo (AI) bao gồm ChatGPT của công ty OpenAI (Mỹ) và DeepSeek cho các mục đích chính thức nhằm bảo mật tài liệu và dữ liệu của chính phủ.
Trước đó cùng ngày, các quốc gia như Australia và Italy đã đặt ra các hạn chế tương tự đối với việc sử dụng DeepSeek, với lý do rủi ro về bảo mật dữ liệu.
Trong tuyên bố ngày 5/2, Trung Quốc đã chỉ trích chính quyền Canberra về quyết định cấm ứng dụng trí tuệ nhân tạo DeepSeek của Trung Quốc trên các thiết bị của Chính phủ Australia vì lý do an ninh, đồng thời phản đối ý đồ “chính trị hóa các vấn đề kinh tế, thương mại và công nghệ.”
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh: “Chính phủ Trung Quốc chưa từng và sẽ không bao giờ yêu cầu các doanh nghiệp hoặc cá nhân thu thập hay lưu trữ dữ liệu một cách bất hợp pháp”./.