Thêm thu nhập nhờ nhạy bén với thị trường
Nhận thấy nhu cầu trồng rau màu, hoa kiểng, cây ăn trái… ở các địa phương trong tỉnh ngày càng tăng, nhiều hộ dân nhạy bén nắm bắt, mở ra các dịch vụ sản xuất - kinh doanh (SXKD), đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường. Qua đó, góp phần đa dạng nguồn cung và phát triển kinh tế gia đình.
Có kinh nghiệm và gắn bó trên 20 năm với nghề ươm giống các loại rau màu, ông Nguyễn Văn No (ngụ xã Kiến An, huyện Chợ Mới) luôn quan tâm về chất lượng và đáp ứng được nhu cầu cây giống cho người trồng. Theo ông No, nghề ươm giống rau màu cần nhiều công chăm sóc, đòi hỏi phải tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt từ lúc làm đất, xuống giống cho đến ngày xuất bán.
Đất sử dụng ươm rau màu phải được xay nhuyễn bằng máy, phối trộn với phân chuồng, đảm bảo độ tơi xốp trước khi cho vào khay ươm, nhằm đảm bảo dinh dưỡng. Hạt giống được nhập từ nguồn cung cấp giống uy tín, bảo đảm chất lượng, tỷ lệ nảy mầm cao, chống được sâu bệnh…
Khi ươm giống, phải thường xuyên chăm sóc, tỉ mỉ từng công đoạn, như: Tưới nước giữ ẩm, bón phân, theo dõi phòng trừ sâu bệnh… Mặt khác, cần tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường, lên kế hoạch mùa vụ cụ thể để việc sản xuất diễn ra quanh năm, thu lợi nhuận cao hơn.
Thông thường, đa phần các loại rau màu sau khi ươm giống khoảng 25 ngày là có thể xuất bán. Vườn ươm của ông No được tận dụng để ươm nhiều loại rau màu khác nhau, theo thời vụ và nhu cầu thị trường, như: Xà lách, cải ngọt, mồng tơi, ớt… Đến mùa vụ gieo trồng, trung bình mỗi ngày ông No cung ứng khoảng 30.000 cây giống cho nông dân trồng rau màu trong và ngoài tỉnh.
“Không chỉ ươm, bán cây giống, tôi còn cập nhật kiến thức về sản xuất nông nghiệp. Từ đó, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và lựa chọn những giống hiệu quả, phù hợp nhất theo từng thời vụ, thị trường, phần nào giúp nông dân có được những vụ mùa thành công” - ông No chia sẻ.
Hiện nay, xu hướng các gia đình tự trồng rau, củ hay cây xanh trong những chậu nhựa, thùng xốp trước sân hay trên sân thượng ngày càng trở nên phổ biến. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, nhiều cửa hàng kinh doanh hạt giống ra đời và đắt khách. Việc kinh doanh không chỉ theo mô hình cửa hàng truyền thống, mà còn kết hợp mở shop hạt giống online (trực tuyến) trên các trang mạng xã hội và thương mại điện tử, như: Facebook, Shopee... Nhờ đó, càng dễ tiếp cận, giới thiệu đúng nhu cầu của khách hàng.
Hạt giống hoa màu rất đa dạng về chủng loại, từ giống truyền thống cho đến những loại nhập khẩu từ nước ngoài. Đối với những loại nhập khẩu, được những cửa hàng hạt giống tư vấn kỹ về tính thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng miền trên cả nước. Từ đó, giúp khách hàng có thêm thông tin để đưa ra những lựa chọn phù hợp.
Chị Nguyễn Thị Thảo Nguyên (ngụ TP. Long Xuyên, chủ shop hạt giống T.N trên mạng xã hội Facebook) chia sẻ: “Tôi có tình yêu đối với cây hoa từ nhỏ, bởi vậy, tôi hay sưu tầm nhiều giống cây, hoa mới, lạ để trồng thử nghiệm. Đến khi ra hoa, đậu trái tôi thường đăng ảnh lên mạng xã hội, có rất nhiều bạn bè hỏi thăm thông tin về nơi mua hạt giống. Thấy vậy, tôi nghĩ đến chuyện mở 1 cửa hàng online, chuyên bán hạt giống, vừa theo đuổi đam mê, vừa có nguồn thu nhập”.
Tất cả các loại hạt giống hoa màu, như: Bắp cải tí hon, cà chua bi, bí ngô nghệ sĩ, hoa thủy tiên, hoa tiên ông… được chị Thảo Nguyên lấy từ một công ty xuất nhập khẩu có uy tín, giá cả từ 25.000 - 50.000 đồng/gói hạt. “Muốn kinh doanh mặt hàng nào, tôi đều trồng thử nghiệm trước, như vậy có thể tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm thực tế với khách hàng” - chị Thảo Nguyên giải thích.
Không chỉ hoa màu, thời gian qua, các mô hình trồng nấm ăn và nấm dược liệu phát triển mạnh ở nhiều địa phương, như: Huyện Châu Thành, TP. Long Xuyên… trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều nông dân. Theo sự phát triển của nghề trồng nấm, nghề sản xuất phôi nấm được hình thành, ghi nhận nhiều tiềm năng. Từ nông dân trồng nấm, ông Huỳnh Minh Kiển (ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) bén duyên với mô hình sản xuất phôi nấm bào ngư, nấm linh chi hơn 10 năm qua.
Ông Kiển cho biết, nhiều nông dân trồng nấm có hiệu quả kinh tế cao nhưng lại khó khăn trong việc tìm nguồn cung phôi giống chất lượng. Lúc này, ý tưởng sản xuất phôi nấm bắt đầu manh nha, ông Kiển tìm hiểu kỹ thuật làm phôi nấm giống, nghiên cứu đặc tính sinh trưởng và phát triển của nấm linh chi, nấm bào ngư. Ông Kiển mạnh dạn đầu tư khu sản xuất và nhà cấy meo nấm rộng 2.000m2 tại địa phương để sản xuất phôi nấm giống.
Để phôi nấm giống đạt chất lượng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến nguồn meo giống. Mỗi công đoạn đều được giám sát kỹ, đặc biệt khâu cấy meo nấm được làm trong phòng kín, vô trùng bằng tia cực tím.
“Phôi nấm được sản xuất từ mùn cưa của cây cao su, sau đó là ủ, hấp trong lò nhiệt, cấy meo… Với rất nhiều công đoạn như vậy mới có được 1 phôi nấm giống chất lượng, sạch bệnh cung ứng cho nông dân” - ông Kiển giải thích. Hiện nay, trung bình mỗi tuần cơ sở của ông Kiển cung cấp hơn 6.000 bịch phôi nấm giống các loại ra thị trường trong và ngoài tỉnh.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/them-thu-nhap-nho-nhay-ben-voi-thi-truong-a357131.html