Ngai vàng triều Nguyễn bị đập gẫy: Báo động khẩn cấp trong việc bảo vệ di sản
Sau sự việc ngai vàng triều Nguyễn bị đập gẫy, các di tích cần lập lại bộ quy chuẩn quốc gia về an ninh bảo vật, tương tự như quy trình của bảo tàng chuyên ngành, áp dụng những nơi có hiện vật đặc biệt.
Ngày 24/5, người đàn ông tham quan điện Thái Hòa thuộc Đại nội Huế đã trèo qua hàng rào bảo vệ, đập gãy một số bộ phận của ngai vàng triều Nguyễn - Bảo vật quốc gia được công nhận năm 2015. Sự việc khiến nhiều người phẫn nộ. Dù bảo vệ phát hiện người đàn ông có biểu hiện không bình thường, đã đưa ra ngoài sau đó anh này lại tiếp tục lẩn vào và thực hiện hành vi đập phá.
Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền đã nghe báo cáo sơ bộ từ Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế. Sự việc xảy ra rất đáng tiếc và hy hữu song bà Hiền tin tưởng Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế có kinh nghiệm trong việc phục chế bảo vật nên có phần bớt lo lắng.

Ngai vàng triều Nguyễn chưa từng bị thất lạc hay rời khỏi điện Thái Hòa trong suốt hơn 200 năm. Hiện vật được chế tác công phu bằng gỗ quý, sơn son thếp vàng, chạm khắc tinh xảo với các họa tiết rồng mây ẩn hiện, hình ảnh tượng trưng cho hoàng đế trong tư tưởng Á Đông. Ảnh: Cục Di sản văn hóa
Ngai vàng triều Nguyễn là biểu tượng quyền lực của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Khác với nhiều ngai được đưa vào bảo tàng hay trưng bày trong tủ kính, hiện vật được đặt trang trọng giữa gian chính điện Thái Hòa, tạo nên một "bảo tàng sống", nơi du khách có thể cảm nhận trọn vẹn không khí nghiêm trang, linh thiêng của hoàng triều.
Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra hồi chuông cảnh tỉnh, đáng báo động cho toàn bộ hệ thống di tích có hiện vật độc bản trưng bày.
Một chuyên gia di sản cho rằng các bảo vật quốc gia dù đang được trưng bày công khai hay cất giữ đều cần một quy trình bảo vệ an ninh nghiêm ngặt, nhiều lớp chứ không phải kiểu "như bảo vệ ở chung cư". Nghĩa là những nhân viên bảo vệ này cần được huấn luyện chuyên nghiệp như bảo vệ nguyên thủ quốc gia.
"Sau sự việc này, các di tích cần lập lại bộ quy chuẩn quốc gia về an ninh bảo vật, tương tự như quy trình của bảo tàng chuyên ngành, áp dụng những nơi có hiện vật đặc biệt", vị chuyên gia nói với VietNamNet.
Theo Điều 46 Luật Di sản văn hóa sửa đổi, yêu cầu bảo vệ, bảo quản di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải đảo đảm đầy đủ điều kiện về nhân lực, thiết bị kỹ thuật, công nghệ để kiểm soát môi trường bảo quản, ứng phó thiên tai, phòng, chống cháy nổ, trộm cắp và nguy cơ khác có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Trường hợp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được quản lý tại bảo tàng công lập và các cơ quan, tổ chức của Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ phù hợp, phải được lưu giữ và trưng bày trong kho bảo quản hoặc phòng trưng bày. Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sở hữu bảo vật quốc gia phải xây dựng và triển khai phương án bảo vệ đặc biệt, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho bảo vật quốc gia.
Ở Trung Quốc, Luật Bảo vệ di sản văn hóa được ban hành thực hiện vào tháng 11/1982. Đây là luật đầu tiên trong lĩnh vực văn hóa của nước này, được sửa đổi lần đầu vào năm 2002. Sau hơn 20 năm, lần sửa đổi luật thứ 2 có hiệu lực từ ngày 1/3/2025.
Chương "Trách nhiệm pháp lý" nêu rõ tăng mức hình phạt đối với hành vi vi phạm luật di tích văn hóa. Những hành vi vi phạm nghiêm trọng như vi phạm quy định cấp phép hành chính về bảo vệ di tích văn hóa; gây thiệt hại đến di tích văn hóa và các công trình lịch sử xung quanh, mức phạt tăng gấp 20 lần.
Cụ thể, mức phạt tối đa trước đây là 500.000 Nhân dân tệ (khoảng 1,8 tỷ đồng) nay được nâng lên mức 10 triệu Nhân dân tệ (khoảng 36 tỷ đồng) đối với 1 hành vi vi phạm. Luật mới cũng siết chặt việc quy trách nhiệm, xử lý đối với từng cá nhân, đơn vị, người đứng đầu trong việc bảo vệ di tích văn hóa ở từng địa phương, khu vực. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức phải chịu chi phí liên quan, giảm hoặc thậm chí thu hồi chứng chỉ hành nghề, nhằm tăng cường tính răn đe của luật đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng.