Thêm yêu chiếc áo dài
Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một sự kiện văn hóa, du lịch không thể thiếu vào mỗi dịp tháng 3 tại thành phố mang tên Bác. Năm nay, lễ hội phát triển hơn với nhiều hoạt động đa dạng, thu hút nhiều đơn vị, cá nhân tham gia khiến cho hình ảnh chiếc áo dài trở nên đẹp hơn, nhất là đối với du khách nước ngoài.

Các người mẫu trình diễn áo dài trong Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 11, năm 2025.
Chương trình "Đồng diễn dân vũ với Áo dài" trở thành một trong những sự kiện đáng nhớ của Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 11 năm 2025. Chương trình có sự tham gia của hơn 3.000 người trực tiếp tại đường đi bộ Nguyễn Huệ và hơn 47.000 người tại các điểm đến của 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Đặc biệt, chương trình Diễu hành cổ phục lần đầu tiên tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh với gần 1.000 người tham gia là màn trình diễn ấn tượng nhất và quy mô nhất từ trước đến nay, nhằm tôn vinh vẻ đẹp trang phục truyền thống, theo dòng chảy văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử hòa quyện cùng nét duyên dáng của áo dài hiện đại.
Hành trình diễu hành cổ phục hoành tráng với áo dài ngũ thân và các cổ phục truyền thống diễn ra trên những tuyến đường trung tâm: Nguyễn Huệ-Lê Lợi-Nhà ga Trung tâm Bến Thành (tuyến Metro số 1)-Nhà hát Thành phố-Công viên 23 Tháng 9-Bùi Viện (Quận 1).
Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, đây là sự kiện mang đến cho thành phố những sắc màu nổi bật, là sự hòa quyện giữa những cổ phục mang đậm dấu ấn các triều đại về chiếc áo dài duyên dáng - biểu tượng của bản sắc Việt Nam. Trên tuyến đường Nguyễn Huệ rực rỡ sắc màu, từng bước chân diễu hành đã tái hiện bức tranh sống động về hành trình phát triển của trang phục Việt, từ cung đình đến dân gian, từ quá khứ đến hiện tại. Không chỉ tôn vinh giá trị thẩm mỹ và tinh hoa nghệ thuật thủ công, chương trình là lời mời gọi cộng đồng cùng chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, lan tỏa niềm tự hào Việt Nam đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Cuộc thi Vẽ trên áo dài cũng là một trong những hoạt động chính của lễ hội Áo dài thành phố năm 2025. Với chủ đề "Thành phố em yêu, thành phố hòa bình và hạnh phúc" hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, cuộc thi thu hút hàng trăm bạn nhỏ yêu hội họa trên khắp cả nước tham gia. Sự tham gia đông đảo này thể hiện tình yêu của các em đối với nghệ thuật, là minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của tà áo dài trong lòng thế hệ trẻ.
Mỗi tác phẩm không chỉ là một bức tranh, mà còn là một câu chuyện kể về tình yêu, sự tự hào về một Thành phố Hồ Chí Minh hiện đại, sống động, nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc và ngập tràn tình yêu thương. Qua cuộc thi, Ban tổ chức hy vọng tạo ra một sân chơi nghệ thuật đầy sáng tạo, giúp các em học sinh thể hiện tài năng, đồng thời tôn vinh vẻ đẹp của tà áo dài Việt Nam và lan tỏa tình yêu đối với thành phố mang tên Bác.
Bên cạnh những hoạt động chính trong khuôn khổ của lễ hội, nhiều đơn vị đã tổ chức các sự kiện hưởng ứng lễ hội Áo dài tạo nên một không gian ấn tượng về chiếc áo dài trong mắt du khách và người dân thành phố. Chương trình Hành trình kết nối văn hóa và nghệ thuật Art tour - Áo dài diễn ra vào đầu tháng 3 đã làm cho Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh trở nên sinh động, rực rỡ hơn bởi sắc màu của những chiếc áo dài. Sự kiện nhằm tôn vinh vẻ đẹp của Áo Dài Việt Nam qua nhiều góc độ - từ lịch sử, nghệ thuật thủ công đến những ứng dụng sáng tạo trong đời sống đương đại.
Đây sẽ là không gian giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, nơi mỗi người tham gia có thể cảm nhận, trải nghiệm và góp phần lan tỏa giá trị văn hóa Việt theo cách riêng của mình. Bốn ngày diễn ra sự kiện đã tạo cơ hội cho các nghệ sĩ, nhà thiết kế, thương hiệu thủ công và cộng đồng cùng nhau kể câu chuyện về áo dài, là dịp để du khách trong nước và quốc tế hiểu hơn và yêu hơn áo dài Việt Nam qua các hoạt động như triển lãm áo dài; gian hàng thương mại; tọa đàm về bảo tồn di sản, sách, áo dài, sáng tạo đương đại; trình diễn văn hóa nghệ thuật; hoạt động trải nghiệm và áo dài hành diễn.
Sinh viên Nguyễn Thanh Trúc, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Chương trình Art tour - Áo dài khiến tôi bất ngờ với khả năng sáng tạo của các nghệ nhân, nhà thiết kế. Chương trình vừa mang đến những chiếc áo dài có vẻ đẹp rất mới, vừa kể được những câu chuyện về văn hóa của dân tộc. Đây là sự kiện rất có ích đối với thế hệ trẻ, giúp họ hiểu hơn về con đường phát triển và tỏa sáng của áo dài Việt".
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cho biết, lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tôn vinh và bảo tồn vẻ đẹp của áo dài, lan tỏa tinh hoa văn hóa dân tộc, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh - một thành phố năng động, sáng tạo, hội nhập sâu rộng nhưng luôn nâng niu, gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp. Lễ hội năm nay, là sự kiện văn hóa-du lịch mở đầu cho chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của thành phố, đồng hành cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc.
"Lễ hội còn là sự kiện tôn vinh vẻ đẹp và những cống hiến của người phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong xây dựng gia đình và xã hội. Đây cũng là lời chào thân thương gửi đến bạn bè quốc tế, mời gọi đến với một thành phố năng động, hiện đại, tràn đầy hứng khởi với những con người hào sảng, yêu chuộng hòa bình và không ngừng hướng đến hạnh phúc", đồng chí Nguyễn Văn Được chia sẻ thêm.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/them-yeu-chiec-ao-dai-post864306.html