Thêm vụ cháy tại Trung Kính, đại biểu Quốc hội đề nghị 'làm gắt' với nhà trọ cho thuê
Vụ cháy nhà trọ ở phố Trung Kính khiến 14 người tử vong sáng 24/5 lại làm 'nóng' câu chuyện cung ứng nhà ở xã hội và quản lý giám sát nhà trọ cho thuê ở các thành phố lớn.
Trước khi điều hành phiên họp sáng nay (24/5), Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ sự đau buồn và gửi lời chia sẻ nỗi đau đến gia đình các nạn nhân trong vụ cháy nhà trọ ở phố Trung Kính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vào rạng sáng 24/5.
Số liệu ban đầu cho biết, có 14 người tử vong và một số người bị thương do vụ cháy.
Đầu giờ sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức đoàn công tác do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dẫn đoàn, đến hiện trường và bệnh viện để thăm hỏi, động viên các gia đình bị nạn, động viên đội ngũ bác sĩ và lực lượng cứu hộ cứu nạn tại cơ sở.
Cần cấm hình thức nhà ở kết hợp kinh doanh
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 24/5, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội) nhận định, hậu quả của vụ cháy hết sức bi thảm.
Tại kỳ họp này, chúng ta đang xem xét để sửa Luật phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn. Ông An cho biết khi Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra dự thảo Luật, cá nhân ông đã đề xuất rà soát lại quy định về phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở, nhất là nhà ở kết hợp với kinh doanh.
Theo vị đại biểu, rủi ro và khả năng xảy ra cháy đối với đối tượng là nhà ở, nhất là nhà ở kết hợp kinh doanh hiện hữu rất rõ và có thể xảy ra bất kể khi nào; nhất là nhà ở tại các thành phố lớn có khu nhà trọ, nhà cho người lao động, cho học sinh, sinh viên thuê.
Sau vụ cháy ở Thanh Xuân (Hà Nội) khiến 56 người tử vong vào năm ngoái, các lực lượng chức năng đã tổ chức rà soát, đồng thời có cảnh báo rất cụ thể. Tuy nhiên, theo đại biểu, thực trạng nhà ở hiện nay khiến chúng ta đang phải chấp nhận rủi ro hàng ngày, hàng giờ, bởi nhu cầu thuê nhà tại các thành phố lớn phục vụ lao động và học hành vẫn quá lớn.
Bên cạnh đó, các dự án nhà xã hội, nhất là nhà ở xã hội cho thuê chưa được triển khai đồng bộ, khiến người có thu nhập thấp chưa tiếp cận được; cho nên, người dân không có sự lựa chọn nào khác.
Đề xuất giải pháp, vị đại biểu cho rằng, trên cơ sở rút kinh nghiệm thực tiễn từ những vụ cháy thời gian qua, nhất là vụ việc xảy ra tại Trung Kính sáng nay, biện pháp phòng ngừa phải được quan tâm trước tiên, ý thức của người dân phải được tăng cường.
Thêm vào đó là vai trò của cơ quan quản lý và các cấp chính quyền. Ông An cho rằng, lực lượng chuyên trách sẽ không có đủ người để đi đến từng nhà canh chừng, do đó các cấp đoàn thể cơ sở phải rất sát sao vận động tuyên truyền nâng cao cảnh giác.
Cùng với đó, các khu vực nhà trọ tại Hà Nội và TP.HCM, các thành phố lớn như Bình Dương, Đồng Nai, Hải Dương, Bắc Ninh - nơi tập trung người lao động, công nhân, phải rà soát một cách chặt chẽ. Tất cả các cơ sở, nhà ở theo dạng này phải trang bị bình cứu hỏa, phải sắp xếp, bố trí cầu thang thoát hiểm...
"Lâu nay chúng ta chỉ rà soát thông thường, mới chỉ nhắc nhở. Như trường hợp cháy ở Trung Kính có thể thấy khu vực trên mái nhà quây tôn kín, ở dưới là kinh doanh xe. Nếu là người có trách nhiệm thì phải yêu cầu gỡ bỏ mái tôn hoặc mở đường thoát hiểm”, ông An nói.
Đồng thời, đại biểu đoàn Đồng Nai cho rằng, Hà Nội đang còn rất nhiều quỹ đất có thể tận dụng được để xây nhà cho người thu nhập thấp thuê. Về lâu dài phải có một hệ thống đồng bộ trong quy hoạch đô thị, trong đầu tư các dự án nhà xã hội, nhà thu nhập thấp, để giảm dần câu chuyện cho thuê trọ tự phát.
Giải pháp trước mắt, đại biểu đề nghị các cấp chính quyền phải có biện pháp mạnh tay khi rà soát trên địa bàn. Nếu thấy nguy cơ cao, đe dọa tính mạng người dân thì phải cưỡng chế, yêu cầu phải bỏ ngay các vật cản, mái tôn và phải thiết kế thêm lối thoát hiểm.
"Phải đồng bộ cả giải pháp ngắn hạn và dài hạn với những biện pháp kỹ thuật, biện pháp mang tính cưỡng bức bắt buộc để ngăn chặn những hậu quả thảm khốc như những vụ cháy thời gian qua", ông An nêu ý kiến.
Đáng lưu ý, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị phải cụ thể được quy định đối với nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh khi sửa Luật Phòng cháy chữa cháy.
