Theo chân người mang ánh sáng về bản, làng

Tự hào vì được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xứ Thanh tươi đẹp, 'địa linh nhân kiệt' cộng thêm cái nghề cho phép mình được thỏa sức đi để tìm hiểu, khám phá khắp nơi, khắp chốn, ấy vậy mà suốt 'hai mươi mấy năm cuộc đời', tôi mới chỉ biết đến địa danh Mường Lát qua những dòng thơ 'Tây Tiến': 'Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!/ Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi/ Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi'.

Công nhân kiểm tra sau lắp đặt công tơ cho các hộ gia đình tại khu tái định cư bản Poọng.

Mong một lần có được cái cảm giác “nhớ chơi vơi” khi hồi tưởng lại cảnh sắc thiên nhiên nơi miền biên viễn, tình người nồng hậu vùng cao, lòng cứ chộn rộn lên cái ý nghĩ phải đặt chân đến đây vào dịp gần nhất. Nghĩ là làm, nhân niềm vui của ngành điện Thanh Hóa vừa qua đã đóng điện thành công, vượt tiến độ được giao cho các khu tái định cư của 3 xã vùng sâu, vùng xa ở huyện Mường Lát. Tôi ngỏ ý với lãnh đạo Công ty Điện lực Thanh Hóa được về đây tìm hiểu, ghi nhận cuộc sống của bà con dân bản đổi thay ra sao kể từ khi có điện. “Nhất trí ngay thôi đồng chí, thông báo lại lịch trình cho tôi để tôi báo cáo lãnh đạo và sắp xếp công việc nhé” – email phản hồi từ đồng chí Hùng Mạnh – bí thư đoàn thanh niên, Công ty Điện lực Thanh Hóa báo hiệu chuyến công tác vùng cao thuận lợi, ý nghĩa của tôi.

Theo kế hoạch ban đầu, đoàn chúng tôi “đi một mạch” lên Điện lực Mường Lát. Sau đó, đoàn sẽ làm việc với đơn vị Điện lực Quan Hóa trên lộ trình xe quay trở lại thành phố. Tất cả lịch trình gói gọn trong vòng 1 ngày “đi sớm về khuya”. “Khi nghe nói về lịch trình công tác Mường Lát đi về trong ngày, cả tổ lái xe đều lắc đầu ngao ngán, may có ông này đồng ý đấy” – anh Mạnh tếu táo, cả xe cười vang như có thêm tinh thần và động lực cho hành trình dài phía trước. Trầm tĩnh một lát anh Mạnh cho hay: “Với mỗi người cán bộ, công nhân, lao động ngành điện, dù ở vị trí, vai trò nào cũng không quản ngại khó khăn, gian khổ, dù bão giông hay nắng lửa, ngày hay đêm. Bất cứ thời điểm nào cũng sẵn sàng lên đường với nhiệm vụ đem ánh sáng đến với mọi người”. Quả thật, chuyến đi của tôi hôm nay may mắn gặp được “tay lái xịn”, đi đường núi mà cảm giác nhẹ nhàng như vẽ vòng cung trên đất, không lắc lư, “co giật” từng hồi.

