Theo dấu vòng xoay, yêu những 'vân tay xanh' của thành phố

Ở nơi tưởng như chỉ là chỗ rẽ vội của xe cộ, tôi lại thấy thành phố Hồ Chí Minh chạm vào tầm cao bằng ký ức, bằng khát vọng chuyển mình và bằng cả những vân tay xanh - các vòng xoay len giữa nhịp sống đô thị.

Giữa bao con đường băng qua, tôi thường nhớ đến các lần dừng chậm tại một vòng xoay nào đó, là nơi để chuyển hướng rồi trở thành nút thắt của cảm xúc. Ở đó có bóng mát của hàng cây lâu năm, có dòng nước im lặng giữa phố xá ồn ào, có ánh đèn chiều chập choạng phản chiếu trên mặt đường ẩm sương.

TP.HCM chạm tầm cao qua điểm giao giữa mảng xanh và phát triển. Ảnh: Trần Thị Phương.

TP.HCM chạm tầm cao qua điểm giao giữa mảng xanh và phát triển. Ảnh: Trần Thị Phương.

Tôi yêu thành phố này bằng thứ tình cảm lặng lẽ, như cách người ta nhớ hướng gió, hay thuộc lòng tên một con đường vì câu chuyện phía sau nó. Từ các lát cắt lịch sử, thành phố đang không ngừng vươn lên với diện mạo mới. Và giữa dòng chảy ấy, từng vòng xoay vẫn âm thầm lưu giữ bản sắc, như mắt xích nối liền quá khứ với tương lai, lặng lẽ dẫn dắt TP.HCM tiến đến những tầm cao sâu sắc và bền vững hơn.

Từ điểm giao của lịch sử

Có một nơi tôi thường khựng lại, như thể thời gian khẽ níu bước: Công trường Mê Linh. Nằm bên dòng sông Sài Gòn, nơi đây từng là cửa ngõ giao thương nhộn nhịp, đón nhiều con tàu viễn dương và tiễn biệt bao người ra đi trong thời khắc lịch sử. Giữa nhịp sống hiện đại, vòng xoay vẫn giữ vẻ trang nghiêm, có tượng đức thánh Trần Hưng Đạo chỉ tay về phía xa, như lời nhắc nhớ về tinh thần giữ nước, giữ hồn cốt dân tộc. Ngắm tán cây già rì rào trong gió, mang theo âm vang tiếng chuông nhà thờ Tân Định phía xa và tiếng còi tàu trầm mặc từ cảng. Một nơi mà thời gian như vừa trôi đi, vừa quay lại.

Vòng xoay công trường Mê Linh (ảnh minh họa, chụp từ video).

Vòng xoay công trường Mê Linh (ảnh minh họa, chụp từ video).

Còn cái tên vòng xoay Công trường Dân Chủ mang hàm ý lớn lao, từng là ranh giới giữa khu trung tâm Sài Gòn và vùng đô thị mở rộng. Giờ đây, thường được vây quanh bởi dòng xe hối hả, bởi bảng hiệu rực rỡ và nhịp sống trôi nhanh. Nhưng trong lớp ký ức âm thầm của thành phố, nơi này từng là điểm dừng của biết bao chuyến đi định mệnh trước và sau năm 1975, giữa ở lại và ra đi, giữa hy vọng và tiếc nuối. Vòng xoay nối các tuyến đường, còn từng nối cả những số phận.

Vòng xoay Công trường Dân Chủ (ảnh Google Maps).

Vòng xoay Công trường Dân Chủ (ảnh Google Maps).

Ngay giữa trung tâm thành phố, vòng xoay nơi đài sen Nguyễn Huệ giao với Lê Lợi từng dội vang tiếng hô hào của phong trào sinh viên ngày nào. Nay, nơi ấy nép mình bên công trình metro đang vươn lên như biểu tượng của đô thị hóa và khát vọng đổi thay. Tôi hay lặng im, đứng lắng nghe kỹ và dường như vẫn có thể nghe được tiếng vọng từ quá khứ, âm thanh của bước chân xuống đường, của niềm tin vào ngày mai từng cháy lên trong tim tuổi trẻ.

Tôi thường ngước nhìn vòng xoay Lăng Cha Cả, là điểm chiến lược cạnh sân bay Tân Sơn Nhất. Có thời, tiếng cánh quạt trực thăng là âm thanh quen thuộc của một Sài Gòn chia cắt, và ánh đèn vàng chớp tắt là nỗi bất an của bao đêm không ngủ. Người lớn tuổi trong vùng vẫn kể, có những buổi tối, họ chỉ biết cầu nguyện khi xe quân sự dồn dập qua phố, nhắc nhớ giao lộ sinh tử của một thời khói lửa.

Mỗi vòng xoay là một dấu ấn trầm tích của đô thị, nơi lịch sử, con người và không gian giao nhau, đan lồng, hiện diện cùng nhau như những dấu vân tay không ai giống ai, không thể xóa mờ.

Đến những điểm chạm của tương lai

Vòng xoay kết nối giao thông, còn kết nối chiều sâu bản sắc và chiều cao khát vọng, nơi thành phố đang tái tạo mình với giao lộ xanh, metro hiện đại, và những khu vực đô thị mở rộng vươn tầm nhìn phía trước.

Có lần đi ngang vòng xoay nhà thờ Đức Bà, tôi thấy nhiều đôi bạn trẻ đang tạo dáng chụp ảnh cưới, phía sau là tháp chuông cổ kính và nhiều xoáy gió cuốn lá bay lặng lẽ. Không xa đó, có nhóm bạn sinh viên vừa ra trường đang cười nói, tay cầm bó hoa tốt nghiệp, chia sẻ với nhau dự định đầu đời. Nơi đây rất đẹp, còn trở thành điểm hò hẹn, bắt đầu của bao mối tình và cũng có thể là nơi khép lại vài câu chuyện không tên. Giữa dòng người xe nối nhau, vẫn có những phút ngập ngừng của người đứng đợi, hay ánh mắt nhìn nhau vội vàng rồi lại rẽ mỗi hướng. Vòng xoay như giữ lại tất cả.

