Theo chân người dân Trà La đi hái sim rừng

Cứ độ tháng 6 Âm lịch về, người dân thôn Trà La, xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa lại nô nức, kéo nhau đi hái 'lộc rừng' về bán, vừa mang lại thu nhập, vừa có công việc lúc rảnh rỗi.

Đường về thôn Trà La, xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Theo đó, thôn Trà La, xã Hoằng Xuân là địa bàn xa nhất của huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, cây sim mọc tự nhiên bạt ngàn ở khắp các quả núi: Núi Phượng, núi Ổ Gà, núi Đá Bạc, Đồng Bằng, núi Bái Thánh,... Người dân nơi đây chia sẻ, cứ vào khoảng tháng 4 đến tháng 5, cây sim bắt đầu ra quả và đến tháng 7 thì chín rộ khắp các cánh rừng.

Thời điểm này, người dân trong thôn bắt đầu đổ xô đi hái. Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng quả sim tăng cao, nhiều người dân tận dụng thời gian rảnh rỗi, lên rừng kiếm thêm thu nhập. Dù chỉ là công việc thời vụ, lúc rảnh rỗi, thế nhưng mỗi gia đình cũng có thu nhập trung bình 5 - 6 triệu đồng/vụ.

Em L.T.H (15 tuổi) theo bố mẹ lên rừng hái sim

Theo chân người dân nơi đây, thức dậy từ tờ mờ sáng, ăn bữa sáng đơn giản rồi cùng lên "đường". Công cụ làm việc chỉ có đôi ủng dài tới đầu gối, đồ chống nắng và không thể thiếu 1 chiếc túi xách hay 1 cái làn để đựng sim rừng.

Những ngày này, người dân đi thu hoạch sim đông như "trẩy hội", muốn hái được nhiều thì người dân phải leo lên đỉnh núi cao và xa. Vì đường dốc, đá tai mèo sắc nhọn, nên chỉ có người khỏe mạnh, nhanh nhẹn và có kinh nghiệm mới đủ sức leo núi để hái sim.

Quả sim rừng có vị ngọt, chát, có nhiều tác dụng trong bổ dưỡng sức khỏe.

Quả sim rừng có vị ngọt, chát, có nhiều tác dụng trong bổ dưỡng sức khỏe, nhất là dùng chữa các chứng huyết hư, thổ huyết, chảy máu mũi, thoát giang, tai ù, di tinh... Sim rừng cũng được biết đến là vị thuốc có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tất cả các bộ phận từ thân, lá, rễ cây sim đều có thể sử dụng như một vị thuốc.

Loại quả này khi được lên men có mùi vị rất thơm và dễ uống, có nhiều tác dụng tốt. Quả sim chín cũng được người dân sử dụng để ngâm rượu, hoặc phơi khô sắc uống. Quả sim có thể ủ lên men thành món uống “cay cay”, có lợi cho sức khỏe.

Quả sim rừng khi chín có màu ngả tím, nhỏ hơn quả ổi con.

Để hái được nhiều sim mà không bị nắng gắt, người dân đi từ 5h sáng. "Công việc đi hái sim cũng không khó nên dân làng kéo nhau đi chẳng kể trai hay gái, già hay trẻ cứ ai rảnh thì đi vì đã gọi là "lộc trời" nên cứ thế lên hái thôi" - bà Lê Thị Phinh, 78 tuổi chia sẻ. Người dân đi hái cho tới khi nắng lên cao thì ra về. Trước đây, còn có nhiều người đi hái buổi chiều nhưng giờ ít đi vì nắng và cuối vụ sim không còn nhiều.

Quả sim có thể ủ lên men thành món uống “cay cay”, có lợi cho sức khỏe.

Quả sim nhỏ, cây cao chừng 1 đến 2m nên người lớn, trẻ em đều có thể đi hái được. Công việc tuy đơn giản nhưng vẫn có nguy hiểm rình rập họ. Điều thú vị là cây sim trái chín rất nhanh. Cùng một cây sim, buổi sáng có người hái thì đến chiều, người khác đến vẫn có thể tìm được quả chín để hái.

Qua quan sát của PV, hái sim rất vất vả, phải leo lên những quả núi dốc trong cái nắng gay gắt. Để hái được nhiều, đòi hỏi người đi hái phải chăm chỉ, chịu khó vì sim mọc ở nhiều nơi, trải rộng cả rừng. Chính vì thế, người ta ví người hái sim như những con ong chăm chỉ, cứ cặm cụi hái từ cây này sang cây khác, tới khi ngẩng mặt lên thì nắng đã lên cao và người đã đi xa tới mức nào.

Muốn hái được nhiều sim, người dân phải leo lên đỉnh núi cao và xa.

Người dân ở thôn Trà La không lạ gì cây sim và cũng không ai thống kê, công bố có bao nhiêu cây sim trong rừng. Chúng mọc đầy trên những mảnh đất hoang trên núi. Đây là loài cây hoang dã có sức sống mãnh liệt, chịu được cả hạn hán lẫn ngập úng. Vào độ tháng 4, tháng 5, khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện, cây sim cũng bắt đầu vươn cành, đâm hoa. Những trái sim chín căng tròn, trông như trái ổi nhỏ.

Mùa sim chín cũng đúng dịp nghỉ hè nên nhiều gia đình, ngoài bố mẹ còn có con cái cùng lên núi hái sim về bán. Dù số tiền bán sim không nhiều nhưng cũng đủ để mua đồ dùng học tập trong năm học mới.

Người dân vui vẻ khi hái được nhiều "lộc rừng".

Hiện nay, người đi hái rất đông, để hái được nhiều phải leo cao và đi xa. Ai không leo xa được thì loanh quanh ở vùng thấp để nhặt nhạnh sim trong những bụi cây nằm rải rác ven chân núi. Quả sim chín chưa kịp hái rụng xuống chim tha đi, cứ thế cây sim lại sinh trưởng phát triển nhiều.

Mùa hái sim ở Trà La chỉ kéo dài trong tháng 6 Âm lịch.

Được biết, sim hái về được một số thương lái trong xã đến tận thôn thu mua. Giá dao động từ 16.000 - 20.000 đồng/kg. Vào thời điểm chính vụ, trung bình mỗi người hái được khoảng 5-7 kg/buổi; tính ra thu nhập cũng khoảng 150.000 - 200.000 đồng/ngày. Hái được bao nhiêu, thương lái mua hết bấy nhiêu, bà con lại được trả tiền luôn nên người dân thôn Trà La rất phấn khởi.

Sim hái về được một số thương lái trong xã đến tận thôn thu mua hoặc bằng nhiều kênh khác nhau.

Theo ông Trịnh Xuân Hoàn, Chủ tịch xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa cho biết, toàn xã có hơn 500ha rừng sim. Việc người dân đi hái sim không ảnh hưởng tới an toàn phát triển rừng. Sim mọc tự nhiên dưới tầng hạ bì nên địa phương cũng ngăn không cho người dân chặt phá rừng.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/theo-chan-nguoi-dan-tra-la-di-hai-sim-rung-post150889.html