Sau gần 4 giờ ngồi xe, chúng tôi có mặt tại bản Poọng, xã Tam Chung. Vẫn còn đó những con suối cạn đáy, trơ sỏi đá, củi khô chất ngổn ngang; vài cái lán tạm người dân dựng lên ở và tập kết đồ đạc chờ chuyển vào khu tái định cư... Tất cả như minh chứng chân thực cho mất mát, đau thương mà người dân bản này phải gánh chịu sau đợt lũ quét hồi cuối tháng 8-2018. Nhưng cách đó không xa, khu tái định cư cho thấy một cuộc sống mới đang hồi sinh từng ngày. Những nếp nhà vững chãi được dựng lên; lúa mới đã được gặt về phơi vàng óng dọc theo các con đường của bản. Trong nhà, đèn điện được thắp sáng. Lũ trẻ con hồ hởi nô đùa rồi tụm năm tụm ba “dán mắt” vào màn hình vô tuyến xem mấy chương trình hoạt hình yêu thích... Để hiểu hơn về những thay đổi trong cuộc sống của bà con ở bản kể từ khi có điện lưới quốc gia, chúng tôi tìm gặp anh Lò Quốc Tính (37 tuổi) – trưởng bản Poọng. Dặm thêm vài que củi vào cái bếp “dã chiến” dùng để nấu bữa cơm trưa cho cả gia đình, anh Tính cho biết: Những ngày đầu xây dựng khu tái định cư, cuộc sống của bà con rất vất vả. Chưa có nhà, bà con phải dựng lều, lán ở tạm. Mọi thứ từ điện, nước đều không có tại chỗ mà phải đưa từ khu vực bên ngoài vào. Tối đến gần như cả bản tạm dừng mọi hoạt động, dựa vào ánh sáng tù mù của mấy cây nến, đèn dầu đủ để thấy đường đi lối lại, tránh va vào nhau. Trời mưa gió thì nến cũng không dùng được mà trời nắng nóng, thắp nến trong lều không khác gì lò hơi. Hơn thế, không có điện, các công việc xây dựng khu tái định cư mất nhiều thời gian, đổ nhiều công sức hơn do phải thực hiện thủ công bằng sức người. “Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đặc biệt là sự nỗ lực đóng điện sớm của ngành điện, cuộc sống của bà con bản Poọng từng bước đi vào ổn định, bớt đi phần nào gian nan vì có thể sử dụng được các vật dụng thiết yếu hằng ngày phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Giờ chỉ mong cho 21 hộ còn lại của bản Poọng nhanh chóng được chuyển vào khu tái định cư là vui lắm rồi!” – anh Tính chân thành chia sẻ. Nỗ lực đóng điện sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch của Công ty Điện lực Thanh Hóa được chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận sâu sắc: “Việc tổ chức đóng điện và đưa điện về các khu tái định cư huyện Mường Lát là một sự nỗ lực rất lớn của Điện lực Thanh Hóa. Sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần sớm ổn định cuộc sống cho người dân tái định cư, tạo điều kiện để bà con xây dựng và phát triển kinh tế lâu dài” – ông Hà Văn Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Chung nhận định.

Góp phần làm nên kết quả đáng tự hào ấy không thể không kể đến đóng góp của những công nhân Điện lực Mường Lát. Hơn 10 năm công tác tại Điện lực Mường Lát, anh Hà Văn Đanh (31 tuổi) gắn bó với cuộc sống và bà con dân bản ở đây như những người thân trong gia đình. Công việc thường xuyên phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Đường sá đi lại xa xôi, bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, điều kiện làm việc hiểm nguy khi phải đu mình trên những cột điện cheo leo bên sườn núi... “Tuy nhiên, khi nghĩ về những khó khăn của người dân khi chưa có điện thì trong lòng những người công nhân ngành điện như chúng tôi luôn hạ quyết tâm, nêu cao tinh thần trách nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ để người dân sớm có điện hòa cùng điện lưới quốc gia ổn định cuộc sống” – anh Đanh chia sẻ.