Chợt nhớ vòng xoay trước chợ Bến Thành, từ nơi giao thương sôi động xưa kia, nay là cửa ngõ gắn kết trung tâm tài chính - văn hóa - du lịch của thành phố mới. Vòng xoay Phú Lâm lại giống nút giao của văn hóa, người Hoa, người miền Tây, người Sài Gòn xưa như để lại dấu vết trong kiến trúc, ẩm thực, cả cách gọi tên đường, bây giờ lại hòa vào dòng phát triển phía Tây đô thị.

Tôi hay qua vòng xoay gần công viên Hoàng Văn Thụ. Giữa dòng xe ken đặc, vài thảm cỏ vẫn được chăm tỉa cẩn thận, vòi nước phun nhẹ như điểm xuyết bình yên cho buổi trưa oi ả. Có lần kẹt xe, tôi nhìn thấy người đàn ông lớn tuổi tỉ mỉ cắt tỉa nhánh hoa, như đang chăm chút cho ký ức, hoặc đơn giản là gìn giữ vẻ dịu dàng giữa phố thị đang đổi thay.

Tôi thấy mừng vì thành phố không chỉ đếm xe, mà đã bắt đầu lắng nghe bước chân của người đi bộ, của cư dân sống quanh đó. Những vòng xoay vì thế mà trở thành chốn để dừng lại, để thấy mình còn cảm xúc, còn kết nối, và còn nhiều hy vọng.

Để người ở luôn vấn vương, để người xa còn nhớ

Tôi từng chứng kiến cậu bạn lần đầu lên thành phố, đứng lúng túng giữa vòng xoay Hàng Xanh, xe cộ xoay vòng như chính nỗi hoang mang trong mắt cậu. Bản đồ điện thoại chập chờn, bối rối tìm phương hướng. Cậu lạc đường nhưng cũng từ vòng xoay đầu đời ấy, cậu tìm được công việc đầu tiên, gặp người bạn gái cùng chuyến xe buýt, và vài năm sau, họ nắm tay nhau quay lại đúng nơi ấy để chụp hình cưới.

Tôi cũng từng thấy cô bé sinh viên dừng lại giữa vòng xoay Điện Biên Phủ, loay hoay với quai giỏ đứt. Giữa dòng xe đông đúc đã có người lạ ghé xuống giúp em. Chỉ một khoảnh khắc nhỏ thôi, nhưng tôi vẫn nhớ nụ cười rất nhẹ ấy, như thể thành phố hôm đó tự nhiên dịu dàng hơn.

Với tôi, mỗi vòng xoay là một lần chạm vào ký ức. Như buổi sáng nào đó đi ngang vòng xoay Bến Thành, khi chợ còn im lìm và nhìn bó hoa vừa được đặt xuống thềm. Tôi cầm ổ bánh mì còn ấm, nắng nhẹ trên vai, và khung cảnh lướt qua rất nhanh. Nhưng cảm giác được sống ở đây, ngay lúc đó thì ở lại rất lâu.

Thành phố đang đổi thay từng ngày, nhưng vòng xoay thì vẫn lặng lẽ giữ lại những mối duyên nhỏ, các ánh nhìn không kịp gọi tên. Chúng nối người từ lạc lối đến gặp gỡ, từ vô tình đến gắn bó.

Dù đã thuộc tên từng vòng xoay, mỗi lần đi ngang qua, tôi vẫn mỉm cười. Bởi trong những khúc rẽ nhỏ ấy, luôn có gió, có hoa, và có dấu "vân tay xanh" là vòng xoay lặng lẽ in hằn ký ức giữa lòng phố thị, dịu dàng mà bền bỉ, chưa từng rời đi.

Giữa những vòng xoay ấy, tôi thấy thành phố không ngừng chuyển động, bằng xe cộ, bằng công trình mới, và cả bằng cảm xúc. Nhiều mối duyên nhỏ tình cờ, cả ánh mắt chưa kịp gọi tên… tất cả như được níu lại nơi đây, một cách rất nhẹ nhàng, rất Sài Gòn.

Và với tôi, Sài Gòn - TP.HCM mãi là điểm chạm dịu dàng của quá khứ, cũng là điểm tựa bền vững cho những tầm cao của mai sau.

SanDisk là thương hiệu Mỹ hàng đầu toàn cầu trong lĩnh vực giải pháp lưu trữ dữ liệu. Với hơn 30 năm kinh nghiệm, SanDisk mang đến các sản phẩm lưu trữ hiệu năng cao như thẻ nhớ, USB, ổ cứng SSD… được tin dùng bởi hàng triệu người dùng cá nhân, nhiếp ảnh gia, nhà làm phim và các chuyên gia sáng tạo trên toàn thế giới.

Dòng sản phẩm SanDisk Creator Series là lựa chọn lý tưởng dành cho các nhà sáng tạo nội dung và làm phim, kết hợp giữa tốc độ vượt trội, độ bền cao và thiết kế hiện đại, giúp bạn ghi lại mọi khoảnh khắc sáng tạo một cách mượt mà và đáng tin cậy.

Trân trọng cảm ơn thương hiệu SanDisk đã đồng hành cùng cuộc thi "Thành phố Hồ Chí Minh - Những điểm chạm tầm cao"!

Trần Thị Phương

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-hay/theo-dau-vong-xoay-yeu-nhung-van-tay-xanh-cua-thanh-pho-c17a100911.html