Theo dõi sức khỏe tâm thần để can thiệp kịp thời trong đại dịch

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt trong 1 tuần trở lại đây, số ca nhiễm mới không ngừng tăng lên ảnh hưởng rất nhiều đến mọi mặt cuộc sống. Việc phải thay đổi nếp sinh hoạt, hạn chế ra đường, hạn chế tiếp xúc đông người… đã ảnh hưởng không nhỏ đến thể chất lẫn tinh thần của cả người lớn và trẻ em.

Để nhận biết dấu hiệu sớm của các bệnh lý tâm thần do dịch Covid-19 và cách khắc phục, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Cao Tiến Đức, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, Khoa Tâm thần, Bệnh viện 103, Học viện Quân y.

* Thưa giáo sư, tình hình dịch Covid-19 kéo dài sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý của mọi người?

Đại dịch Covid-19 kéo dài, nhiều người có thể thích nghi dần với dịch bệnh nhưng vẫn còn nhiều vấn đề ảnh hưởng trầm trọng đến tâm lý con người. Nhiều người lo sợ dịch lây lan, sợ mắc bệnh, cách ly, phong tỏa, vì cảm giác bị cắt đứt liên lạc với thế giới và những người thân thiết. Cũng có người tức giận khi nghĩ rằng mình có nguy cơ bị lây nhiễm vì sự bất cẩn của người khác. Có người lại cảm thấy tuyệt vọng, lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đình.

Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Cao Tiến Đức và các đồng nghiệp trẻ

Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Cao Tiến Đức và các đồng nghiệp trẻ

Ngoài ra, dịch bệnh khiến công việc bị ảnh hưởng, không có thu nhập, giao thông bị cản trở, hạn chế đi lại cũng ảnh hưởng đến tâm lý rất nhiều. Nhiều trường hợp bị các bệnh lý khác nhưng không dám đến bệnh viện thăm khám, để bệnh nặng lên. Nhiều bệnh mới phát sinh trong đại dịch như rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, lo âu trầm cảm, rối loạn stress, rối loạn hành vi (game, tình dục), lạm dụng chất (ma túy, rượu), tỷ lệ tự sát tăng lên. Một số người có tâm lý chủ quan, cho là đã tiêm vắc xin nên không sợ bị mắc bệnh, dẫn đến việc dễ bị lây bệnh và làm lây lan cho nhiều người khác.

* Trong đại dịch, có phải nhóm người cao tuổi và trẻ em sẽ dễ bị tổn thương hơn so với nhóm người trưởng thành, thưa giáo sư?

Theo nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước, nhóm người già, trẻ em, phụ nữ, người thu nhập thấp, những người học vấn thấp là những đối tượng dễ bị tác động của dịch bệnh.

Đại dịch Covid-19 là một sang chấn, vừa gây tổn thương cơ thể vừa gây tổn thương về tinh thần nghiêm trọng, dẫn đến nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý tâm thần rất lớn. Tổ chức Y tế thế giới cũng cảnh báo phải chú ý hơn về mặt sức khỏe tâm thần của người dân.

* Thưa giáo sư, chúng ta có thể nhận biết bản thân, người thân, bạn bè đang bị stress, hay có bệnh lý tâm thần thông qua những dấu hiệu cơ bản và ở mức độ nào thì cần đi khám và điều trị? Và sau khi tình hình dịch bệnh ổn hơn thì các trạng thái tâm lý bất ổn, các dấu hiệu bệnh lý có biến mất hay không?

Những biểu hiện ban đầu có thể là lo âu, căng thẳng, ăn không ngon, ngủ không yên, dần dần làm con người thay đổi tính tình, hay cáu gắt bực bội, mệt mỏi, buồn chán, bi quan, mất tự tin, hay nghi ngờ. Thậm chí bị hoang tưởng, ảo giác, khả năng làm việc, học tập giảm sút. Hoặc có những ý nghĩ bi quan, tiêu cực dẫn đến hành vi tự sát.

Khi gặp các vấn đề này, chúng ta nên tìm sự tư vấn từ các bác sĩ trực tiếp hoặc online. Nhiều trường hợp chỉ cần tư vấn tâm lý cũng có thể đã ổn định được. Trường hợp bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, bất an, khả năng lao động, học tập giảm sút, có hoang tưởng, ảo giác, có ý tưởng, hành vi tự sát thì phải điều trị, thậm chí phải nhập viện điều trị nội trú.

Sau đại dịch, hầu hết các bất ổn tâm lý sẽ hồi phục, cuộc sống bình an trở lại. Một số trường hợp các rối loạn trở thành mạn tính, bao gồm: rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi, lo âu, rối loạn stress, trẻ em có thể biến đổi nhân cách.

* Đối với người nhiễm Covid-19 gặp các bệnh lý tâm thần, sau khi được điều trị Covid-19 khỏi hoàn toàn có để lại di chứng gì về sau không, thưa giáo sư?

Đối với người đã điều trị khỏi Covid-19 có thể có các di chứng về tâm thần. Có nghiên cứu chỉ ra rằng, những người sống sót sau Covid-19 có các rối loạn về não và sức khỏe tâm thần cao.

Cụ thể, trong 236.379 người sống sót sau Covid-19 có 20% rối loạn tâm thần trong 3 tháng đầu, 34% rối loạn tâm thần trong 6 tháng, 17% lo âu và 14% trầm cảm. Tất cả rối loạn tâm thần này không liên quan đến mức độ nặng hay nhẹ về Covid-19 của bệnh nhân. Đối với bệnh nhân bị Covid-19 nghiêm trọng: có 7% bị đột quỵ trong vòng 6 tháng và 2% sa sút trí tuệ.

* Thưa giáo sư, trước những nguy cơ để lại di chứng về sau, làm thế nào để khắc phục được dấu hiệu, bệnh lý tâm thần này?

Mọi người cần theo dõi sức khỏe của mình. Nếu có các dấu hiệu bệnh lý cần được bác sĩ tư vấn trực tiếp hoặc online để tìm hướng can thiệp sớm nhất. Đối với người lớn, Covid-19 làm xuất hiện nhiều bệnh lý tâm thần, những bệnh lý tâm thần cũ đang ổn định thì lại tái phát trong đại dịch.

Thời gian này, chúng tôi gặp nhiều trường hợp bệnh nhân đến thăm khám; trường hợp nhẹ thì tư vấn, người bệnh tự điều chỉnh hoạt động, hành vi cho ổn định; nhiều trường hợp buộc phải kê đơn điều trị, nhiều trường hợp phải nhập viện để điều trị nội trú.

* Trân trọng cảm ơn giáo sư!

Đào Bằng (thực hiện)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/14/128340/theo-doi-suc-khoe-tam-than-de-can-thiep-kip-thoi-trong-dai-dich