THEO DÒNG THỜI SỰ: Đòn bẩy vượt qua chia rẽ
Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arập (AL) lần thứ 34 diễn ra tại thủ đô Baghdad của Iraq ngày 17/5, với chương trình nghị sự tập trung vào nhiều vấn đề then chốt nhằm thúc đẩy hòa giải và đoàn kết Arập, giải quyết những thách thức đan xen cũng như tăng cường hội nhập và hợp tác nội khối trên các lĩnh vực an ninh, kinh tế, thương mại và năng lượng, với mục tiêu đảm bảo hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng cho thế giới Arập.

Cảnh sát Iraq gác tại trụ sở Chính phủ ở Vùng Xanh, thủ đô Baghdad, ngày 29/8/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Hội nghị diễn ra vào thời điểm Trung Đông đang đối mặt với tình hình địa chính trị ngày càng phức tạp với các cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết, như xung đột dai dẳng tại Dải Gaza, Sudan, Liban và Yemen, cũng như sự thay đổi chính quyền tại Syria, căng thẳng Iran-Israel, sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa Iran với các quốc gia Vùng Vịnh và bất ổn ở Biển Đỏ - nơi các tuyến hàng hải thương mại trọng yếu của thế giới đi qua. Bên cạnh đó, tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Iran nhằm đạt được thỏa thuận về việc kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran vẫn rất phức tạp và chưa ghi nhận kết quả cụ thể nào sau 4 vòng đàm phán gián tiếp do Oman làm trung gian. Căng thẳng Iran-Mỹ một khi leo thang thành một cuộc đối đầu quân sự sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ khu vực Trung Đông, đặc biệt liên quan đến nguồn cung cấp năng lượng vì một lượng lớn dầu mỏ của thế giới đến từ khu vực Arập vùng Vịnh.
Hội nghị thượng đỉnh thường niên của AL quy tụ các nguyên thủ quốc gia và quan chức cấp cao từ 22 quốc gia thành viên AL, trong đó có tổng thống và quốc vương của các nước như Saudi Arabia (Ảrập Xêút), Ai Cập, Jordan, Qatar, Jordan và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE). Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Mahmoud Ali Youssouf, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) Hissein Brahim Taha và Tổng Thư ký Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) Jassem Mohamed Al-Budaiwi dự kiến sẽ tham dự hội nghị. Tổng thống lâm thời Syria không tham dự sự kiện này, thay vào đó ngoại trưởng nước này sẽ đại diện cho chính quyền mới của Syria. Hội nghị sẽ là một diễn đàn và nền tảng hết sức quan trọng để các quốc gia Arập thảo luận và tìm kiếm giải pháp cho các thách thức chính trị, kinh tế và an ninh, đặc biệt là cuộc xung đột dai dẳng với Israel. Chương trình nghị sự của hội nghị cũng sẽ bao gồm các cuộc thảo luận về những chiến lược chung của khối Arập liên quan đến an ninh truyền thống và phi truyền thống, an ninh năng lượng và công cuộc tái thiết Gaza hậu xung đột. Những vấn đề này sẽ trở thành trọng tâm trong chương trình nghị sự khi các nước tìm cách thúc đẩy hợp tác nhằm đảm sự ổn định lâu dài của khu vực.
Đặc biệt, Hội nghị thượng đỉnh AL năm nay là cuộc họp thường niên đầu tiên của nhóm do Iraq tổ chức kể từ năm 2012. Đối với Chính phủ Iraq, sự kiện này là dịp để Baghdad khôi phục vai trò trung tâm ở Trung Đông sau nhiều thập niên chiến tranh và cô lập về chính trị. Iraq cam kết sẽ tạo mọi điều kiện cần thiết để hội nghị diễn ra suôn sẻ, với mục đích thể hiện hình ảnh tích cực của quốc gia Trung Đông này cũng như thúc đẩy sự đoàn kết và hợp tác giữa các quốc gia Arập. Ngoại trưởng Iraq Fuad Hussein cho hay hội nghị sẽ tập trung vào việc tăng cường hợp tác kinh tế và thúc đẩy an ninh và ổn định khu vực, khẳng định rằng sự kiện này sẽ là cột mốc quan trọng trong quá trình tái hòa nhập của Iraq vào thế giới Arập. Trong những năm gần đây, Iraq đã có ảnh hưởng ngày càng lớn trong vai trò là một bên trung gian khu vực, tạo điều kiện cho nhiều vòng đàm phán giữa Iran và Saudi Arabia trước khi Riyadh và Tehran ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vào tháng 3/2023 sau 7 năm rạn nứt ngoại giao.
