Thêm tự hào về giá trị nguồn cội
12 năm sau ngày UNESCO vinh danh Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (ngày 6/12/2012), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đang tiếp tục được các thế hệ người Việt sáng tạo, gìn giữ, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Hành trình trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
Ngày 6/12/2012, tại Paris (Pháp), Kỳ họp thứ 7 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được xướng danh trước gần 200 quốc gia và các tổ chức quốc tế, nhận được sự đồng thuận tuyệt đối và trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là thành quả của sự đoàn kết, sức mạnh trí tuệ tập thể cùng sự đồng lòng đưa tín ngưỡng linh thiêng của dân tộc bước ra thế giới.
Nguyên Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (giai đoạn 2005 - 2011) Nguyễn Tiến Khôi chia sẻ, nguyện ước đề cử Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là quyết tâm cao của lãnh đạo và Nhân dân tỉnh Phú Thọ. Sau nhiều công trình nghiên cứu và hội thảo, trải qua quá trình lựa chọn khắt khe, công phu và kỹ lưỡng, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thuộc loại hình di sản văn hóa phi vật thể - tập quán xã hội đã được Bộ VHTT&DL trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình hồ sơ vào tháng 3/2011. Hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ không chỉ đáp ứng được cả 5 tiêu chí của một di sản văn hóa phi vật thể thế giới quy định tại Công ước 2003, mà còn được chuyên gia quốc tế đánh giá cao. Tiêu biểu nhất kể đến giá trị: “Việc ghi danh thờ cúng Hùng Vương góp phần vào việc nhận diện các hình thức thờ cúng tổ tiên đang được thực hành ở nhiều nước khác và khuyến khích các cộng đồng nhận thức được sự tương đồng, đồng thời nâng cao sự tôn trọng đa dạng văn hóa”.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc Hội, Tín ngưỡng thờ cũng Hùng Vương chính là bản sắc của người Việt: “Thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng thủy tổ của dân tộc - đất nước trở thành một biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối giữa quá khứ với hiện tại, có tác dụng vun đắp tình cảm với gia đình, làng xã và đất nước. Giỗ tổ Hùng Vương nhằm giáo dục đạo lý nhớ ơn tổ tiên, trở thành nơi hội tụ tinh thần đưa các thế hệ con cháu về với cội nguồn”.
Trong ngày giỗ tổ Hùng Vương cũng như các ngày còn lại trong năm thì hàng triệu người đã hành hương về núi thiêng Nghĩa Lĩnh nhớ ơn công lao tổ tiên trong giữ nước và dựng nước. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã ăn sâu vào trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, tín ngưỡng này đã trở thành điểm tựa tinh thần, đức tin vào sự linh thiêng huyền diệu của Tổ tiên để người dân đất Việt thắt chặt khối đại đoàn kết đồng bào, chung sức chiến thắng thiên tai, giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn bờ cõi.
Trải qua chặng đường 12 năm, bên cạnh việc quan tâm đầu tư, xây dựng, tu bổ cơ sở vật chất tạo thuận lợi cho đồng bào, du khách hành hương về nguồn,nhiều chính sách hỗ trợ bảo tồn tín ngưỡng được thực hiện như: đầu tư, nghiên cứu, sưu tầm các truyền thuyết, nghi lễ, diễn xướng dân gian liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương qua các đề tài khoa học; lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm được tiến hành trang nghiêm, thành kính; người dân ở các địa phương có di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời kỳ Hùng Vương tự nguyện tổ chức tế lễ, dâng hương tri ân.
Trong hoạt động giáo dục thế hệ trẻ, 100% các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh tích cực thực hiện mô hình “Trường học gắn với di sản”. Cùng với hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được biên soạn đưa vào chương trình giáo dục địa phương của tỉnh theo chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2021 - 2022. Các tiết học giúp học sinh nhận thức được tầm quan trọng của di sản quê hương, biết vận dụng những kiến thức đã học để chung tay bảo vệ những giá trị văn hóa quý báu đó. Dự án tu bổ, tôn tạo hạ tầng Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (giai đoạn 2021- 2023) có tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng được triển khai với nhiều hạng mục cũng góp phần bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái của Khu di tích, phục vụ đồng bào, Nhân dân trong và ngoài nước về tham quan, dâng hương tri ân công đức tổ tiên.
