Thêm Trường đại học trở thành Đại học: Không chỉ là thay đổi cái tên
Sự kiện Trường ĐH Kinh tế quốc dân trở thành ĐH Kinh tế quốc dân sáng ngày 12/1, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định không nên chỉ là thay đổi trên danh nghĩa, cái tên mà cần thiết thay đổi cả tầm nhìn, năng lực, trình độ quản trị.
Khi nào "trường đại học" trở thành đại học?
Hiện tại có những cơ sở giáo dục được gọi là “trường đại học”, có những cơ sở là “đại học”.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang tồn tại 3 mô hình đại học. Mô hình thứ nhất, có lịch sử lâu nhất là đại học quốc gia, gồm Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Quốc gia Hà Nội.
Mô hình thứ hai là đại học vùng, gồm: Đại học Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng và Đại học Huế. Mô hình thứ ba là trường đại học chuyển thành đại học gồm: Đại học Kinh tế TP. HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Duy Tân và Đại học Kinh tế Quốc dân.
Ở mô hình thứ 3, các đại học ra đời theo Luật Giáo dục Đại học 2018. Việc thành lập đại học được quy định cụ thể, rõ ràng với 2 trường hợp. Thứ nhất, một trường đại học nếu đủ điều kiện sẽ có thể chuyển thành đại học, thứ 2, các trường đại học có thể liên kết với nhau để thành đại học.
Trong đó, điều kiện để trường đại học trở thành đại học là đáp ứng đầy đủ yêu cầu “lớn hơn” về việc mở rộng các chuyên ngành đào tạo, khả năng quản trị, tự chủ thu chi và nhiều yếu tố kèm theo liên quan đến các trường đại học thành viên trong hệ thống.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn đã từng khẳng định, dù luật khuyến khích các trường mở rộng quy mô nhưng không phải trường nào cũng có khả năng trở thành đại học. Do vậy, các trường phải tự xác định mô hình, cấu trúc tổ chức để phù hợp nhất với mình thay vì chạy theo quan niệm “phải trở thành đại học”.
Việc chuyển mình từ “trường đại học” sang “đại học” là bước đánh dấu quan trọng cho sự phát triển của cơ sở giáo dục đó, giống như một chiếc áo đã chật mà các cơ sở đại học này muốn bứt phá, lớn lên, khoác chiếc áo rộng hơn với nhiều cơ hội phát triển và khẳng định mình hơn.
GS.TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, việc chuyển đổi những trường đại học có đủ điều kiện thành đại học nhằm đổi mới hệ thống quản trị, giao quyền tự chủ cho các đơn vị thành viên.
Hiện phần lớn các trường đại học đều là đa ngành. Trong mỗi khối ngành có các chuyên ngành. Các chuyên ngành trong khối ngành phát triển riêng rẽ, không có sự phối hợp chặt chẽ với nhau. Khi chuyển thành đại học thì các ngành của khối ngành tích hợp lại thành trường thuộc đại học. Do đó, GS Bùi Văn Ga đánh giá, các ngành có thể chia sẻ đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, thế mạnh của nhau trong từng trường để nâng cao hiệu quả đào tạo.
Khi trường đại học thành đại học thì người học hưởng lợi nhờ được học nhiều thầy giỏi, điều kiện thực hành được cải thiện và nhất là được học kiến thức đa ngành để tăng tính cạnh tranh trên thị trường lao động.
Thêm Trường Đại học Kinh tế quốc dân trở thành Đại học Kinh tế quốc dân
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, đại học là một thực thể lớn với cấu trúc bên trong đòi hỏi khả năng và trình độ quản trị cao, hướng tới sự phát triển, thể hiện khát vọng và sự lớn mạnh. Đại học cho phép phát huy quyền tự chủ và sự năng động. Quyền tự chủ có thể thực hiện tới tận đơn vị cấp thấp nhất và tới các nhóm chuyên môn, các nhà khoa học. Nếu thiết kế mô hình tổ chức không hướng tới được sự giải phóng năng lực sáng tạo từ bên trong của cơ sở giáo dục, thì sự chuyển đổi mô hình không đem lại giá trị.
Chúc mừng Đại học Kinh tế Quốc dân hoàn thành việc chuyển đổi từ trường đại học sang mô hình đại học và chúc mừng các thầy cô trong ban lãnh đạo đảm nhiệm cương vị, định danh lãnh đạo mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Ngày hôm nay sẽ đi vào lịch sử phát triển của nhà trường như một dấu mốc đậm nét trong lịch trình phát triển, lịch trình đổi mới và thể hiện vai trò của nhà trường trong nền giáo dục và với toàn thể xã hội, với người dân, người học và đất nước.
“Từ nay, cái tên Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ thay thế cho Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Sự khác biệt chỉ ở chỗ bớt đi một từ đầu tiên trong cái tên, nhưng mở đường cho chữ Đại lên đầu và giúp trường hướng tới “cái đại” trên mọi phương diện”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, vấn đề then chốt không phải cái tên, quy mô to hay nhỏ. Đại học quan trọng ở chỗ nó là một thực thể với cấu trúc bên trong đòi hỏi khả năng và trình độ quản trị đại học cao, hướng tới sự phát triển, thể hiện khát vọng phát triển và lớn mạnh. Đại học cho phép phát huy quyền tự chủ và sự năng động. Quyền tự chủ có thể thực hiện tới tận đơn vị cấp thấp nhất và tới các các nhóm chuyên môn, các nhà khoa học. Nếu thiết kế mô hình tổ chức không hướng tới được sự giải phóng năng lực sáng tạo từ bên trong của cơ sở giáo dục, thì sự chuyển đổi mô hình không đem lại mấy giá trị. Mô hình tổ chức và quản trị nội bộ mới mà nhà trường lựa chọn tạo khả năng lớn hơn, cho phép giải phóng từ bên trong, khai phóng ở chiều sâu, đưa tự chủ đại học đi tới hiệu quả cao hơn.
“Mô hình đại học là mô hình quản trị nội bộ hướng tới phát triển đa ngành, vậy nên trong định hướng phát triển thời gian tới, Đại học Kinh tế quốc dân cần hướng tới cơ cấu đa ngành một cách hợp lý, đa ngành nhưng vẫn phát huy được lợi thế, được sở trường và sức mạnh truyền thống. Cần đứng vững trên thế mạnh truyền thống, sở trường và đặc sắc, mở rộng theo hướng các ngành có liên quan và hỗ trợ nhau thành hệ thống, đa ngành một cách hợp lý nhất trên cơ sở vẫn giữ được bản sắc và uy tín. Đa ngành không có nghĩa là tất cả những gì người khác làm thì mình cũng làm. Không nên xa rời mục tiêu và sứ mệnh chính của mình. Bản sắc và thương hiệu của nhà trường cần nối tiếp và phát huy trong mô hình tổ chức và quản trị mới”, Bộ trưởng gợi mở.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, một trong những việc cần làm ngay của nhà trường là rà soát và hoàn thiện Chiến lược phát triển dựa trên cơ sở các chủ trương, định hướng, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của ngành Giáo dục; phát huy hết lợi thế để trưởng thành nhanh chóng trong một mô hình quản trị mới.
Về công tác tổ chức, Đại học Kinh tế Quốc dân cần xác lập cơ chế phân cấp theo hướng phát huy quyền tự chủ nhiều hơn, thực chất hơn cho các đơn vị bên dưới, làm thế nào để tinh thần tự chủ được phát huy đến từng cán bộ, từng cấp thấp nhất.
“Đối với các Ban lãnh đạo sự thay đổi tên gọi từ Hiệu trưởng sang Giám đốc cũng không nên chỉ là thay đổi trên danh nghĩa mà cần thiết thay đổi cả tầm nhìn, năng lực, trình độ quản trị để thích nghi với mô hình quản trị mới, đáp ứng được kỳ vọng, mong đợi của toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên trong việc chuyển đổi mô hình. Và làm được như vậy thì sự chuyển đổi mô hình mới đem lại những giá trị gia tăng”, Bộ trưởng gửi gắm.
Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng cho biết sẽ có cơ chế hỗ trợ và giám sát phù hợp để tạo điều kiện tốt nhất cho Đại học Kinh tế Quốc dân phát triển.