Theo chân thợ săn mật ong đất

Giữa bạt ngàn núi rừng với vô vàn âm thanh hỗn tạp nhưng những thanh niên làng Kênh (xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) lại có cách đặc biệt để phát hiện tổ ong đất, đó là dõi theo cánh ong bay và tiếng vo ve phát ra từ đôi cánh.

Chính khả năng đặc biệt này đã giúp họ trở thành những thợ săn mật ong lão luyện. Mùa mật vỏn vẹn chỉ hơn 1 tháng cũng đủ để họ thu hoạch hàng trăm lít mật vàng sóng sánh, tăng thu nhập cho gia đình.

Theo cánh ong bay

Sau vài lần lỡ hẹn, anh Nguyễn Sỹ Đắc (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) đã kết nối chúng tôi với nhóm thợ săn mật ong đất dày dạn kinh nghiệm của làng Kênh. Anh Đắc cũng đã nhiều lần theo chân những thanh niên này vào rừng để săn mật ong đất. Đón chúng tôi tại ngã ba Ia Nhin, anh đưa chúng tôi đến khu vực rừng lấy mật ở gần làng Hluh (xã Ia Grăng, huyện Ia Grai), cách đó hơn 20 km.

 Ong đất thường bay theo hướng thẳng nên người thợ săn mật chỉ cần xác định được đường bay thì cơ hội tìm thấy tổ rất cao. Ảnh: M.P

Ong đất thường bay theo hướng thẳng nên người thợ săn mật chỉ cần xác định được đường bay thì cơ hội tìm thấy tổ rất cao. Ảnh: M.P

Từ làng Hluh, chúng tôi băng qua những vườn điều bạt ngàn để đến lối mòn dẫn vào rừng. Trên lối đi, nhiều đoạn dốc thẳng đứng với những tảng đá chắn ngang và rễ cây trồi lên như giăng bẫy. Đó là chưa kể chúng tôi còn phải vượt qua bãi đá thuộc khu vực đập tràn của Nhà máy Thủy điện Ia Grai 1 (xã Ia Grăng) với những biển cảnh báo nguy hiểm.

Hành trang mang theo của những người thợ săn ong chỉ là vài chiếc rựa, nước uống và những gói cơm nắm, cá khô đã chuẩn bị sẵn. Đặc biệt không thể thiếu là dụng cụ đa năng-một bên là rìu để chặt cây, bên kia dùng để đào đất, còn cán sẽ dùng những cây sẵn có trong rừng để tra vào khi phát hiện tổ ong.

Sau khi để xe máy ven rừng, anh Rơ Châm Ly-thợ săn ong dày dạn kinh nghiệm bắt đầu quan sát địa hình, rồi chia nhóm người thành 3 tốp nhỏ tỏa đi các hướng khác nhau. Tổ nào phát hiện thì gọi điện thoại báo cho nhau.

Theo anh Ly, loài ong khoái làm tổ trên những cành cao, thường rất to nên dễ phát hiện. Còn ong đất thì làm tổ dưới đất trong những ổ mối bỏ hoang hoặc trong những bọng cây. Miệng tổ chỉ là 1 lỗ nhỏ bằng đầu ngón tay nên rất khó phát hiện. Nhưng đã tìm thấy thì việc lấy mật lại rất đơn giản, bởi tổ dưới đất thường cạn, chỉ cần đào 30-50 cm là có thể thấy những bánh mật xếp lớp từng dãy từ ngoài vào trong. Nếu tổ ở hốc cây, chỉ cần gõ nhẹ để xác định hướng tổ rồi mở miệng hang cho chính xác.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi “Vì sao đi tìm ong đất nhưng các anh cứ ngước nhìn lên trời và thỉnh thoảng dừng lại nghe ngóng?”, anh Ly cười giải thích: “Ong đất có thói quen uống nước trước khi bay về tổ. Bởi vậy, chúng tôi thường chọn đến những con suối trước khi len sâu vào rừng. Để phát hiện tổ ong đất không phải là chuyện may rủi, người săn ong phải “đọc” được cách nó bay. Ong đất không bay cao, bay loạn xạ mà thường bay theo hướng thẳng. Chỉ cần xác định đường bay thì cơ hội tìm được tổ của chúng rất cao”.