“Trường hợp kết hợp nhà ở với sản xuất kinh doanh, có cả phòng trọ thì nên cấm, để không thể tạo ra những rủi ro cao. Vụ việc ở Trung Kính, bên dưới là kinh doanh xe điện và nếu chập cháy thì sẽ tạo nguy cơ rất rõ ràng. Chúng ta phải có trong quy định của pháp luật, cấm không cho phép kinh doanh trong diện tích có người thuê trọ. Điều này phải làm gắt để ngăn chặn rủi ro hiện hữu vì không thể mang nguy cơ cho hàng chục tính mạng đang ở cùng”, ông An nói.
Cần thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho thuê
Bày tỏ sự đau buồn về vụ cháy ở Trung Kính, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, cần chú ý nhiều hơn tới phân khúc nhà ở xã hội cho thuê, đừng để mỗi lần cháy mới lại rút kinh nghiệm.
Bà Nga nói rằng, chúng ta đã đề ra rất nhiều giải pháp để hạn chế thấp nhất các vụ cháy xảy ra, đặc biệt là đối với khu vực nhà dân. Tuy nhiên, một giải pháp mà chúng ta cần quan tâm, liên quan đến một loạt các luật Quốc hội vừa mới thông qua tại Kỳ họp thứ 6, đó là trong phát triển nhà ở xã hội thì hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến phân khúc nhà ở xã hội cho thuê.
Bởi theo kết quả giám sát và khảo sát hiện nay, thì dù đã được hưởng rất nhiều ưu đãi nhưng phân khúc nhà ở xã hội giá thành vẫn khá cao so với thu nhập của những người lao động có thu nhập trung bình và thu nhập thấp ở các đô thị lớn.
Lấy ví dụ ở Hải Dương, giá nhà ở xã hội dao động từ khoảng 11 - 14 triệu đồng/m2. Như vậy, với một căn nhà ở xã hội dạng chung cư khoảng 50 m2, người thu nhập cũng đã phải bỏ ra 600 - 700 triệu đồng để sở hữu, nó vượt quá khả năng chi trả của rất nhiều người.
“Qua giám sát, rất nhiều người lao động nói rằng, với mức lương hiện nay của họ chỉ đủ sống ở các đô thị, không có tích lũy hoặc tích lũy không đáng kể. Vậy thì làm sao có thể bỏ ra từ ít nhất 500 - 700 triệu đến 1 tỷ đồng để mua một căn nhà ở xã hội, đó là điều không tưởng.
Đa phần nguyện vọng của người lao động có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở các đô thị lớn là được sở hữu một căn nhà ở xã hội không phải dưới dạng mua trả góp mà dưới dạng trả tiền thuê hàng tháng”, đại biểu Nga nói.
Giải pháp này, theo vị đại biểu là sẽ tháo gỡ được dần dần nhu cầu nhà ở của người có thu nhập thấp.
Bởi thực tế, các khu chung cư mini, các khu nhà trọ ở các đô thị hiện nay rất nhiều. Nếu chúng ta xử lý theo hướng tất cả các khu nhà trọ và các chung cư mini không đảm bảo tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy không được cho thuê trọ nữa, thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Thứ nhất, sẽ tác động tiêu cực đối với những chủ đầu tư, đánh vào phương tiện kinh doanh mang lại thu nhập. Thứ hai quan trọng hơn nữa là nếu dừng thì tất cả những người lao động có thu nhập thấp đang sinh sống trong những khu nhà trọ này sẽ đi đâu, về đâu?
Về giải pháp đối với công tác phòng cháy chữa cháy, bà Nga cho rằng, quy định về phòng cháy, chữa cháy đã gắn trách nhiệm của từng cấp, từng ngành. Điều quan trọng hiện nay là rà soát tích cực và có phương án đối với từng loại hình, chứ không thể có một phương án hay công thức chung.
Ngoài ra, đại biểu nhắc lại, chúng ta đã có kế hoạch từ rất lâu là di dời các trường đại học ra khỏi khu vực nội đô Hà Nội để giảm áp lực quá tải cho các khu nhà trọ trong thành phố, nhưng chưa làm được.
“Nếu rốt ráo làm tốt công tác di dời các trường đại học ra khỏi khu vực nội đô Hà Nội thì sẽ giảm tải được một phần nào áp lực lên các khu nhà trọ này”, bà Nga nói.
14 người tử vong trong vụ cháy ở Trung Kính
Theo thông tin ban đầu, vụ cháy xảy ra vào khoảng 00h30 ngày 24/5 tại nhà số 1 ngách 43/98/31 phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Tại khu vực xảy ra cháy có nhiều tiếng nổ lớn, ngọn lửa nhanh chóng lan rộng, khói đen bốc cao.
Đây là ngôi nhà có 5 tầng, mỗi tầng 2 phòng, tầng 1 có cửa hàng kinh doanh, sửa chữa xe máy, xe đạp điện. Các tầng trên là nhà trọ cho thuê.
Ngay khi đám cháy xảy ra, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn đã đã điều động nhiều xe cứu hỏa, cứu hộ, cứu nạn đến hiện trường để dập lửa. Tuy nhiên do ngôi nhà nằm sâu trong ngõ nhỏ rộng chưa đến 2m, cách xa mặt đường Trung Kính hơn 200m nên xe cứu hỏa không thể tiếp cận tận nơi. Lực lượng cứu nạn cứu hộ phải kéo đường ống dẫn nước từ đường Trung Kính vào hiện trường để chữa cháy.
Đến hơn 3h sáng, nhiều thi thể bọc túi vải, đặt trên cáng được lực lượng chức năng đưa ra ngoài. Đến khoảng 4h, ngọn lửa được dập tắt.
Thống kê mới nhất cho biết có 14 người thiệt mạng và một số người bị thương.