Tưởng nhớ, tự hào về nguồn cội
Theo số liệu thống kê của Bộ VHTT&DL, hiện nay trong cả nước có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và vợ con, tướng lĩnh thuộc thời đại Hùng Vương. Riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 345 di tích gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, trong đó có 249 di tích đang thờ tự.
Từ đỉnh núi Nghĩa Lĩnh - Trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất cả nước, theo dòng chảy thời gian, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương dần dần lan tỏa tới các địa phương khác. Đầu tiên là các vùng đất quanh chân núi Nghĩa Lĩnh như đình làng Cổ Tích (xã Hy Cương), đình làng Trẹo (thị trấn Hùng Sơn), đình làng Cả (Tiên Kiên)... sau đó lan tỏa khắp địa bàn Phú Thọ, Vĩnh Phúc, hầu như huyện, thành, thị nào cũng có những ngôi đền thờ Hùng Vương, vợ con, tướng lĩnh thuộc thời đại Hùng Vương, rồi lan tỏa ra các tỉnh, thành trong cả nước, tập trung ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung và tiến sâu vào đất phương Nam theo dấu chân mở cõi của người Việt.
Ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm, cùng với Phú Thọ, các địa phương có điểm thờ Hùng Vương như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hòa, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Kiên Giang... đều tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng một cách trang trọng, thành kính, thể hiện sự tri ân, công đức Tổ tiên của các thế hệ con cháu với công lao dựng nước của các Vua Hùng.
Theo Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy: “Giỗ Tổ Hùng Vương đã thực sự trở thành ngày hội của đồng bào cả nước với nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống, hoạt động văn hóa dân gian của các vùng miền dân tộc. Không chỉ ở trong nước mà ở một số quốc gia trên thế giới, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng lập đền thờ các Vua Hùng như ở Califonia (Mỹ), Canada, Australia... hoặc các điểm thờ tự để đặt ban thờ, bài vị và tượng Hùng Vương để kiều bào cùng tổ chức lễ dâng hương nhớ về Tổ tiên trong ngày Quốc lễ như ở Nga, Séc, Lào...”.
Ngày “Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” đang được cộng đồng người Việt ở nước ngoài hưởng ứng mạnh mẽ, trở thành điểm tựa văn hóa tâm linh để mỗi người con nước Việt đều có dịp để tưởng nhớ về cội nguồn dân tộc và tự hào về nguồn cội. Các di tích và địa điểm thờ tự Vua Hùng ở khắp nơi luôn được người Việt bảo tồn, gìn giữ và xây dựng chính là sự khẳng định giá trị tâm linh bền vững trong đời sống tinh thần của cộng đồng, hành trang tinh thần vô giá của cả dân tộc để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Cùng với những sinh hoạt của cộng đồng, những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học, chuẩn hóa kịch bản, trao truyền thực hành nghi lễ và lan tỏa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được quan tâm.
Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng Lê Trường Giang chia sẻ: “Hàng năm, Khu di tích đều xây dựng kịch bản tổ chức Lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống cho các đối tượng khác nhau; tổ chức tốt công tác thống kê di tích, di sản văn hóa, nghiên cứu khoa học liên quan đến thời đại Hùng Vương và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Tổ chức thực hiện đề tài khoa học cấp cơ sở: Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển du lịch tại Di tích lịch sử Đền Hùng giai đoạn đến 2020”, “Ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng phần mềm quản lý và phát huy giá trị hiện vật tại Bảo tàng Hùng Vương”… Các đề tài khoa học này có tính ứng dụng cao trong thực tiễn và góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản”.
Bên cạnh đó, hàng năm, Khu Di tích phối hợp với UBND xã Hy Cương (TP Việt Trì, Phú Thọ) và thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao) tổ chức tập huấn, hướng dẫn trao truyền thực hành nghi lễ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để chọn ông Từ tại các đền trên núi Nghĩa Lĩnh hướng dẫn đồng bào thực hành nghi thức cúng lễ tổ tiên; tổ chức triển lãm chuyên đề, trưng bày hiện vật tại bảo tàng Hùng Vương - Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Qua đó giới thiệu với du khách về lễ hội Đền Hùng từ thời phong kiến nhà Nguyễn đến ngày nay.
Từ Đền Hùng - nơi khởi nguồn của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lan tỏa ra cả nước, vượt qua biên giới lãnh thổ đến những nơi có cộng đồng người Việt sinh sống trên thế giới. Đó chính là sức sống mạnh mẽ của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương- tín ngưỡng của người Việt.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/them-tu-hao-ve-gia-tri-nguon-coi.html