 Anh Rơ Châm Ly-thợ săn ong dày dặn kinh nghiệm của làng Kênh (xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) vui mừng với kết quả thu được là những mảng mật vàng ươm, trĩu nặng. Ảnh: M.P

Anh Rơ Châm Ly-thợ săn ong dày dặn kinh nghiệm của làng Kênh (xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) vui mừng với kết quả thu được là những mảng mật vàng ươm, trĩu nặng. Ảnh: M.P

Dù mới 40 tuổi nhưng anh Ly đã có hơn 20 năm kinh nghiệm với nghề săn mật ong đất. Vì thế, không khó khi anh có thể hiểu được thói quen của loài ong này. Cũng nhờ có kinh nghiệm mà giữa tháng 4 vừa rồi, tại cánh rừng thưa ở xã Gào (TP. Pleiku), chỉ trong 3 ngày, anh cùng 5 người trong làng thu được hơn 100 kg tổ ong (tương đương gần 60 lít mật), mỗi người bỏ túi vài triệu đồng.

Cũng tại cánh rừng này, anh đã phát hiện tổ ong đất nằm trong tổ mối nặng hơn 15 kg (hơn 10 lít mật); còn ở khu rừng gần Thủy điện Ia Grai 1, anh cũng từng thu tổ ong đất gần 10 lít mật. Ngoài ra, anh cũng là người xác lập kỷ lục trong đội thợ săn mật với tổ ong khoái nặng hơn 24 kg ở cánh rừng thuộc xã Gào...

 Anh Rơ Châm Ly (làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) vui mừng với tổ ong vừa thu được. Ảnh: M.P

Anh Rơ Châm Ly (làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) vui mừng với tổ ong vừa thu được. Ảnh: M.P

Sau hơn 1 giờ băng rừng, nhóm dừng chân bên thân cây to, nằm khuất trong bụi le rậm rạp. Một vài con ong lượn lờ quanh lỗ nhỏ cách mặt đất gần 2 m. Chỉ cần nhìn ánh mắt, mọi người đã hiểu cần phải làm gì tiếp theo. Anh Ly nhanh chóng dùng rựa phát quang các bụi rậm xung quanh, đồng thời gõ nhẹ vào thân cây để xác định hướng tổ. Những người còn lại nhanh chóng tìm cây làm chạc đứng thuận lợi.

Sau hơn nửa giờ đồng hồ thay nhau dùng rìu mở rộng miệng hang, từng mảng mật trong hốc cây cũng dần lộ diện. Tuy nhiên, trái với hăm hở ban đầu, anh Rơ Châm Toan-người đi cùng nhóm lắc đầu tiếc nuối: “Nếu tổ ong này lấy sớm chắc cũng được gần chục ký nhưng vì cuối mùa chúng “tham ăn, nhác làm” nên đã ăn đến phần lớn nguồn thức ăn dự trữ. Nhiêu đây chắc chỉ được hơn 1 lít mật”.

Trăn trở với nghề

 Anh Rơ Châm Toan ở làng Kênh (xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) đang dõi theo những cánh ong bay để xác định hướng bay nhằm tìm vị trí mà loại ong đất chọn làm tổ. Ảnh: Minh Phương

Anh Rơ Châm Toan ở làng Kênh (xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) đang dõi theo những cánh ong bay để xác định hướng bay nhằm tìm vị trí mà loại ong đất chọn làm tổ. Ảnh: Minh Phương

Tưởng chừng có tín hiệu vui khi nhóm khác báo đã thu được tổ ong khoái hơn 3 kg và 1 tổ ong ruồi nặng gần 1 kg. Thế nhưng, sau khi thu hoạch tổ ong trong hốc cây, chúng tôi tiếp tục men theo sườn dốc hơn 3 km nữa mà vẫn không phát hiện thêm tổ ong nào.

Anh Toan chia sẻ: Có lẽ đã bước vào mùa mưa nên ong ít ra khỏi tổ, rất khó xác định vị trí nơi ở của chúng. Hơn nữa, khu vực này trước đó cũng đã có người vào khai thác. Vì thế, anh đề nghị “lui quân”. Với nhóm thợ săn mật ong này, mỗi chuyến đi rừng mà chỉ thu về 3-5 lít mật là coi như lỗ vốn.

