Thêm sức sống mới cho di sản văn hóa phi vật thể
Kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ của cha ông luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho những sáng tạo mới góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần người dân.
Với tư duy mới mẻ của nhiều nhà sáng tạo trẻ, không ít di sản văn hóa phi vật thể đã và đang được vận dụng hiệu quả trong đời sống đương đại. Tuy nhiên, làm thế nào để phát huy di sản một cách bền vững lại là một chặng đường dài cần sự kiên trì và quan tâm đúng mức.
Diễu hành đường phố giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024.
Nỗ lực lan tỏa giá trị di sản
Đầu tháng 10 vừa qua, chương trình Ngày hội văn hóa vì hòa bình nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tạo ấn tượng mạnh với người dân và du khách. Hàng loạt di sản văn hóa phi vật thể như: Ca trù, múa rối nước, hát xẩm…; cùng các di sản tín ngưỡng, như: Tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh, Hai Bà Trưng, Thánh Gióng được trình diễn, mang đến cho khán giả cái nhìn sâu sắc về các giá trị văn hóa trường tồn của Hà Nội.
Đạo diễn chương trình Hoàng Công Cường là một người thuộc thế hệ 8x chia sẻ, anh muốn đưa hơi thở đương đại vào hoạt động trình diễn di sản, biến hồ Hoàn Kiếm thành một sân khấu đại thực cảnh, còn các nghệ nhân, người dân cùng tương tác, tham gia trình diễn di sản.
Hoạt động phát huy giá trị di sản văn hóa được thể hiện rõ nét hơn tại Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 (diễn ra từ ngày 9 đến 17-11-2024). Tại sự kiện, rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể trở nên sống động hơn qua tư duy sáng tạo của những người trẻ. Điển hình là chương trình khai mạc lễ hội gây ấn tượng với màn trình diễn tích chèo cổ, quan họ… kết hợp với âm nhạc điện tử. Ngoài ra, hoạt động diễu hành giới thiệu một số di sản văn hóa phi vật thể, cổ phục của Việt Nam kết hợp biểu diễn kèn cũng tạo dấu ấn. Nói về sự kiện, đạo diễn Nguyễn Quốc Hoàng Anh bày tỏ: “Tôi muốn thể hiện tình yêu với di sản văn hóa qua lăng kính của người trẻ. Khán giả có thể thấy chất liệu dân tộc vẫn giữ nguyên nhưng được thể hiện với cách biểu diễn mới lạ”.
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản phi vật thể không còn là vấn đề mới. Tại Hà Nội, rất nhiều tổ chức, đơn vị, dự án nỗ lực lan tỏa giá trị di sản thông qua các hoạt động giáo dục, trải nghiệm, kết nối di sản với cộng đồng, điển hình như: “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương”, “Hiếu Văn Ngư - Cultura Fish”, “Gánh hát lưu diễn muôn phương”, nhóm Xẩm Hà Thành... Điều đáng nói, các dự án thu hút sự tham gia của cộng đồng sáng tạo trẻ. Đây không chỉ là cách bảo tồn, duy trì sức sống của di sản trong dòng chảy đương đại mà còn tạo cơ hội để cộng đồng, nhất là giới trẻ được tiếp cận, nâng cao hiểu biết về văn hóa truyền thống dân tộc.
Cần không gian sáng tạo di sản
Hà Nội được mệnh danh là “Thành phố di sản” với 5.922 di tích lịch sử, văn hóa và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, những di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh gồm có: Ca trù, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc; Nghi lễ và Trò chơi kéo co; Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt… Ngoài ra, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Là người góp phần duy trì nhóm Xẩm Hà Thành 15 năm qua, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long chia sẻ, rất nhiều sản phẩm văn hóa tạo sức hút với công chúng nhờ vận dụng sáng tạo di sản văn hóa của dân tộc. Điển hình như chương trình truyền hình “Anh trai vượt ngàn chông gai” đang gây sốt, thành công nhờ các sáng tạo dựa trên chất liệu âm nhạc dân tộc, trong đó có không ít loại hình di sản văn hóa được mang đến hơi thở mới, như: Chèo, nhã nhạc cung đình Huế, xẩm, dạ cổ hoài lang…
Với sự tham gia của cộng đồng sáng tạo trẻ, di sản văn hóa truyền thống đang có sức lan tỏa và hấp dẫn với giới trẻ. Tuy nhiên, để phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả, bền vững lại là bài toán không đơn giản. Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cho rằng, rất nhiều sáng tạo trên tinh thần đổi mới nhưng không duy trì được lâu do những người trẻ thiếu kiên trì và liên tục thay đổi tư duy. Để phát huy hiệu quả các di sản văn hóa, cần có không gian sáng tạo riêng, tạo điều kiện để người trẻ phát huy sáng tạo.
Còn theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, Quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam Nguyễn Thị Lệ Quyên, vẫn còn khoảng cách giữa cộng đồng và di sản, vì thế cần phải có những sản phẩm sáng tạo tiếp cận với những nhóm cộng đồng nhỏ, từ đó lan tỏa ảnh hưởng tới đông đảo công chúng.
Không thể phủ nhận, di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng là nguồn lực lớn góp sức cho việc phát triển công nghiệp văn hóa.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, Sở đang phối hợp với các địa phương quan tâm tới việc bảo tồn, phát huy di sản; có chính sách hỗ trợ các nghệ nhân truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ. Trong các lễ hội thiết kế sáng tạo, thành phố luôn tạo điều kiện cho cộng đồng sáng tạo trẻ thực hành; khuyến khích vận dụng chất liệu truyền thống, di sản văn hóa dân tộc để hình thành những sản phẩm văn hóa, du lịch hấp dẫn du khách.