Chia tay Mường Lát khi đã quá trưa, đoàn chúng tôi tiếp tục lịch trình làm việc với Điện lực Quan Hóa trước khi xuôi về thành phố. Ai đó đã từng ghi lại kỷ niệm trong một lần ngược núi ghé thăm Cổng Trời như thế này: “Nếu đoạn đường từ huyện Quan Hóa lên tới Mường Lát là chặng đường thử sức, thử chí thì quãng đường từ Quan Hóa xuôi về thành phố chỉ đơn giản như một cuộc dạo chơi với miền sơn cước”. Ấy là nói về đường đi, lối lại chứ riêng công việc của cán bộ, công nhân viên Điện lực Quan Hóa chẳng hề kém phần gian truân, vất vả. Tiếp chúng tôi ở chiếc bàn đặt tạm trong khuôn viên trụ sở ngổn ngang, bề bộn vì đang trong quá trình cải tạo, tu bổ, anh Hoàng Hồng Hải – Giám đốc Điện lực Quan Hóa bộc bạch: Điện lực Quan Hóa hiện quản lý 240,82 km đường dây 35kV và 183,25 km đường dây 0,4kV với tổng số 12.208 khách hàng. Hệ thống lưới điện do đơn vị quản lý chủ yếu đi dọc theo hai con sông (sông Mã, sông Luồng) và đi trên sườn đồi nên nguy cơ xảy ra sự cố cao. Khi có sự cố trên lưới điện, đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn trong việc khắc phục, xử lý, nhất là vào mỗi dịp mùa mưa lũ tới. Đặc biệt, công tác khắc phục, xử lý sự cố càng gian nan hơn ở các bản tuyến sông Mã vì không có cầu bắc qua sông, phải phụ thuộc vào việc đi đò của người dân. Mặt khác, huyện Quan Hóa là vùng chuyên cung cấp nguyên liệu cho các xưởng chế biến luồng, người dân chủ yếu trồng luồng khiến việc tuyên truyền ở cấp cơ sở về việc bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, bảo vệ tài sản lưới điện gặp thử thách.

Kể từ khi có điện, cuộc sống của người dân bản Poọng được cải thiện hơn rất nhiều.

Khó khăn chồng chất khó khăn là thế nhưng được sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền địa phương và chỉ đạo sâu sát, kịp thời của lãnh đạo Công ty Điện lực Thanh Hóa cùng ý thức trách nhiệm, kỷ luật làm việc của cán bộ, công nhân viên, người lao động, Điện lực Quan Hóa đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao, như: Thực hiện chỉ tiêu kinh doanh; quản lý lưới điện hạ áp nông thôn; sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn, khắc phục thiên tai; đầu tư xây dựng cơ bản... Với ý nghĩ phải tích cực, nỗ lực hơn nữa trong việc đảm bảo cung cấp điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, anh Hoàng Hồng Hải trăn trở: “Hiện tại, ở những thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Quan Hóa đang có khoảng 1.300 hộ dân sống tại 8 bản và 12 cụm dân cư vẫn chưa có điện lưới quốc gia để thắp sáng và phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất hàng ngày. Không có điện, cuộc sống của người dân rất vất vả. Ngoài những hộ gia đình có điều kiện kinh tế đã đầu tư hệ thống tua bin nước, còn lại đa phần người dân chỉ sử dụng đèn pin hoặc đèn dầu để thắp sáng”. Theo mục tiêu của chương trình “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2013 - 2020” theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 8-11-2013 của Chính phủ và Quyết định 1740/QĐ-TTg ngày 13-12-2018, trên địa bàn huyện Quan Hóa có 2 bản là: Bản Bâu và bản Lót (xã Nam Động) đã có chủ trương đầu tư của tỉnh. 6 thôn, bản còn lại cũng đã được đoàn công tác của Sở Công Thương lên khảo sát thực tế nhằm tiến tới đầu tư xây dựng lưới điện. “Hy vọng rằng, lần sau các đồng chí quay trở lại đây, 8 bản này sẽ sáng bừng ánh điện” – anh Hải hào hứng khoe với chúng tôi.

Gói trọn một ngày theo chân những người công nhân ngành điện đang trực tiếp làm việc nơi đèo cao, núi dựng mới cảm nhận hết được ý nghĩa của ánh sáng điện lưới quốc gia trong việc cải thiện đời sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. V.I.Lênin đã từng nhận định: “Chủ nghĩa cộng sản = Chính quyền Xô Viết + Điện khí hóa”. Ngành điện cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng vẫn luôn nêu cao tinh thần “đi trước một bước”. Khắp các bản làng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn chưa có điện lưới quốc gia vẫn ngày đêm mong ngóng “bước chân của những người mang ánh sáng” về với cuộc sống của họ.

Bài và ảnh: Hương Thảo

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/theo-chan-nguoi-mang-anh-sang-ve-ban-lang/110594.htm