Sản vật mà thiên nhiên ban tặng đã mang lại nguồn thu nhập cho nhiều người dân làng Kênh và các vùng lân cận. Thế nhưng công việc này không hề đơn giản. Ngoài đòi hỏi thể lực khỏe mạnh, dẻo dai để cắt rừng, lội suối, những người thợ săn mật ong còn phải đối mặt với nhiều rủi ro. Có hôm lội rừng cả ngày, cả nhóm về tay không. Có hôm gặp tổ ong dữ, người bị đốt tím mặt, sưng híp mắt cả tuần.

Chưa kể, những tổ ong rừng hay những cụm lan đẹp thường ở trên cây cao, ở những vị trí nguy hiểm nên phải là những người có kỹ năng leo trèo thì mới gắn bó lâu dài với nghề. Chẳng hạn như anh Ly, trước khi trở thành người săn ong, tìm mật giỏi nhất làng Kênh, anh từng bị ngã từ độ cao hơn 10 m trong một lần tìm mật ong khoái. May mắn là anh rơi xuống trúng phần đất mềm nên chỉ đi bệnh viện chữa trị vài hôm là khỏi. Do vậy, mỗi khi vào rừng, mọi người luôn tự nhắc nhau phải hết sức cẩn thận lúc trèo cây.

 Em Rơ Châm Pháp (làng Kênh, xã Nghĩa Hòa) vui mừng với kết quả vừa thu được là một tổ ong đầy mật sóng sánh. Ảnh: Minh Phương

Em Rơ Châm Pháp (làng Kênh, xã Nghĩa Hòa) vui mừng với kết quả vừa thu được là một tổ ong đầy mật sóng sánh. Ảnh: Minh Phương

Mỗi vụ, những người thợ săn mật ong rừng bỏ túi hơn chục triệu đồng. Cũng chính nguồn thu nhập cao nên họ vẫn cố bám trụ, mạo hiểm với nghề để có tiền trang trải cuộc sống. Đơn cử như anh Ly có 2 con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học. Nhà không có nhiều ruộng vườn nên anh chọn cách bám rừng để mưu sinh.

Tương tự, em Rơ Châm Pháp (19 tuổi) đã nghỉ học từ sớm do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Chị gái đầu lấy chồng ở xã khác, Pháp là con thứ 2 nên gánh vác mọi việc trong gia đình. Ngoài những ngày mùa gặt lúa, hái cà phê thuê thì Pháp chọn cách tham gia cùng các thanh niên trong làng đi lấy mật ong, hái lan để có thu nhập phụ giúp cha mẹ già nuôi các em.

Trong khi đó, trước khi trở thành đầu mối thu gom mật ong, lan rừng của người dân để bán, anh Đắc cũng từng là “thợ rừng”. Đó cũng là cơ duyên giúp anh kết nối được với những nhóm thợ giỏi chuyên săn mật và lan rừng.

“Sau khi tích lũy được ít vốn, năm 2015, tôi chuyển qua thu gom các loại nông sản phụ, xây dựng kênh Facebook, TikTok quay lại cảnh đi rừng lấy mật, hái lan để bán hàng. Tôi thu gom sản phẩm của người dân trong làng để giúp họ có thêm thu nhập”-anh Đắc chia sẻ.

 Cánh rừng gần khu vực đập tràn Nhà máy thủy điện Ia Grai 1 được loài ong đất chọn là nơi làm tổ. Ảnh: Minh Phương

Cánh rừng gần khu vực đập tràn Nhà máy thủy điện Ia Grai 1 được loài ong đất chọn là nơi làm tổ. Ảnh: Minh Phương

Chúng tôi rời khỏi rừng đúng lúc trời đổ mưa-cơn mưa báo hiệu mùa săn mật ong đã kết thúc. Hưởng lợi từ sản vật của rừng, các thợ săn mật ong luôn nhắn nhủ nhau “không bao giờ dọn sạch cả tổ” mà phải chừa lại một phần bánh mật cho ong tiếp tục sinh sản, để rừng năm sau vẫn còn vị ngọt đậm đà của mùa mật mới, cũng chính là giúp bản thân giữ được kế mưu sinh.

MINH PHƯƠNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/theo-chan-tho-san-mat-ong-dat-post324423.html