Giáo sư quan hệ quốc tế Firas Elias thuộc Đại học Mosul (Iraq) cho rằng một trong những trở ngại chính của Hội nghị thượng đỉnh AL lần thứ 34 là giải quyết những chia rẽ giữa các quốc gia Arập về những vấn đề khu vực quan trọng. Ông nhấn mạnh sự tham gia của Syria là một trong những phép thử quan trọng nhất đối với giới lãnh đạo Iraq. Trong số các vấn đề gây chia rẽ lớn nhất là sự tái hòa nhập của Syria dưới sự lãnh đạo của Tổng thống lâm thời Ahmad al-Sharaa vào cộng đồng ngoại giao Arập - điều đã khơi dậy cả hy vọng và lo lắng giữa các nước khu vực. Sau khi chính thức được gia nhập trở lại AL vào tháng 5/2023, Syria sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh AL lần đầu tiên kể từ khi xung đột bắt đầu nổ ra tại nước này vào năm 2011. Động thái này làm dấy lên cuộc tranh luận về tốc độ và bản chất của quá trình tái hòa nhập của Syria. Sự thay đổi chính quyền ở Syria đã làm cho tình hình ở thế giới Arập thêm phức tạp. Sự xuất hiện của ông al-Sharaa chắc chắn sẽ góp phần làm thay đổi bối cảnh địa chính trị khu vực.
Do đó, sự đoàn kết và hòa giải là điều hết sức cần thiết trước khi các nước Arập hướng tới một lộ trình thống nhất để giải quyết các thách thức khu vực. Chính phủ Iraq đã nêu bật tầm quan trọng của đoàn kết Arập trước những thách thức địa chính trị ngày càng gia tăng, khẳng định Baghdad mong muốn hội nghị sẽ tạo ra "một khuôn khổ cho hợp tác và quản lý khủng hoảng trong tương lai". Iraq hiện đang tìm cách đóng vai trò dẫn dắt trong việc thúc đẩy đối thoại và phối hợp giữa các quốc gia Arập.
Hội nghị thường đỉnh AL cũng diễn ra vào thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện chuyến công du tới 3 quốc gia Vùng Vịnh là Saudi Arabia, Qatar và UAE, với mục đích củng cố các lợi ích chiến lược của Washington ở Trung Đông, đặc biệt là tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với các đối tác trong khu vực cũng như thúc đẩy các nỗ lực nhằm giải quyết các vấn đề khu vực. Tại các cuộc gặp với giới lãnh đạo Arập Vùng Vịnh, ông Trump đã thể hiện rõ chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Trung Đông, trong đó có việc đề nghị Saudi Arabia và Syria bình thường hóa quan hệ với Israel theo khuôn khổ các Hiệp định Abraham, đồng thời nêu điều kiện để đạt được thỏa thuận hạt nhân và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Kết quả chuyến thăm Vùng Vịnh của Tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh AL.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan tại cuộc gặp ở Abu Dhabi ngày 15/5/2025. AA/TTXVN
Giới phân tích cho rằng với vai trò dẫn dắt và điều phối của Baghdad tại hội nghị, các quốc gia Arập có thể sẽ đạt được sự đồng thuận về các vấn đề khu vực quan trọng như cuộc xung đột ở Gaza, an ninh năng lượng và các sáng kiến hội nhập kinh tế dài hạn trên khắp khu vực Arập, với mục tiêu đảm bảo các lợi ích chiến lược về an ninh và kinh tế. Những lợi ích này cũng là đòn bẩy để các nước Arập vượt qua chia rẽ, hướng tới mục tiêu chung.